Đã hơn ba tháng trôi qua, nhưng kể về những kỷ niệm khi cùng dân chống lũ, trên khuôn mặt của các chiến sĩ Công an Ninh Bình vẫn hiện rõ niềm tự hào và xúc động.
Ngay khi nước lũ tràn về, cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh Ninh Bình và các đơn vị đóng trên địa bàn đã huy động lực lượng cùng dân chống lũ. Sự có mặt kịp thời của lực lượng Công an không chỉ giúp nhân dân cứu được tài sản của mình mà còn là điểm tựa tinh thần để bà con vững tâm lúc nguy nan.
Khắp các cánh đồng ngoài đê ở các xã Gia Lâm, Gia Thủy, Gia Tường (huyện Nho Quan) và Gia Thịnh, Gia Sinh, Gia Minh, Liên Sơn (huyện Gia Viễn), giữa mênh mông một màu trắng của nước, nổi bật lên là màu xanh áo lính, màu vàng áo phao của những cán bộ, chiến sĩ giúp dân gặt lúa.
Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Ninh Bình cùng dân chống lũ. |
Thượng úy Lã Hữu Hưng, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Ninh Bình chia sẻ với chúng tôi: "Khi đến địa bàn, nhìn nhân dân đang ngụp lặn ở những cánh đồng, chúng tôi nhanh chóng cầm liềm lội xuống ruộng. Nước ban đầu tới bụng, rồi dâng tới ngực nên việc cắt lúa rất khó khăn.
Xác định phải nỗ lực hết sức mình để cứu tài sản của dân, chúng tôi vẫn kiên trì tay dò lúa, tay cắt sao cho nhanh nhất có thể. Có đồng chí bị cắt vào tay, bịt vội, cầm máu rồi lại tiếp tục cúi ngụp để cắt lúa".
Trong đợt lũ lụt lịch sử ở Ninh Bình vào tháng 10-2017, tại hai địa bàn trọng điểm huyện Nho Quan và Gia Viễn, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Công an tỉnh đã phát động hơn 2.000 lượt đoàn viên tăng cường, phối hợp với lực lượng Quân đội, các lực lượng tại chỗ tổ chức vận chuyển hàng nghìn m3 đất đá, gia cố 2km đê tả sông Hoàng Long, giúp nhân dân gặt lúa, vận chuyển đồ đạc để kịp thời sơ tán lên khu vực an toàn và tổng vệ sinh môi trường sau lũ lụt.
Góp phần không nhỏ để hộ đê bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân phải kể tới phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (PC66) Công an tỉnh Ninh Bình. Có mặt tại hiện trường, trực tiếp bốc vác đất, đá để gia cố đoạn đê yếu cùng với các chiến sĩ trẻ, Đại tá Đặng Văn Linh, Trưởng kể lại: "Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, toàn Phòng PC66 trực 100% quân số. Riêng đêm cao điểm trực 22 đồng chí, trong đó có hai đồng chí lãnh đạo Phòng trực tiếp chỉ huy và làm cùng các chiến sỹ, vừa gia cố đê xung yếu vừa di dời tài sản và bà con đến điểm an toàn. Giữa đêm tối, với cơn mưa lớn và dưới bóng đèn pha của máy xúc, khi đoạn đê được gia cố xong, mình nhìn đồng hồ đã hơn 2h sáng. Ngồi ngả lưng bên túp lều dã chiến ai nấy đều thấm mệt và đói nữa! Anh em mình đem mì tôm ra ăn sống vì làm gì có nước sôi mà nấu".
Thượng tá Trương Thanh Tuấn, Phó trưởng Phòng PC66 Công an tỉnh Ninh Bình cho biết thêm: "Khó khăn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn bọn mình là nước lũ năm nay cao hơn đợt lũ lịch sử năm 1996, có đoạn đê, nước tràn khoảng 10cm, trời về đêm, mưa to, lại không có điện, các chiến sĩ phải tự dò đường đi từng bước, nếu trượt chân thì rất nguy hiểm trước cơn lũ dữ!
Đơn vị đã lập trại dã chiến tại bờ đê cho các chiến sĩ ăn, ngủ, túc trực để khi có lệnh của cấp trên là lập tức lên đường. Đơn vị huy động toàn bộ phao cứu sinh, xuồng, áo phao cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng các phương án cứu hộ cho các tình huống khẩn cấp như lũ cuốn nhà sập, trôi người...".
Lần đầu tiên tham gia giúp dân chống lũ, chiến sĩ trẻ, Thượng úy Phạm Minh Đức, cán bộ Đội tham mưu, Phòng PC66 Công an tỉnh Ninh Bình kể lại với giọng đầy tự hào: "Bọn mình nhận được lệnh của chỉ huy là đến xã Gia Tường, huyện Nho Quan nơi bị ngập lụt hoàn toàn (đường, trường, trạm) để di dời dân, giúp đỡ người già, trẻ nhỏ và phụ nữ… qua đoạn đường ngập nước sâu quá bụng, mình đưa khoảng hơn hai chục người tới nơi an toàn.
Trong đó có trường hợp mà bây giờ mình vẫn nhớ, đó là hai mẹ con, người mẹ chửa "vượt mặt", tay ôm một em bé khoảng 3 tuổi đang loay hoay không biết đi đứng kiểu gì. Gặp mình, chị mừng quá, tay bám chặt lấy vai mình, còn đứa bé mình cho ôm cổ rồi lần từng bước dìu chị qua đoạn đường ngập nguy hiểm, tới điểm an toàn mình mới thở phào nhẹ nhõm, rồi quay lại một nhà dân cùng với đồng đội "bế" khoảng 40 con lợn đang bơi từ chuồng lên nóc nhà! Có đồng chí dẫm phải đinh ở chuồng lợn chảy máu chân nhưng vẫn tiếp tục "ôm", khênh lợn đến khi trong chuồng không còn con nào mới thôi".
Trực tiếp giúp dân trên địa bàn hai huyện bị ảnh hưởng lớn của mưa lũ đó là các cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Nho Quan và Gia Viễn. Trước mưa lũ diễn biến phức tạp, lực lượng Công an hai huyện đã bám sát tình hình, chủ động bố trí trực 100% quân số, điều tiết giao thông, hướng dẫn nhân dân chuyển hướng đi cho thông suốt, đặt biển cảnh báo, hướng dẫn, huy động tối đa phương tiện, thực hiện phương án phòng chống lũ lụt theo phương châm "4 tại chỗ" giúp các hộ dân tại địa bàn xung yếu di dời, sơ tán đến nơi an toàn và bảo vệ tài sản cho nhân dân.
Tuấn TrìnhNguồn tin: http://cstc.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn