Đêm xảy ra vụ cháy chung cư Carina (TP Hồ Chí Minh) khiến 13 người tử vong, hàng trăm người hoảng hốt, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh những nạn nhân lấm lem muội than, gương mặt thảng thốt, sợ hãi. Nhiều người chỉ kịp quấn trên mình chiếc khăn hay bộ đồ ngủ kịp tháo chạy ra nơi mà họ cho là an toàn và có cơ hội sống sót. May mắn hơn hết vẫn là những người được lính cứu hỏa kịp thời tiếp cận.
Sau vụ cháy, có rất nhiều người kể, nếu trễ vài giây nữa thôi họ chết vì ngạt. Bởi vậy hôm lễ tri ân những người lính cứu hỏa tại chung cư Carina, tôi thấy có rất nhiều giọt nước mắt, những cái ôm chứa chan tình người mà cư dân dành cho những người lính quả cảm.
Những người chiến sĩ chữa cháy tham gia cứu người trong vụ cháy chung cư Carina. |
Chị Nguyễn Thị Khánh Ly, sống ở tầng 8, block A khó có thể quên cảm giác cận kề cái chết. Khói đen kịt xộc thẳng vào căn hộ, quáng quàng định mở cửa chính chạy ra ngoài, sực nhớ kỹ năng thoát hiểm, 2 vợ chồng dùng khăn ướt bịt mũi đứa con nhỏ rồi tất cả cùng ra phía ban công. Khói từ căn hộ phủ tiếp ra ngoài ban công, cả 3 người đều ho sặc sụa.
Thoáng chút tuyệt vọng trong tiếng còi xe cứu hỏa rú lên liên hồi át tiếng kêu cứu yếu ớt của vợ chồng chị, bỗng một chiếc xe thang đẩy tay hướng về phía ban công. Rồi một chiến sĩ PCCC xuất hiện và cả nhà chị được xuống đất an toàn. Người chiến sĩ mà chị Ly nhắc tới là Thiếu úy Nguyễn Duy Khang, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân.
Không phải chỉ gia đình chị Ly, những ánh mắt dò tìm ân nhân của mình khiến hội trường Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh tại buổi lễ tri ân những người lính cứu hỏa đầy cảm xúc.
Nghẹn ngào đến bật ra thành tiếng khóc vì may mắn được cứu sống, những cư dân kể nhiều về tình huống đó nhưng ai cũng cảm giác vẫn không nói hết tinh thần quả cảm của những người lính cứu hỏa.
Những người được tri ân cũng ngấn nước mắt và thấy rằng, chính tình cảm của nhân dân là động lực để họ tiếp tục chiến đấu, và tôi cũng bần thần như tâm trạng của họ.
Ngoài nhiệm vụ PCCC, những chiến sĩ chữa cháy còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. |
15 năm cầm bút, trực tiếp đến hiện trường hàng chục vụ cháy nhưng với tôi, mỗi vụ cháy là một kỷ niệm riêng. Tôi cảm nhận được tâm trạng của người lính cứu hỏa khi có những lúc các anh bất lực trước đám cháy quá nhanh, ngọn lửa quá hung hãn, hiện trường cháy quá ngổn ngang,….
Mặt mày đen nhẻm vì bị ám khói, chiến đấu, giành giật lại sự sống của người dân trước “giặc lửa” nhưng vẫn có những trường hợp nạn nhân bị mắc kẹt, khiến các anh đau xót! Không để cảm xúc nhất thời lấn át, khi đưa được nạn nhân ra ngoài, các anh lại tiếp tục xông vào hiện trường cứu người, dập lửa.
Nhiều tấm gương hy sinh của các chiến sĩ PCCC vẫn còn để lại trong chúng tôi - những người viết về họ, một cảm xúc mãnh liệt. Hôm ở đám tang Đại úy Phạm Phi Long, Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân, nhìn người vợ trẻ bụng bầu đau đớn cùng đồng đội của anh lo tang lễ mà ai ai cũng trào rơi dòng lệ, nhìn đứa con trai của Đại úy Long nức nở trong lòng mẹ… khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Có ai hiểu được cảm giác của một người vợ luôn lo lắng cho chồng mỗi lần nhận được tin báo cháy, tin sự cố. Những người thân luôn hiểu được sự vất vả và nguy hiểm trong công việc của người lính cứu hỏa. Họ đã sống đúng với phẩm chất của một người chiến sĩ CAND “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Khó có bút mực nào lột tả được hết sự nguy hiểm của người lính cứu hỏa khi họ đối mặt với giặc lửa. Nhiều cán bộ mà tôi gặp kể rằng họ không nhớ đã đối mặt với bao nhiêu vụ cháy, bao nhiêu lần rơi nước mắt vì không cứu được người và những lần khóc thương tiễn biệt đồng đội.
Hơn 10 năm gắn bó với công tác PCCC tại quận trung tâm của thành phố, Trung úy Nguyễn Thanh Tùng cho biết các anh vẫn thường ôn lại những vụ cháy như một ký ức, một bài học cần rút ra để những lần chữa cháy sau sẽ không gặp phải sự cố.
Tiếp xúc với họ, tôi được nghe kể khoảnh khắc người lính cứu hỏa tiếp cận và sẵn sàng nhường bình thở cho những nạn nhân đang giữa lằn ranh sống - chết. Tại những công trình bị lửa nung làm đổ sập, ngổn ngang, nhìn những bước chân dũng mãnh của các chiến sĩ chữa cháy dưới những mảng bê tông nặng hàng chục tấn, hàng trăm tấn chực chờ đổ xuống, ai chứng kiến cũng phải rùng mình.
Trung úy Tùng kể vụ cháy trên đường Tôn Thất Đạm, quận 1: “Khi chúng tôi đến thì ngọn lửa đã bốc cao bao trùm cả căn nhà. Người thân gào khóc vì còn một đứa trẻ mắc kẹt bên trong. Địa hình phức tạp, lửa thì bao quanh, để tiếp cận được căn phòng nơi cháu bé mắc kẹt quả là gian nan. Khi tiếp cận được căn phòng cháu bé đã tử vong vì ngạt khói. Tổ cứu hỏa chúng tôi cùng người thân giàn giụa nước mắt, ôm chặt lấy nhau trong đau đớn, vì bất lực trước ngọn lửa hung hãn”.
Lính cứu hỏa đôi lúc cũng như bác sĩ, phải lạc quan để trấn an nạn nhân, để làm dịu đi sự căng thẳng, hoảng loạn. Đại úy Châu Ngọc Quang, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC quận 8 kể khi tiếp cận hiện trường vụ cháy chung cư Carina, các tổ công tác xông vào khu vực khói dày đặc để tiếp cận từng căn hộ xem có người mắc kẹt bên trong hay không.
Phát hiện một đứa bé hoảng loạn vì thất lạc gia đình, anh bế đứa bé trên tay rồi trấn tĩnh: “Không sao đâu con, chỉ là diễn tập thôi!”. Nghe vậy, đứa bé người lấm đen vì dính muội khói bình tĩnh trở lại ôm chặt Đại úy Quang suốt chặng đường di chuyển đến nơi an toàn. Nói dối để cứu người thì cũng nên nói dối lắm chứ!
Những nguy hiểm chực chờ đối với các chiến sĩ trong các đám cháy. |
Tôi được nhiều người lính cứu hỏa kể rằng có những lúc cận kề nguy hiểm nhưng đã chọn nghề thì luôn giữ và làm đúng tâm thế: Người khác chạy ra khỏi đám cháy, còn lính cứu hỏa phải chạy vào. Bất kể thời điểm nào, ngày thường hay dịp lễ tết, các chiến sĩ PCCC luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu.
Có những lúc mới nâng bát cơm lên thì có lệnh, các chiến sĩ chữa cháy phải đến hiện trường. Có trường hợp xin nghỉ phép hẹn hò cùng bạn gái nhưng vừa mới gặp phải tất tả chạy về khiến người yêu ngớ ra một hồi mới hiểu. Đã có những cuộc tình tan vỡ bởi cô gái không chịu được cảnh yêu một người lại “ham việc” mà liên tiếp bỏ dỡ những cuộc hẹn hò.
Trở lại đơn vị sau những giây phút chiến đấu với ngọn lửa, những người lính cứu hỏa tiếp tục với công tác huấn luyện vất vả, rất khắc nghiệt của đời lính. Và không chỉ có tập luyện, chiến đấu, những người lính cứu hỏa còn hòa mình trong hàng trăm hoạt động công tác xã hội.
Ít người biết rằng liên tục 5 năm qua, cứ vào buổi trưa, đã có những phần cơm, thức ăn nóng tự tay những người lính cứu hỏa vào bếp làm nên được đưa đến tận tay những người già neo đơn, không nơi nương tựa trên địa bàn Phòng Cảnh sát PCCC quận 8 đóng quân.
Tác giả: M.Đức
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn