Giao thừa bên đám cháy
Trong cái lạnh tê tái của những ngày cuối năm Mậu Tuất, tôi đến Đội Cảnh sát PCCC & CHCN Công an quận Hoàng mai. Trên khoảng sân trước đơn vị, cán bộ, chiến sĩ đang hăng say tập luyện các phương án PCCC. Mỗi chiến sĩ một nhiệm vụ, người tung vòi, người mở trụ nước.
Chỉ huy chiến đấu thường trực bộ đàm trên tay để chỉ huy các phương án, động tác dứt khoát, nhanh gọn. Trung tá Nguyễn Anh Đức, Đội trưởng chia sẻ rằng, đã là lính cứu hỏa thì việc dập tắt đám cháy, CHCN luôn được đặt lên hàngđầu. Vì thế, chăm chỉ, nghiêm túc luyện tập là một nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Thượng úy Đặng Sơn Tùng, Đội phó Đội Cảnh sát PCCC & CHCN Công an quận Hoàng Mai người có gần 10 năm gắn bó với công việc PCCC và cũng chừng ấy năm anh đón Tết tại đơn vị tâm sự: “Tác phong nhanh nhẹn nhưng cẩn trọng của người lính chữa cháy cũng là một yêu cầu đặt ra và được luyện tập thành thói quen. Với mỗi người lính cứu hỏa, hơn ai hết, họ hiểu tính chất công việc của mình, phải lên đường bất kỳ thời điểm nào, dù đó là ngày hay đêm.
Với những ngày cao điểm như dịp Tết Nguyên đán, tất cả đều phải sẵn sàng vàđược tập trung cao độ với tinh thần “thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi”. Thượng úy Sơn kể, anh đã từng tham gia chữa cháy rất nhiều vụ, nhưng vụ cháy xưởng in ở phường Lĩnh Nam năm 2013 đến bây giờ anh vẫn còn nhớ như in.
Hôm đó vào đúng đêm 30 Tết, chỉ còn khoảng 15 phút nữa là giao thừa, khi các chiến sĩ đang ngồi quây quần quanh trước bàn trong phòng họp, trên bàn đã chuẩn bị đầy đủ bánh kẹo, nước ngọt, có cả giò và bánh trưng nữa… tất cả đang chăm trú trước màn hình tivi chuẩn bị nghe lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch nước thì chuông báo cháy vang lên.
Ngay lập tức, 12 cán bộ, chiến sỹ nhanh chóng mặc đồng phục Cảnh sát PCCC, xuất xe và lao nhanh đến điểm xảy ra hỏa hoạn. Khi đến nơi, các chiến sĩ tập trung phá cửa và nỗ lực dùng vòi phun để dập tắt lửa, nhưng do điểm cháy là xưởng in, vật liệu chủ yếu là giấy tờ nên đám cháy bùng phát rất nhanh. Khoảng 40 phút thì đám cháy được khống chế. Rất may, do không có ai ở bên trong công ty nên thiệt hại về người không xảy ra. Trời đêm 30 mưa rét như cắt, Thượng úy Tùng và đồng đội ai nấy đều ướt hết quần áo.
Sắp đón cái Tết thứ 3 liên tiếp tại đơn vị, Trung úy Phạm Vũ Tú (quê ở Thanh Oai, Hà Nội) thổ lộ: “Tết năm ngoái, tôi được giao đi trực bắn pháo hoa. Thời khắc giao thừa, trong khi người khác ngắm pháo hoa thì những người lính cứu hỏa chúng tôi phải căng mắt quan sát pháo hoa nổ và cháy, nếu có tàn lửa nào cháy chậm, rơi lệch khỏi vị trí dự kiến là phải đề phòng hỏa hoạn xảy ra.
Khi hoàn thành nhiệm vụ, trên đường về lại đơn vị thì chúng tôi phát hiện một cột khói to theo hướng điện sáng. Chúng tôi tới nơi thì đó là một đám cháy lớn tại khu nhà ở của công nhân tại công trường xây dựng.
Do khu nhà của công nhân ở giữa một khu đất trống, đêm ấy gió to nên cháy lan rất nhanh. Phải mất hơn một giờ đồng hồ đám cháy mới được khống chế hoàn toàn. Khi về tới đơn vị trời đã gần sáng, tôi mở điện thoại ra xem… gần 30 cuộc gọi nhỡ và rất nhiều tin nhắn chúc mừng năm mới. Tôi chỉ kịp gọi cho mẹ một cuộc rồi lăn ra giường ngủ lúc nào không hay”.
Còi cứu hỏa chào mùa xuân
Không chỉ luyện tập thường xuyên, trong những ngày cận Tết như Đội Cảnh sát PCCC & CHCN Công an quận hoàng Mai, Đội Cảnh sát PCCC & CHCN Công an quận Tây Hồ còn tổ chức diễn tập để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân và của chính các chiến sĩ cảnh sát PCCC về công tác phòng, chống cháy, nổ trong dịp Tết này.
Thiếu tá Phạm Thế Vĩnh, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC & CHCN Công an quận Tây Hồ chia sẻ: “Nghề nào cũng có khó khăn, vất vả bởi đặc thù riêng của từng công việc. Vào những ngày Tết, nhiều người vẫn thầm lặng thực hiện nhiệm vụ của mình.
Với lính cứu hỏa, nhiệm vụ còn nặng nề hơn, đối đầu với “giặc lửa” bao giờ cũng gian nan, vất vả…! Và mỗi người, mỗi nghề có một cách chào mừng mùa Xuân khác nhau. Với lính cứu hỏa, chúng tôi có một cách rất độc đáo mà không phải ai cũngbiết.
Đó là, trước thời điểm Giao thừa, bao giờ những chiếc xe cứu hỏa cũng được rửa thật sạch. Các dụng cụ ngoài việc làm sạch còn được kiểm tra tính sẵn sàng khi tác chiến. Tới thời khắc thiêng liêng của đất trời, đội của tôi sẽ lên xe, nổ máy và kéo còi. Đây là “luật bất thành văn” tôi học được từ những người đi trước”.
Đội Cảnh sát PCCC và CHCN Công an quận Hoàng Mai diễn tập phương án chữa cháy. |
Với Thiếu tá Vĩnh, tiếng còi hú như báo hiệu mùa Xuân của lính cứu hỏa, nó cũng thể hiện cho việc họ luôn sẵn sàng chiến đấu, cho dù ở bất kỳ thời điểm nào, điều kiện gian khổ nào cũng gắng hoàn thành nhiệm vụ. Cùng với đó, tiếng còi cũng giục giã anh em trong đơn vị đoàn kết, xua đi cảm giác thanh vắng, nhớ nhà và nhớ ngườithân…
Đại úy Trần Hoàng Điệp, Đội phó Đội Cảnh sát PCCC & CHCN Công an quận Tây Hồ kể rằng, vào ngành đã hơn 10 năm, việc đón Giao thừa ở nhà với anh có lẽ chỉ 2 đến 3 lần. Năm đầu tiên khi cưới vợ, anh đã phải đón Giao thừa xa nhà.
Theo Đại úy Điệp thì việc chữa cháy trong dịp Tết dù không nhiều, nhưng không phải là không xảy ra khi người dân bất cẩn. Đã từng có lần đơn vị của anh đã phải chi viện chữa cháy từ 20 giờ ngày 30 tới 4 giờ sáng ngày 1 Tết.
Trong những lúc khói lửa mịt mùng chẳng còn ai nhớ được khoảnh khắc Giao thừa khi mà trước mặt chỉ có một mục tiêu duy nhất: Bằng mọi cách diệt “giặc lửa” càng sớm càng tốt để tránh gây thiệt hại cho người dân. Đến khi đám cháy được khống chế, trở về đơn vị thì trời đã dần sáng, mặt ai nấy đều lấm lem khói bụi.
Xuân đã đến rất gần, những người lính cứu hỏa quả cảm đang ở bên nhau sau giờ luyện tập. Xin được chúc các anh có sức khỏe dồi dào, luôn vững tay lăng chiến đấu với “giặc lửa” để bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Tuấn TrìnhNguồn tin: http://cstc.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn