Dự và chỉ đạo hội thảo có Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.
Tham gia đồng chủ trì hội thảo có Thiếu tướng Lê Đình Nhường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội; lãnh đạo Học viện CSND, lãnh đạo Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp.
Về phía đại biểu quốc tế có các ngài: Ozaki Ryota, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; Olivier Lefebvre, Tùy viên an ninh Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; Gerry McGoWan, Sỹ quan liên lạc cơ quan phòng chống tội phạm quốc gia, Vương quốc Anh; Triệu Văn Bằng, Tham tán Cảnh sát Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và Konstantin Lunhiep, Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Liên bang Nga tại Hà Nội…
Các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến về lực lượng CA xã. |
Tại hội thảo, các đại biểu quốc tế đã chia sẻ những thông tin bổ ích và ý nghĩa về “mô hình” CA xã tại một số quốc gia trên thế giới.
Theo ngài Olivier Lefebvre, Pháp có 3.850 xã sử dụng lực lượng CA xã với khoảng 20 ngàn cảnh sát, trong khi những năm 1980 chỉ có khoảng 6.000 cảnh sát. Các tỉnh được bố trí nhiều CA xã là Marseille, Lyon.
Tại Pháp, CA xã thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát hành chính và Cảnh sát tư pháp. Tùy vào các xã và nhu cầu của xã mà CA xã được phân thành các Đội hoặc Đội chuyên trách. CA xã của Pháp mặc cảnh phục khi thực hiện nhiệm vụ, họ được trang bị các thiết bị bảo vệ cá nhân như mũ để tránh bị ném đá, quần áo phản quang mặc ban đêm.
"Từ khi xuất hiện các nguy cơ đe dọa về khủng bố thì nhiều Thị trưởng tại Pháp đã quyết định trang bị cho CA xã súng và áo chống đạn", ngài Olivier Lefevre cho biết.
Đề cập đến chính sách cảnh sát tại vùng nông thôn nước Anh, ngài Gerry McGowan cho hay, khác với Việt Nam, Vương quốc Anh không có lực lượng Cảnh sát quốc gia mà được phân ra thành 43 lực lượng khác nhau theo địa bàn cấp hạt (tương đương cấp tỉnh), do đó không có chính sách an ninh cấp quốc gia cho vùng nông thôn.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành phát biểu chỉ đạo tại hội thảo. |
Chia sẻ về hoạt động của các đồn Công an và lực lượng trị an liên quan của Trung Quốc hiện nay, ngài Triệu Văn Bằng cho biết, năm 2006, Bộ Công an Trung Quốc đã ban hành văn kiện xác định rõ chiến lược trong công tác giữ gìn an ninh trật tự của đội ngũ cảnh sát địa phương trên địa bàn nông thôn và thành phố của cả nước, với mục tiêu hoạt động là "các vụ án xảy ra với số lượng ít, trật tự tốt, xã hội ổn định, nhân dân hài lòng".
Tại khu vực nông thôn, mỗi đội cảnh sát khu vực sẽ quản lý một hoặc nhiều xã và hoạt động dựa trên nguyên tắc: Mỗi đội cảnh sát khu vực thiết lập trụ sở cảnh sát, thực hành mô hình "Một cảnh sát - một khu vực". Ngài Triệu Văn Bằng đánh giá, hiện quan hệ giữa cảnh sát và quần chúng nhân dân ngày càng mật thiết để đảm bảo an ninh trật tự, đồng thời cảnh sát kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh và phòng ngừa tội phạm, trong đó phòng ngừa được đặt lên hàng đầu...
Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành cùng với các đại biểu dự hội thảo. |
Tại Nhật Bản, theo ngài Ryota Ozaki, nước này đang duy trì "hệ thống cảnh sát cộng đồng" đã giúp cải thiện hình ảnh của lực lượng cảnh sát trong mắt nhân dân và hầu hết người Nhật đều nhận thức được tầm quan trọng của lực lượng này. Lực lượng Cảnh sát cộng đồng phải hoạt động cả ngày và đêm, là lực lượng đầu tiên và trực tiếp tiếp nhận, giải quyết tin báo khẩn cấp từ người dân. Thông qua việc kiểm tra chặt chẽ và thăm hỏi người dân hàng ngày, cảnh sát duy trì được mối quan hệ gắn bó mật thiết với người dân.
Hội thảo còn nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu đến từ CA các địa phương và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an.
Theo Đại tá Lê Trọng Phúc, Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc, nơi nào đẩy mạnh phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc thì tội phạm giảm, không có đất để hoạt động, quần chúng nhân dân tích cực tố giác tội phạm. Còn nếu cấp ủy và chính quyền cơ sở không quan tâm đến phong trào bảo vệ an ninh trật tự, tội phạm sẽ hoạt động mạnh, thậm chí hình thành ổ nhóm.
Đại tá Nguyễn Văn Tài, Phó Giám đốc CA tỉnh Thái Nguyên nêu bất cập: Tại Thái Nguyên mới chỉ có 4/140 xã, phường có trụ sở riêng, còn lại trụ sở CA xã nằm trong Ủy ban nhân dân xã. Có nhiều xã chưa có trưởng CA xã, phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã phải kiêm nhiệm…
Từ kinh nghiệm triển khai lực lượng CA chính quy đảm nhiệm các chức danh CA xã tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), Đại tá Vũ Minh Phương, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ CATP Hà Nội kiến nghị, việc triển khai bố trí CA chính quy đảm nhiệm các chức danh CA xã phải thực hiện theo lộ trình, bước đi thích hợp, “dễ làm trước, khó làm sau”, trước mắt ưu tiên bố trí CA chính quy tại các xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự mà chưa có Trưởng CA xã, hoặc Trưởng CA xã kiêm nhiệm.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành cảm ơn sâu sắc tới các đại biểu quốc tế đã chia sẻ những thông tin và kinh nghiệm quý báu về lực lượng CA bán chuyên trách. Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành yêu cầu hội thảo phải đánh giá đúng thực tiễn vai trò của lực lượng CA xã bán chuyên trách, tổng hợp, tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp, đánh giá được bài học thành công, những thách thức đặt ra đối với CA xã.
Theo đồng chí Thứ trưởng, hiện Hiến pháp Việt Nam quy định quản lý chính quyền bốn cấp: Trung ương; tỉnh, thành phố; quận, huyện; xã, phường, thị trấn; đảng lãnh đạo cơ quan HĐND, UBND, UBMTTQ, các tổ chức đoàn thể. Cần phải hệ thống các cơ sở pháp lý để xem CA xã đứng ở đâu. Vị trí địa lí của nông thôn, xã rất quan trọng, liên quan đến an ninh nông thôn, an ninh biển đảo, biên giới. Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp với 80% diện tích làm nông nghiệp.
Thời gian qua, Việt Nam đã nâng cao đời sống ở nông thôn, đảm bảo các chất lượng chỉ số an toàn, trong đó có vấn đề tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, rất nhiều “thách thức” nảy sinh từ cấp xã như khiếu kiện, tội phạm tệ nạn, nhất là tội phạm mới nổi, ma túy, tội phạm xuyên quốc gia xuất hiện ở các khu vực, các xã khu vực biên giới; đối tượng HIV, dịch bệnh, nguy cơ hủy hoại môi trường cũng từ cấp xã mà ra. Do đó, yêu cầu tăng cường lực lượng CA xã là một chủ trương đúng đắn và cấp thiết.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành nêu một số bất cập khi đánh giá về lực lượng CA xã: CA xã nhiều nơi hiện chưa có trụ sở độc lập; quy chế gắn kết trách nhiệm giữa lực lượng chuyên trách và lực lượng không chuyên trách phải được đánh giá, khảo sát; công tác đào tạo, bồi dưỡng cần phải được chú trọng, nhất là kiến thức điều tra xử lý ban đầu, kiến thức về văn hóa lịch sử, văn hóa bản địa. Vấn đề nữa là tư tưởng của cán bộ chiến sĩ khi được điều xuống cơ sở, do đó, cán bộ làm công tác tổ chức phải nắm bắt, hiểu, động viên cán bộ.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành đề nghị, trên cơ sở thảo luận tại hội thảo, kinh nghiệm của các nước cần phải nghiên cứu, học hỏi, như: Tại Úc, kinh nghiệm “Cảnh sát nào sớm thích nghi với cộng đồng thì thành công nhiều hơn” rất hay; tại Trung Quốc, “mục đích các vụ án xảy ra với số lượng ít, trật tự tốt, xã hội ổn định, nhân dân hài lòng"; tại Vương quốc Anh, “kinh tế trang trại, gia trại”, cần chú ý vì liên quan trực tiếp tới các xã; tại Nhật có quan điểm “phòng ngừa, can thiệp sâu, giảm thiểu hành vi phạm tội, tăng cường các dịch vụ chăm sóc nạn nhân”; tại Lào thì CA xã thuộc CA huyện ngang bằng các đội nghiệp vụ…
Theo đồng chí Thứ trưởng, để xây dựng lực lượng chuyên trách, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải được quy định rành mạch, rõ ràng, vì đây là “lực lượng gần dân nhất”; cần thiết sẽ học hỏi mô hình, kinh nghiệm tại một số quốc gia, để hướng tới xây dựng CA xã phải toàn diện, tinh thông, thạo việc, gắn với dân, gần với dân, “ba cùng” giải quyết với phương châm “4 tại chỗ”…
Tác giả: Thu Phương
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn