Những năm gần đây, nhờ những cánh rừng xanh tốt đã mang lại nguồn lợi thuỷ sản dồi dào ở khu vực cồn Nạn. Nơi này được xem là “vùng chảo” của biển Cung Hầu nên luồng cá về rất nhiều. Hàng ngày, ngư dân qua cồn bắt cua, ốc, cá, chuột, thả lưới mưu sinh.
“Rừng này trồng đến nay cũng vừa đúng 20 năm. Gió bão cỡ nào, khu vực này vẫn bình yên, người dân sống rất ổn định do được rừng che chở. Ai cũng quý rừng”, anh Cường tự hào. Từ đời ông thân (cha), đến anh và con trai đều bám biển mưu sinh. Mỗi ngày con nước lên, hai cha con anh Cường đưa ghe vào đây đánh bắt thuỷ sản. Con nước cạn thì cả hai vào rừng “ăn” ong. Bữa nào khá, thu nhập cỡ 400 – 500 ngàn đồng. Vừa trò chuyện, anh Cường cười hớn hở và khoe ít cá bống sao vừa gỡ ra từ tay lưới được kéo khỏi mặt nước lên ghe.
Hơn 20 năm trước, nơi đây là cồn cát rộng hàng trăm ha, nằm giữa cửa biển Cung Hầu, người dân tận dụng làm bãi nuôi nghêu. Thủy triều lên, cồn cát chìm trong biển nước. Ngư dân từ các vùng khác đến cửa biển không hiểu luồng lạch nên tàu bè thường mắc cạn, vì thế có thể cái tên cồn Nạn ra đời từ đó. Vào những năm 90, người dân ven biển Mỹ Long thường xuyên phải chịu cảnh xói lở, thậm chí ăn sâu vào bờ cả 100m, sóng đánh dữ dội.
Mưu sinh ở rừng bần. |
Nhưng đó là chuyện của ngày xưa, ngày nay, một màu xanh của rừng bần trải khắp bờ biển Mỹ Long. Bên trong là những cây bần già, chạy dần ra bãi là bần non từng lớp vươn mình ngoi lên khỏi mặt nước. Qua từng năm, rừng bần được bồi đắp, lấn thêm ra biển, tạo thành trì vững chắc, chắn gió cho người dân. Nhiều ngư dân vùng biển Mỹ Long không ngớt lời khen ngợi sự kiên trì, bền bỉ của nhiều thế hệ thanh niên, đoàn viên Công an tỉnh Trà Vinh trong việc trồng rừng. Bà con gọi những vạt rừng trong cồn Nạn là “Rừng Công an tỉnh”.
Thượng tá Phạm Văn Ư, Phó trưởng Phòng Hậu cần – kỹ thuật Công an Trà Vinh kể: “Từ năm 1994, Ban Thanh niên Công an tỉnh Trà Vinh phối hợp với Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang trồng thử nghiệm cây bần trên cồn Nạn. Thời gian đầu, cây phát triển chậm, chết nhiều do khu vực này chỉ là cát và thời tiết khắc nghiệt. Nhưng nhờ nỗ lực của anh em cũng như người dân, cây bần phát triển xanh tốt”.
Ban Giám đốc Công an tỉnh đã huy động đoàn viên thanh niên quyết tâm phủ xanh khu vực cồn, với diện tích cả trăm ha. Mỗi năm trồng từ 2 ha đến 5 ha, sau đó tăng dần lên 10 ha. Ban đầu trồng ít, cán bộ chiến sĩ nhổ cây con tại các khu vực bần có sẵn, xin của bà con quanh vùng để trồng. Sau này, diện tích tăng lên nhanh, Công an tỉnh Trà Vinh phải sang tận Bến Tre để tìm mua cây giống mang về. Để cây bần nhanh chóng lan rộng, Công an tỉnh thực hiện theo phương án trồng bao quanh bên ngoài, phía trong những cây bần con sinh ra tiếp tục lan rộng, vươn lên thành những cánh rừng bần vững chắc như hiện nay.
Cùng đi với chúng tôi, Trung tá Trang Văn Nghĩa, Đội phó Đội Cảnh sát quản lý hành chính Công an huyện Cầu Ngang cho biết: “Rừng bần xanh tốt, như lá chắn và tạo nguồn thuỷ sản cho bà con ngư dân. Nhờ vậy, đời sống người dân quanh vùng ngày càng khá lên. Hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển không những có tác dụng chắn sóng, chắn gió cho người dân mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đường bờ biển, đê điều, tăng khả năng chống chọi với tác động của biến đổi khí hậu”.
Tác giả: Võ Văn Vĩnh
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn