Chiều 24-12, Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN) Bộ Công an đã ký Công điện số 22, gửi Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ; Công an, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy các tỉnh, thành phố: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương chủ động ứng phó với các tình huống của bão và mưa, lũ và do ảnh hưởng của hoàn lưu bão gây ra.
Theo đó, Bộ Công an chỉ đạo Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện số 1985/CĐ-TTg ngày 23-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của chính quyền địa phương về đối phó với bão số 16.
Phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tại nơi neo đậu, tránh trú của tàu thuyền; sơ tán người dân tại các khu vực không đảm bảo an toàn. Thực hiện nghiêm túc lệnh cấm biển của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ sau bão trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chủ động phối hợp cùng cơ quan chức năng triển khai phương án sơ tán nhân dân tại các khu vực nguy hiểm.
Bố trí lực lượng để tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông tại các khu vực ngầm, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc, nơi sạt lở nguy hiểm. Nghiêm cấm người và phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn. Đảm bảo tuyệt đối an toàn trụ sở cơ quan, doanh trại, các cơ sở giam giữ; các mục tiêu kinh tế, chính trị trọng điểm… do lực lượng Công an canh gác, bảo vệ.
Chủ động triển khai phương án bảo vệ an toàn hồ sơ, tài liệu, phương tiện, trang thiết bị làm việc của Công an các đơn vị, địa phương để tránh thiệt hại do mưa, lũ gây ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, thực hiện chế độ thông tin báo cáo hàng ngày về Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Bộ Công an...
Sáng nay (24-12), Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức cuộc họp khẩn triển khai các giải pháp ứng phó cơn bão Tembin. Theo đó thống nhất phương án cho học sinh toàn tỉnh nghỉ học vào sáng thứ 2 (ngày 25-12).
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau, tính đến nay công tác chống chằng nhà cửa thực hiện là 8.114/17.401 nhà, phương án di dời dân là 87.964 người. Theo Bộ Đội Biên phòng tỉnh Cà Mau, hiện lực lượng đã liên lạc được với tất cả 862 tàu, với 7.183 người đang hoạt động trên biển, hiện đã khẩn trương liên lạc, vận động người dân vào nơi trú ẩn.
Các phương tiện tàu thuyền neo đậu an toàn tại Cà Mau. |
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhận định: Cần phải tiếp tục tăng cường tuyên truyền quyết liệt đến mọi đối tượng nhân dân, thông qua cán bộ dân quân, xuống từng hộ dân, các cơ quan thông tin đại chúng phát liên tục các thông tin và hướng chỉ đạo của tỉnh, cập nhật thông tin di chuyển của bão.
Lực lượng Công an tỉnh, Bộ đội biên phòng, Tỉnh đội phải trực đảm bảo an ninh trật tự đảm bảo an toàn. Phải đảm bảo quản lý chặt chẽ giá cả thị trường, tất cả các hàng hóa thiết yếu, ngành công thương phải cho ra quân ngay. Ngành y tế phải đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và chuẩn bị số thuốc ứng phó.
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bạc Liêu, nếu bão số 16 có khả năng ảnh hưởng hoặc đổ bộ trực tiếp vào đất liền thì tổng số hộ dân cần phải di dời là 85.831 hộ với hơn 365.000 người.
UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng lên kế hoạch sơ tán dân, khi có lệnh sơ tán thì triển khai kịp thời. Lưu ý ưu tiên sơ tán người dân sống khu vực ven biển và nhất là người dân sinh sống khu vực rừng phòng hộ.
Dự kiến thời gian hoàn thành công tác di dời, sơ tán dân là trước 12h ngày 25/12 và có biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp không chấp hành lệnh sơ tán; Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh thông báo đến các trường học cho học sinh nghỉ học từ ngày 25/12, khi nào học sẽ có thông báo sau; đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn cho người dân.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh nhấn mạnh: Ngoài những công việc đã được chỉ đạo, các địa phương cần chủ động triển khai nhanh phương án ứng phó với bão nhất là công tác di dời dân đang sinh sống tại các cửa biển và trong rừng phòng hộ với tiêu chí di dời người già và trẻ em trước; công tác di dời dân phải nhẹ nhàng tránh làm ảnh hưởng đến tâm lý của người dân; bảo đảm an toàn vệ sinh và an toàn thực phẩm cho người dân tại các điểm; chủ động hơn trong công tác tuyên truyền, cần biên tập lại các bản tin để cho người dân dễ hiểu; nâng cao trách nhiệm cá nhân trong việc ứng phó với bão; các địa phương phía trong đất liền không được chủ quan trước tình hình bão mạnh như hiện nay.
Sáng 24-12, Đại tá Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, Công an tỉnh đã tăng cường thêm lực lượng xuống hỗ trợ cho huyện Gò Công Tây. Còn trong ngày 23-12, Công an tỉnh đã tăng cường gần 200 cán bộ chiến sĩ xuống các huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông và thị xã Gò Công, hỗ trợ người dân chằng néo nhà cửa, đắp bao cát, bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân… và chủ động ứng phó với bão.
Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang cũng chỉ đạo Công an các huyện, thị xã chủ động công tác phòng chống ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ” và kế hoạch chung của UBND các cấp, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất cho người dân.
Theo kế hoạch của tỉnh Tiền Giang, trường hợp bão mạnh có sức gió trên cấp 10 sẽ sơ tán dân tại chỗ trên 77.500 người, sơ tán dân đi huyện khác gần 40.000 người, việc di dân phải đảm bảo an toàn.
Đến sáng 24-12, tại các huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công đã hoàn thành việc rà soát, thống kê, kêu gọi tàu thuyền, đánh bắt thuỷ sản vào bờ hoặc tìm nơi tránh bảo an toàn. Nhà cửa của người dân đã được chằng néo, tôn cao bờ bao, đê bao để bảo vệ sản xuất.
Huyện Gò Công Đông đã kêu gọi 300 tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản vào bờ, 388 tàu còn đang hoạt động ngoài biển đã được thông báo tìm nơi tránh, trú bão an toàn.
Tàu cá neo đậu an toàn tại cảng cá Định An (Trà Vinh). |
Lực lượng Công an tỉnh Trà Vinh hỗ trợ người dân di dời phương tiện tránh bão tại cửa biển Cung Hầu (huyện Cầu Ngang). |
Tại tỉnh Trà Vinh, tính đến chiều 23-12, đã có 203 tàu cá của Trà Vinh và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Bến Tre... về trú Bão số 16 tại Cảng cá Định An (huyện Trà Cú).
Ông Kim Ngọc Thái, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Trà Vinh cho biết, toàn tỉnh hiện có 1.216 tàu thuyền đánh cá với 4.861 ngư dân hành nghề. Tất cả tàu thuyền và ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn, đợi đến khi thời tiết thuận lợi cũng như có thông báo mới nhất.
Từ chiều qua (23-12), Công an tỉnh Trà Vinh đã triển đến tất cả các lực lượng, Công an huyện, thị xã và thành phố và trực chiến 24/24, để chủ động kịp thời ứng phó với bão lũ, giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân vùng bị ảnh hưởng.
Thượng tá Trần Trọng Lễ, Phó trưởng Công an huyện Duyên Hải cho biết, UBND huyện đã tổ chức họp và triển khai công tác ứng phó với bão với các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn.
Trong sáng 24-12, lực lượng Công an xã trực tiếp kiểm tra các khu vực xung yếu, vùng ngoài đê và vận động, sơ tán các hộ dân có người già yếu, trẻ em đến nơi an toàn. Lực lượng Công an cũng tăng cường bám chặt địa bàn để bảo vệ tài sản, giữ gìn an ninh trật tự trong trường hợp nếu cần phải sơ tán người dân đi tránh bão.
Toàn tỉnh Kiên Giang có khoảng 300.000 hộ dân cần di dời đến nơi an toàn, đồng thời cấm các tàu thuyền đánh bắt và các phương tiện hàng hải hoạt động trên biển kể từ chiều qua (23-12). Đồng thời sẵn sàng cho học sinh, công nhân các nhà máy, các khu công nghiệp nghỉ, tiến hành sơ tán, di dời dân tránh bão trong tình huống xấu nhất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Mai Anh Nhịn cho biết, tuy Kiên Giang được dự báo không trực tiếp nằm trong vùng tâm bão nhưng có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão, nhất là trong trường hợp bão đổ bộ hướng vào Cà Mau.
Huyện đảo Phú Quốc và Kiên Hải khẩn trương ứng phó bão, TP Rạch Giá, thị xã Hà Tiên và các khu vực An Biên, An Minh, U Minh Thượng hết sức thận trọng, không chủ quan, phân công trực 24/24 và báo cáo nhanh tình hình về ban chỉ huy cấp tỉnh.
Kiên Giang là một trong 3 tỉnh mà Ban chỉ huy PCTT&TKCN Trung ương lưu ý có vùng nuôi trồng thủy sản ven biển lớn bên cạnh Vũng Tàu và Cà Mau. Chính vì vậy, việc triển khai các biện pháp ứng phó bão để giảm thiểu tối đa thiệt hại là hết sức cần thiết. Vận động bà con địa phương thu hoạch sớm các diện tích hoa màu, lúa và thủy sản có thể thu hoạch, để tránh thiệt hại có thể xảy ra.
Sáng 24-12, ông Đinh Khoa Toàn, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, sáng nay huyện vừa thực hiện nhiều công tác ứng phó với bão Tem Bin, trong đó đã cấm tất cả tàu thuyền ra khơi và cho học sinh nghỉ học từ ngày 25-12 đến hết bão.
Được biết, trên đảo Phú Quốc hiện có khoảng 20.000 học sinh đang theo học ở tất cả các cấp học từ tiểu học đến THPT. Tổng số tàu đánh cá trên vùng biển Phú Quốc khoảng 2.600 tàu. Đa số các tàu cá đã vào nơi trú ẩn an toàn, địa phương tiếp tục, khẩn trương thông báo cho các tàu còn lại vào bờ, tránh bão.
Ngày 24-12, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre địa phương đang gấp rút chuẩn bị sơ tán dân, kêu gọi tàu đánh cá vào bờ, chằng chống lại nhà cửa… trước khi cơn bão đổ bộ vào đất liền.
Ghi nhận tại khu vực cảng cá Bình Đại, khu neo đậu tránh trú bão Bình Đại (xã Bình Thắng, huyện Bình Đại) có hàng trăm phương tiện đánh bắt thủy sản đang trên đường vào bờ và neo đậu an toàn.
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND huyện tỉnh Bến Tre cho biết, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, lực lượng chức năng sẽ quyết liệt di dân, nếu cần sẽ cưỡng chế di dời. Dự kiến toàn tỉnh sẽ di dời khoảng 20.000 người, trong đó tập trung ưu tiên người già, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật…di dời vào nơi an toàn trước và sẽ hoàn thành trước 12h, trưa 25-12. Thực hiện rà soát phương án ứng phó thiên tai của địa phương, triển khai thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” trong công tác phòng tránh, ứng phó.
Thuyền được di chuyển đến nơi an toàn. |
Trước diễn biến khó lường của bão số 16, các địa phương ven biển, ven sông lớn của TP Sóc Trăng đã khẩn trương xây dựng các phương án ứng phó. Tại thị xã Vĩnh Châu, các lực lượng chức năng tiến hành gia cố một số tuyến đê biển xung yếu và địa phương này cũng đã kiến nghị tỉnh hỗ trợ gia cố lại một số tuyến đê khác.
Hoàn tất triển khai phương án di dời người dân ở vùng có nguy cơ ảnh hưởng vào các điểm chùa, trường học để trú, tránh bảo trong tình huống khẩn cấp. Riêng huyện Long Phú, gặp khó khăn khi hiện nay là có một số bộ phận người dân còn chủ quan với bão vì chưa thấy dấu hiệu rõ rệt nên huyện đang tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về những diễn biến của bão số 16.
Với số lượng tàu thuyền của địa phương cũng như của các địa phương khác vào tránh bão tại Cảng Trần Đề là khá lớn nên ngoài số tàu trú tại Kinh Ba (thị trấn Trần Đề), UBND huyện này bố trí một số tàu di chuyển qua Cồn Tròn và Vàm Hồ (huyện Cù Lao Dung) ra sông Hậu lên phía huyện Long Phú; số còn lại di chuyển vào sông Mỹ Thanh về hướng cầu Mỹ Thanh 2 trở vào.
Đây là những nơi trú an toàn vì vào sâu trong đất liền. Tại huyện Cù Lao Dung, UBND huyện đã có kế hoạch di dời hơn 6.470 người trong vùng xung yếu đến 28 điểm kiên cố trú bão. Phần lớn, các địa phương sẽ tận dụng điểm trường học, chùa, nhà thờ để làm nơi trú bão cho người dân.
Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp không chủ quan trước bão số 16
Là những tỉnh, thành phố nằm sâu đất liền, ít chịu ảnh hưởng của mưa bão, nhưng trước những diễn biến bất thường của cơn bão số 16, lãnh đạo các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp đã tổ chức họp khẩn cấp, lên phương án phòng, chống bão.
Ngày 24-12, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Phó Trưởng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP Cần Thơ đã triệu tập cuộc họp khẩn, để bàn về giải pháp ứng phó với cơn bão số 16 đang diễn biến phức tạp ở biển Đông.
Ông Đào Anh Dũng đề nghị các Sở, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố dừng các hội họp tập trung triển khai phương án ứng phó với bão một cách nhanh nhất, thông báo, hướng dẫn người dân các phương án và cách phòng chống bão để hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra…..
Ngành điện phải có phương án dự phòng đảm bảo không cắt điện khi bão đổ bộ và chỉ đạo các địa phương có kịch bản di dân đến nơi an toàn khi bảo đổ bộ. Nếu trong trường hợp bão mạnh có sức gió trên cấp 10 khi đổ bộ vào đất liền Cần Thơ sẽ tiến hành sơ tán dân tại chỗ trên 137.000 người tại 9/9 quận, huyện đến địa điểm an toàn trú bão.
Cùng ngày, tại tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Văn Hùng đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ huy PCTT&TKCN để bàn các phương án ứng phó với cơn bão số 16 Chủ tịch UBND tỉnh Lữ Văn Hùng (đứng) chỉ đạo các ngành, địa phương quán triệt quyết liệt tinh thần phòng chống bão số 16 cho người dân cùng ứng phó.
Dự báo, ngoài tâm bão thì toàn bộ tỉnh Hậu Giang bị ảnh hưởng, rủi ro thiên tai cấp độ 4. Mức độ thiệt hại của bão là cấp 9-10 sẽ làm đổ ngã cây cối, nhà cửa, cột điện rất nặng nề. Vì thế, phương án đặt ra là sẽ di dời người dân ra khỏi vùng tâm bão đối với các đối tượng dễ bị tổn thương như hộ có nhà cửa không chắc chắn, vùng sạt lở, sống ở vùng sâu, trong nội đồng, số còn lại sẽ di dời tại chỗ, tập trung những điểm trú ẩn kiên cố.
Hiện tại, tài chính và quỹ dự phòng, chống lụt bão đều đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ mọi tình huống. Thành viên Ban Chỉ huy được phân công nên đi xuống địa bàn để hỗ trợ địa phương tính toán phương án ứng phó, vận động nhân dân chằng cột nhà cửa cho chắc chắn trên tinh thần quyết liệt, không chủ quan. Mọi cuộc họp, hoạt động đều đình lại để tập trung cho ứng phó, phòng chống bão đã đến khẩn cấp trước mắt vì cứu sinh mạng con người là trên hết, các trường hợp còn lại sẽ giải quyết sau khi bão đi qua.
Theo dự báo, bão 16 còn cách Đồng Tháp khoảng 900 km, tại cuộc họp khẩn cấp vào sáng 24-12, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo PCTT&TKCN yêu cầu các ngành và địa phương không được chủ quan, tập trung công tác phòng chống bão, trong đó trọng tâm là bảo vệ tính mạng người dân, tạm ngưng hoạt động các bến đò, phương tiện vận chuyển ngoài sông kể từ 18h ngày 25-12. Ban chỉ đạo cũng phân công từng thành viên cụ thể phụ trách địa bàn để công tác phòng, chống bão được chủ động, kịp thời.
Tác giả: Hiếu Quỳnh - Văn Đức - Văn Vĩnh - Trần Lĩnh
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn