Lưới trời lồng lộng
Cách đây hơn chục năm, vụ án buôn lậu của Công ty Đông Nam do Nguyễn Gia Thiều làm giám đốc đã gây xôn xao dư luận, bởi nó liên quan đến một hoa hậu và lợi nhuận từ việc buôn lậu này lên tới hơn 140 tỷ đồng. Khi vụ án xảy ra, có một đối tượng trực tiếp liên quan, là một trong những đầu mối chính nhập lậu điện thoại di động cho Thiều tiêu thụ đã bỏ trốn. Đó chính là Nguyễn Quốc Tuấn. Năm 2015, Interpol đã chính thức phát đi thông báo truy nã quốc tế đối với đối tượng này.
Trốn ra nước ngoài, di chuyển qua nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như: Singapore, Hong Kong, Anh... nhưng tâm của Nguyễn Quốc Tuấn không thể yên. Nhất là khi biết mình đã có lệnh truy nã quốc tế thì đối tượng luôn sống trong sự phấp phỏng, lo âu. “Tôi thấy cuộc sống của mình không ra sống. Cứ thoáng thấy bóng sắc phục là tôi cảm giác mình sắp bị truy đuổi” - Tuấn đã tâm sự như thế sau hơn chục năm lẩn trốn nơi xa xứ.
Được sự vận động, động viên của các cán bộ Văn phòng Cơ quan CSĐT, Tuấn đã chọn về nước chấp nhận hình phạt còn hơn cuộc sống chui lủi, sợ sệt nơi đất khách quê người.
Trong cái nắng rực rỡ của phương Nam, Nguyễn Quốc Tuấn trở về đầu thú mà trong lòng như được cởi trói. Với chính sách nhân đạo của pháp luật Việt Nam, Tuấn hiện đang được tại ngoại. Tết này, Tuấn được đón tết trên chính quê hương mình trong một tâm trạng thoải mái nhất, dù vẫn biết, ngày mai, sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt của pháp luật.
Trung tướng Trần Văn Vệ - Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra và đoàn Cảnh sát Việt Nam tham dự Aseanpol. |
Theo dòng chảy của phát triển kinh tế và du lịch, nhiều đối tượng người nước ngoài sau khi gây án cũng đã tìm cách đến Việt Nam. Hiện có 56.834 lệnh truy nã quốc tế của Interpol (thông báo đỏ hiện đang có hiệu lực được ban hành theo đề nghị của các quốc gia thành viên), trong đó có rất nhiều đối tượng nghi đang trốn ở Việt Nam.
Các đối tượng đến Việt Nam bằng nhiều con đường, có đối tượng đến trong vai các doanh nhân, có đối tượng ở trong thời gian dài... Nhưng, với lưới vây của Interpol Việt Nam và các nước, những đối tượng lẩn trốn tại Việt Nam đã lần lượt bị bắt giữ.
Khi bị Công an Việt Nam bắt giữ theo lệnh truy nã quốc tế, đối tượng Joo Sehoon, quốc tịch Hàn Quốc hết sức ngỡ ngàng. Sau khi phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở Hàn Quốc, năm 2015, Joo Sehoon trốn sang Việt Nam, trong vai một doanh nhân tại TP Hồ Chí Minh, sống rất kín tiếng nên những người xung quanh không ai nghi ngờ.
Cuối tháng 11-2018, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiến hành bàn giao đối tượng truy nã Joo Sehoon cho cảnh sát Hàn Quốc tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất.
Không ai nghĩ cô gái Nga xinh đẹp Turet Afuda Kseniia (sinh năm 1992), lại là một đối tượng có lệnh truy nã quốc tế. Phạm tội mua bán trái phép chất ma túy ở xứ sở Bạch Dương, khi các đối tượng trong đường dây bị bắt, Turet Afuda Kseniia đã bỏ trốn đến Việt Nam. Cô gái này nghĩ ở một đất nước tận châu Á như Việt Nam, sẽ không ai biết đến mình. Nhưng, Turet Afuda Kseniia đã nhầm.
Với mạng lưới hợp tác của Cảnh sát quốc tế như hiện nay, dù có chạy đến đâu, với tinh thần hợp tác, trách nhiệm, lực lượng cảnh sát sẽ phát hiện và truy bắt được. Ngày 3-12 vừa qua, Văn phòng Cơ quan CSĐT đã phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành bàn giao đối tượng truy nã Turet Afuda Kseniia cho đoàn công tác Liên bang Nga tại cửa khẩu quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất.
Kể câu chuyện truy nã tội phạm quốc tế, về những đối tượng, các cán bộ Văn phòng Interpol muốn cùng chúng tôi chuyển tải một thông điệp cụ thể: Dù tội phạm có chạy trốn đến phương trời nào cũng sẽ bị truy bắt đến cùng.
Thách thức và hợp tác
Ngoài trời lạnh se sắt, không khí tết đã đến sầm sập nhưng trong những căn phòng làm việc của Phòng Tương trợ tư pháp về hình sự và Hợp tác quốc tế về tố tụng hình sự, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an vẫn nóng rực những đầu mối công việc. Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng, cho chúng tôi biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (còn gọi là cuộc cách mạng 4.0) tạo ra sự thay đổi lớn trong lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ nhưng nó cũng sẽ gây ảnh hưởng nhiều mặt đến đời sống xã hội, trong đó có vấn đề an ninh trật tự. Đặc biệt, tội phạm xuyên quốc gia về sử dụng công nghệ cao đang gia tăng chóng mặt cả về phương thức thủ đoạn và mức độ thiệt hại.
Đến bên một cán bộ đang trao đổi điện thoại với cảnh sát Singapore, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn cho biết, các anh đang thụ lý, liên hệ với cảnh sát các nước điều tra, xử lý về vụ việc một công ty (tạm gọi là công ty X) trong nước bị tổ chức tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo thông qua chuyển tiền tài khoản.
Công ty X có hợp đồng kinh tế với một công ty của Singapore. Hai bên đã trao đổi nội dung làm việc qua một số hộp thư điện tử. Đến một ngày, nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tạo ra một hộp thư điện tử gần giống với hộp thư điện tử mà công ty nước ngoài đang sử dụng trao đổi công việc với công ty X, chỉ khác một dấu cách.
Trong thư điện tử này, đối tượng cũng sử dụng các ngôn ngữ nói chuyện, dẫn dắt câu chuyện giống như đối tác nước ngoài, chỉ khác là chúng hướng dẫn bị hại chuyển tiền vào một tài khoản mới tận... châu Mỹ. Cùng với đó, đối tượng làm giả hóa đơn thanh toán và giấy đề nghị điều chỉnh số tài khoản, ngân hàng của đối tác rồi đề nghị công ty X thanh toán theo tài khoản giả mạo này.
Interpol Việt Nam bàn giao đối tượng truy nã Turet Afuda Kseniia (dấu x) cho Đoàn công tác Liên bang Nga. |
Do tin tưởng, công ty X đã chuyển hơn 100.000 USD vào tài khoản mới và mấy ngày sau, khi chuyển thông báo cho đối tác thì nhận được thông tin sét đánh: Đối tác không nhận được tiền và không hề thay đổi số tài khoản nêu trong hợp đồng. Lúc này, công ty X mới tá hỏa biết bị lừa và trình báo cơ quan Công an...
Thời gian gần đây, số lượng những vụ lừa đảo qua sử dụng công nghệ cao kiểu như trên xảy ra ngày càng nhiều với thủ đoạn rất tinh vi và thiệt hại vô cùng lớn. Ngay sau khi nhận được trình báo của các bị hại, Phòng 6 đã tiến hành xác minh, kịp thời phối hợp với cảnh sát các nước phong tỏa những tài khoản nghi vấn lừa đảo chuyển tiền, trong nhiều trường hợp đã phong tỏa kịp thời tài khoản, giữ lại hàng triệu USD là tang vật của các vụ án lừa đảo.
Interpol là một kênh hợp tác rất đặc thù, quy tụ những cán bộ có năng lực, có trình độ, âm thầm, lặng lẽ hằng ngày bám sát các yêu cầu thực tiễn của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Từ việc nắm bắt hiệu quả các thông tin về tội phạm trong khu vực và thế giới, đơn vị đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ có những quyết sách hợp lý trong công tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia. Hướng dẫn Công an các địa phương một cách hiệu quả trong việc giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài.
Bên cạnh đó, các cán bộ của Interpol cũng trực tiếp phối hợp bắt giữ, bàn giao nhiều đối tượng truy nã người nước ngoài trốn đến Việt Nam và ngược lại là các đối tượng phạm tội ở Việt Nam trốn ra nước ngoài.
“Trong một tháng, chúng tôi còn phải thực hiện xác minh khoảng 200 lượt thông tin theo các yêu cầu của cảnh sát các nước về người Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước ngoài. Để có thể thực hiện đầy đủ và hiệu quả nghĩa vụ quốc tế trong việc chia sẻ thông tin về tội phạm xuyên quốc gia nói trên, mỗi cán bộ, chiến sỹ làm việc trong lĩnh vực này phải hết sức nỗ lực, miệt mài và có phương pháp khoa học trong làm việc” - Trung tá Hoàng Tâm Hiếu, Trưởng phòng, chia sẻ.
Cùng với cảnh sát các nước, năm 2018, Văn phòng Interpol Việt Nam đã tham mưu triển khai các chiến dịch phòng, chống tội phạm của Interpol như: Chiến dịch Rainfall về chống các hoạt động tội phạm liên quan đến mua bán các sản phẩm y tế bất hợp pháp tháng 3-2018; Chiến dịch Thunderstorm về chống tội phạm liên quan đến động vật hoang dã và rừng của Interpol tháng 5-2018; Chiến dịch “30 ngày trên biển” về phòng, chống tội phạm gây ô nhiễm môi trường trên biển tháng 10-2018; Chiến dịch Pangea XI về chống mua bán và cung cấp trái phép dược phẩm qua mạng...
Việc tham gia triển khai các chiến dịch phòng, chống tội phạm có tính chất toàn cầu nói trên đã giúp lực lượng công an Việt Nam nâng cao năng lực và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên ngành trong và ngoài nước trong quản lý biên giới và phòng, chống tội phạm.
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0, việc hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm, thiết lập thế trận liên hoàn bên trong và bên ngoài biên giới quốc gia càng cần thiết hơn bao giờ hết. Trên mặt trận không tiếng súng ấy, mỗi cán bộ, chiến sỹ của lực lượng Interpol nói riêng, của đơn vị công an nói chung đang nỗ lực hết sức mình, bằng tâm huyết và khả năng hiện có, ứng dụng các thành tựu khoa học tiên tiến, để tác chiến hiệu quả nhất trong môi trường hội nhập.
Thu HòaNguồn tin: http://antg.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn