Ghi ở đơn vị Công an địa bàn “nửa làng, nửa phố”

Thứ ba - 25/09/2018 05:25
Bình Hưng hiện có đến gần 90 ngàn dân, trong đó số dân tạm trú gần 64 ngàn người. Không chỉ là xã có dân số đông nhất nhì so với các...

Bình Hưng hiện có đến gần 90 ngàn dân, trong đó số dân tạm trú gần 64 ngàn người. Không chỉ là xã có dân số đông nhất nhì so với các xã khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Bình Hưng cũng là nơi có nhiều dự án bất động sản (53 dự án), hơn 3.000 doanh nghiệp và hàng loạt cơ sở kinh doanh khác. 

Đây từng là địa bàn phức tạp về ANTT, là “bãi đáp” của tội phạm hình sự cộm cán… Mới đây, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trực tiếp về Bình Hưng để thị sát, tìm hiểu thực tiễn công tác của Công an xã.

Theo chân Công an xã Bình Hưng đi tuần tra trên địa bàn xã, chúng tôi mới cảm nhận rõ cái khó của công tác đảm bảo ANTT tại địa bàn “nửa làng, nửa phố”. 

Gọi là xã nhưng thực chất có trên 70% diện tích của Bình Hưng đã đô thị hoá. Chỉ cần đi qua cầu Kinh Xáng (quận 8) đã là địa bàn của xã Bình Hưng. Ít ai nghĩ rằng khu dân cư (KDC) cao cấp Trung Sơn, Him Lam hay cao ốc Hoàng Tháp… lại nằm trên địa bàn xã Bình Hưng. Và nếu không nhìn vào các bảng số nhà, bảng hiệu của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, hàng quán chắc không ai nghĩ rằng đây là xã. 

Với diện tích chưa đầy 30% còn lại là đất nông nghiệp (nằm dọc theo đường Nguyễn Văn Linh, giáp với xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè và phường Tân Phong, quận 7) thì hàng trăm hộ dân là chủ của phần đất này cũng không thể canh tác do đã “dính” vào quy hoạch các dự án khu dân cư. 

Và đây cũng là xã duy nhất của TP Hồ Chí Minh không phải xây dựng xã nông thôn mới. Với phần đất nằm dọc theo QL50 nối liền trung tâm xã Bình Hưng với trung tâm quận 8, hai bên đường là đô thị sầm uất và nhiều người cứ nghĩ rằng nơi ấy là... phường.

Ghi ở đơn vị Công an địa bàn “nửa làng, nửa phố”
Công an xã Bình Hưng tổ chức họp triển khai công tác tại đơn vị.

Tổ tuần tra bằng xe máy di chuyển đến các khu dân cư như 3A, 3B, Trung Sơn, Him Lam, Camellia, kim đồng hồ đã chỉ sang 2h sáng. Thời điểm đó, đường nội bộ tại các khu dân cư kể trên vắng vẻ nhưng phía QL50 và đại lộ Nguyễn Văn Linh, xe máy và ôtô, và đặc biệt là xe tải lớn, xe đầu kéo vẫn nhộn nhịp. Đi thêm một số đường thuộc địa bàn xã, chúng tôi không thấy cảnh thanh, thiếu niên tụ tập. 

“Để giữ gìn sự bình yên cho địa bàn, chúng tôi chia ca và liên tục tuần tra trên các ngả đường chống cướp giật và phòng ngừa trộm cắp. Cả ngày lẫn đêm, chúng tôi đi tuần để phòng ngừa, nếu phát hiện đối tượng nghi vấn là lập tức kiểm tra, mới về phường làm rõ. Từ đó tình hình tội phạm cũng giảm đáng kể”, Công an viên Lê Đức Tín cho chúng tôi biết.

Bình Hưng hiện có gần 90 ngàn dân. Xã có diện tích chưa tròn 1.400ha nhưng có đến 53 dự án bất động sản, hơn 3.000 doanh nghiệp và hàng trăm cơ sở kinh doanh, nhà hàng, quán nhậu. Đây từng là địa bàn phức tạp về ANTT, là “bãi đáp” của tội phạm hình sự cộm cán,… 

Tôi hỏi về con số trên 64 ngàn dân tạm trú, chỉ huy Công an xã cho biết trước đây, nhiều người dân ở tỉnh về tạm trú để làm công nhân, kế đến là số hộ dân từ các quận, huyện khác về đây tạm cư, đa số là người dân bị giải tỏa từ cảng cá (quận 8), chợ Cầu Muối, cầu Ông Lãnh, chợ Quán, cầu Kho, khu Đồng Tiến, Mả Lạng (quận 1), Tôn Đản (quận 4), đường Võ Văn Kiệt (quận 5); cạnh đó, nhiều đối tượng giang hồ, dân “anh chị” quy tụ về đây sinh sống.... 

Chính vì vậy, có một thời gian Bình Hưng là “điểm nóng” tội phạm. Nạn cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản, đá gà, số đề, bài bạc thường xảy ra; đối tượng mua bán, hút chích ma tuý tăng lên. Có năm, địa bàn Bình Hưng xảy ra trên 80 vụ phạm pháp hình sự (trong khi tổng số vụ phạm pháp hình sự các xã còn lại của Bình Chánh mỗi năm chưa tới 20 vụ). 

Năm 2005, Công an huyện đã điều động đồng chí Mai Thống Nhất, khi đó là quyền Đội trưởng Cảnh sát hình sự Công an huyện về làm Trưởng Công an xã Bình Hưng. 

“Về đây mới thấy thương anh em Công an bán chuyên trách. Hầu hết đều tận tụy nhưng do hạn chế chuyện học hành, nhất là chuyên môn nghiệp vụ nên nhiều việc tưởng đơn giản cũng trở nên khó. Trong khi công việc đảm bảo ANTT ở Bình Hưng đôi khi còn phức tạp không kém ở phường khu vực trung tâm”, Trung tá Mai Thống Nhất tâm sự.

Sau 10 năm công tác (năm 2015, đồng chí Nhất hiện đã được điều động về làm Đội trưởng Đội Cảnh sát đặc nhiệm Công an TP Hồ Chí Minh), đồng chí Nhất đã cùng anh em đạt được mục tiêu chuyển hóa địa bàn, tội phạm được kéo giảm đáng kể so với trước. 

Tuy nhiên, do đặc thù của một địa bàn đang trong “cơn lốc” đô thị hóa nhanh nên Bình Hưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ANTT. Một Công an viên cho biết, chỉ tính trên địa bàn ấp 3A có trên 1.000 công nhân đang làm việc tại các dự án khu dân cư, nếu không quản lý chặt chẽ sẽ rất phức tạp. 

Theo chân Thiếu tá Dương Văn Minh, phụ trách ấp 3A, chúng tôi đến một số khu lán trại của công nhân được thiết kế bằng vách, mái tôn, bên trong ngăn thành các phòng, thậm chí kê giường tầng. Điều kiện ăn ở tập thể chật chội, tạm bợ như thế nên những lúc nghỉ ngơi, công nhân thường đánh bài ăn tiền, nhậu nhẹt, gây gổ, đánh nhau. 

“Khi phát hiện, chúng tôi không chỉ xử lý nghiêm mà còn yêu cầu nhà thầu cho những người vi phạm nghỉ việc. Kiên quyết thế nên tình hình cũng đã tạm ổn”, Thiếu tá Minh cho biết. 

Điều khiến Công an Bình Hưng luôn lo ngại lâu nay chính là địa bàn rộng, dân số đông trong khi quân số Công an xã quá mỏng, chỉ có một phần ba là Công an chính quy, còn lại là bán chuyên trách. 

Trung bình 1 đồng chí Công an phụ trách ấp (kể cả Công an chính quy và bán chuyên trách) tại Bình Hưng quản lý hơn 3.300 người dân, trong khi Thông tư 09/2015/TT-BCA quy định, 1 CSKV quản lý từ 1.600 – 2.500 dân. Việc bố trí Công an viên thường trực 24/24 tại trụ sở Công an xã, Công an viên phụ trác ấp, cán bộ làm công tác tổng hợp cũng không phù hợp.

Việc vận dụng chính sách cho anh em bán chuyên trách cũng bất cập. Một nữ Công an viên của Bình Hưng khi nghỉ sinh sản không được hưởng chế độ chính sách nào. Anh Nguyễn Duy Tân, Công an viên ấp 3, có 25 năm công tác, hiện được giao quản lý khoảng 1.500 hộ dân, nhưng chỉ được trợ cấp 2,3 triệu đồng/tháng. 

“Khi anh em chính quy đi tuần, đến giải quyết các vụ việc thì các đối tượng chấp hành tốt hơn. Còn như anh em chúng tôi xuống, có đối tượng nói thẳng rằng chúng tôi cũng như bảo vệ dân phố, có quyền gì mà giải quyết”, anh Tân băn khoăn và cho biết thực tế công việc quản lý địa bàn của một Công an bán chuyên trách với Công an chính quy không khác gì nhau, thế nhưng có những việc chỉ Công an chính quy mới được phép...

 “Thực tế công việc và mức lương như vậy, nếu không đam mê thì chúng tôi không thể trụ được”, Công an viên Đoàn Quốc Phong tâm sự.

Thiếu tá Trịnh Tiến Dũng, Phó trưởng Công an xã Bình Hưng cho biết, Bình Hưng vẫn còn đang đối mặt với nhiều vấn đề nan giải liên quan đến công tác đảm bảo ANTT, dễ thấy nhất là quân số và phương tiện phục vụ công tác, chiến đấu còn thiếu, chế độ chính sách đối với anh em Công an viên chưa được thực hiện đầy đủ, tương xứng với công việc được giao. 

“Mừng là hầu hết anh em vẫn miệt mài, gắn bó với công việc giữ bình yên, hạnh phúc của nhân dân, được người dân quý mến, tin cậy. Chúng tôi luôn động viên tinh thần, siết chặt tay cùng anh em Công an viên duy trì sự ổn định địa bàn. Từ đầu năm 2018 đến nay, địa bàn xã chỉ xảy ra 17 vụ phạm pháp hình sự, giảm 11 vụ so với cùng kỳ năm trước; chúng tôi đã khám phá nhiều vụ, bắt hàng chục đối tượng...” – anh chia sẻ. 

Tác giả: Nhân Sơn

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây