Loạt bài này được nhóm PV Báo CAND khảo sát, đánh giá thực tiễn ở cơ sở từ các vùng miền Nam, Bắc đến những vấn đề thuộc yếu tố pháp lý, qua đó giúp bạn đọc có cách nhìn khách quan, đầy đủ hơn về Công an xã.
Bài 1: Những vất vả khó gọi tên
Nằm trong hệ thống tổ chức của CAND với khối lượng công việc lớn nhưng Công an xã hiện nay đang hoạt động bán chuyên trách, không chính quy. Công việc nhiều nhưng lực lượng mỏng, trang bị thiếu nên nhiệm vụ của Công an xã rất vất vả và hiểm nguy rình rập…
Theo Pháp lệnh Công an xã năm 2008, Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, thuộc hệ thống tổ chức của CAND, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã.
Công an xã có chức năng tham mưu cho cấp ủy Đảng, UBND cùng cấp về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện các biện pháp phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật.
Cũng theo Pháp lệnh này, Công an xã chịu sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của UBND cùng cấp và sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của Công an cấp trên.
Hiện Công an xã được bố trí tại các xã, gọi là Ban Công an xã do một Trưởng Công an xã đứng đầu, ngoài ra còn có Phó Trưởng Công an xã và các Công an viên được bố trí theo thôn, bản, buôn, ấp…
Cán bộ Công an chính quy đến tận thôn bản, nhà bà con đồng bào dân tộc thiểu số vận động tham gia bảo vệ ANTT. |
Thực tế hiện nay, việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn chủ yếu do lực lượng Công an xã đảm nhiệm. Đây là địa bàn rộng lớn, chiếm 80% diện tích cả nước và tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự, nhất là các vụ việc khiếu kiện, xung đột xã hội liên quan đến đất đai, quản lý, thu hồi đất để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Quá trình đô thị hóa tăng nhanh, thu hồi đất, dẫn đến một bộ phận nhân dân không có việc làm, nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội như cờ bạc, cho vay nặng lãi, bảo kê.... là nguyên nhân gián tiếp làm phát sinh các loại tội phạm hình sự.
Theo số liệu thống kê, trong các năm từ 2011 - 2015, toàn quốc đã xảy ra 247.359 vụ phạm pháp hình sự; trong đó, ở địa bàn nông thôn xảy ra 131.734 vụ phạm pháp hình sự, chiếm 53,25%. Nổi lên là các tội giết người, trộm cắp tài sản, chống người thi hành công vụ, mua bán người, tội phạm về ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Những con số đó đã cho thấy, tội phạm chủ yếu nảy sinh từ cơ sở, giải quyết tốt những vấn đề về an ninh, trật tự ngay từ cơ sở thì huyện, thành phố, tỉnh, trung ương sẽ được giảm tải, cũng như hạn chế được tỷ lệ phạm pháp hình sự chung trong toàn quốc.
Ở địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc, hoạt động của Công an xã gặp rất nhiều khó khăn.
“Bên cạnh tuần tra bảo vệ an ninh, trật tự; phát hiện, xử lý tin báo tố giác tội phạm, chúng tôi còn tham gia các phong trào tự quản, phối hợp vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, cảm hóa giáo dục người cải tạo không giam giữ, đối tượng tù treo, người nghiện sau cai...
Đi bộ, leo núi hay đạp xe hàng chục cây số đến nhà dân là chuyện bình thường, nhất là về mùa mưa nước dâng lên phải đi qua sông, suối…” – đồng chí Trần Ngọc Hà, Trưởng Công an xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên cho biết.
Trong khi đó, Công an các xã vùng đồng bằng bận rộn giải quyết những công việc phát sinh thường ngày như: Thực hiện công tác tạm trú, tạm vắng, nhân hộ khẩu; tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ; giải quyết khiếu kiện, hoà giải mâu thuẫn, xích mích giữa các hộ dân và từng gia đình…
Trong quá trình hoạt động, bám địa bàn, cơ sở, Công an xã đã và đang đối mặt với nhiều hiểm nguy về tính mạng và sức khoẻ. Nhiều đồng chí nhiệt huyết với công việc, bị các đối tượng phạm tội tấn công hay cản trở, chống đối.
Đơn cử, vụ việc ngày 14-6-2016, Công an viên Phạm Văn Công (Công an xã Nghi Đức, TP Vinh, Nghệ An) xuống hiện trường giải quyết ẩu đả giữa nhóm thanh niên do Thái Doãn Lương (23 tuổi), trú tại khối Tân Thành, phường Lê Mao, TP Vinh cầm đầu với người dân đã bị các đối tượng dùng tuýp sắt đánh bị thương, phải nhập viện điều trị.
Ngày 24-12-2017, Trưởng Công an xã Dân Chủ (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) Phạm Đình Úy và Công an viên Nguyễn Hữu Thụ nhận được thông tin đối tượng tâm thần Nguyễn Đức Thụ (39 tuổi) dùng dao và gậy sắt khống chế bà N.T. T. (69 tuổi, trú cùng thôn. Khi hai cán bộ đến hiện trường giải quyết vụ việc thì đối tượng Thụ không những không chấp hành mà còn dùng dao chém anh Úy bị thương…
Hy hữu hơn là sự việc cuối tháng 10-2017, Trưởng Công an xã Tân Lập (Hữu Lũng, Lạng Sơn) Hoàng Văn Phong trong quá trình đến nhà bà N. để hoà giải, can ngăn một vụ bạo lực gia đình thì bị Hứa Văn Khải (58 tuổi), chồng nạn nhân cắn vào vai, lưng.
“Anh ta nát rượu, thường xuyên say xỉn, về nhà hành hung vợ, cả xóm ai cũng biết, trước đó vài ngày còn đuổi vợ ra khỏi nhà. Khi tôi đến khuyên bảo thì anh ta lập tức xông vào cấu xé, cắn để chống đối”, anh Phong kể lại. Ngoài ra, những vụ việc Công an xã bị côn đồ hành hung, bị thương khi truy đuổi tội phạm, bị người say, đối tượng “ngáo đá” chống đối, gây thương tích rất nhiều…
Lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam thăm hỏi Trưởng công an xã bị thương khi thi hành công vụ. |
Đặc biệt, nhiều tấm gương Công an xã không quản ngại vất vả tấn công truy bắt tội phạm đến cùng đã anh dũng hi sinh khi làm nhiệm vụ. Bà con thôn Trung, xã Cảnh Hưng, Tiên Du, Bắc Ninh vẫn chưa thể quên được sự việc xô xát giữa hai nhóm thanh niên xảy ra khoảng 19h30 ngày 22-9-2016.
Đồng chí Nguyễn Công Đạt (36 tuổi), Công an viên của xã cùng 2 Công an viên khác và 2 cán bộ dân phòng đến hiện trường để giải quyết. Quá trình thực thi nhiệm vụ, đồng chí Đạt đã bị đối tượng dùng xà cầy tấn công vào đầu, dù được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng do vết thương quá nặng nên đã hi sinh.
Trước đó, ngày 13-2-2012, ba đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch tại Hà Giang để dự đám cưới. Khi đi ngoài đường bị Công an viên Sùng Mí Hồ kiểm tra giấy tờ, đối tượng Đào Tỉnh Phát đã dùng dao tấn công liên tiếp khiến anh Hồ tử vong…
Tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định chiều 1-12-2016, trong lúc Công an viên Nguyễn Thái Hiệp đang cùng đồng đội trực gác tại đoạn đường bị chia cắt do nước lũ thì thấy một người đàn ông bị nước cuốn khi đang dắt xe máy. Không chút chần chừ, anh Hiệp dũng cảm nhảy xuống dòng nước xoáy cứu được nạn nhân.
Vài tiếng sau, anh tiếp tục cứu giúp hai vợ chồng dò dẫm lội giữa biển nước rồi trượt chân té ngã, đặc biệt người vợ đang mang thai. Còn nhiều những gương Công an xã lao mình cứu dân trong lũ dữ, hay xả thân xông vào đám cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn được người dân yêu quý, cảm phục…
Qua những con số và câu chuyện thực tế, có thể khẳng định Công an xã hiện đang giữ vai trò quan trọng, đảm nhiệm và giải quyết khoảng 80% vụ việc về an ninh trật tự tại cơ sở.
Trong khi đó, xã hội phát triển cũng đang đặt trách nhiệm nặng nề hơn đối với lực lượng Công an xã, đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa việc thực hiện nhiệm vụ cũng như bảo đảm các điều kiện hoạt động, để lực lượng này thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
44 Công an xã hy sinh, 487 đồng chí bị thương khi làm nhiệm vụ Theo báo cáo tổng kết 7 năm công tác Công an thực hiện Pháp lệnh Công an xã (2008 – 2015), từ năm 2011 đến năm 2015, lực lượng Công an xã đã phát hiện trên 17.000 vụ với hơn 26.000 đối tượng phạm tội, bắt giữ 1.452 đối tượng truy nã, trong đó có nhiều đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Cũng thời gian này, Công an xã cả nước có 44 đồng chí hy sinh, 487 đồng chí bị thương trong khi nhiệm vụ; có 117 tập thể, 132 cá nhân được Chính phủ tặng bằng khen; 1.765 tập thể, 634 cá nhân được Bộ Công an tặng bằng khen; 56.389 cá nhân được Bộ Công an tặng “Kỷ niệm chương bảo vệ ANTQ”, cùng hàng nghìn tập thể, cá nhân được UBND cấp tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh và UBND cấp huyện tặng bằng khen, giấy khen… |
Một số nhiệm vụ của Công an xã hiện nay Nắm tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tiếp nhận, phân loại, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự; quản lý cư trú, chứng minh nhân dân và các giấy tờ đi lại khác; quản lý vật liệu nổ, vũ khí, công cụ hỗ trợ; quản lý về an ninh, trật tự đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trên địa bàn xã; tổ chức cấp cứu nạn nhân, bảo vệ hiện trường, lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai người bị hại, người biết vụ việc, thu giữ, bảo quản vật chứng; tổ chức bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm đang lẩn trốn trên địa bàn xã; xử phạt vi phạm hành chính; được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ; huy động người, phương tiện của tổ chức, cá nhân… |
Tác giả: Quỳnh Vinh
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn