Theo Thiếu tướng Lê Tấn Tảo – Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, thời gian vừa qua, dịch cúm gia cầm và dịch bệnh lở mồm long móng ở lợn đã xuất hiện ở nước ta với những diễn biến ngày phức tạp do tốc độ lây lan nhanh. Dịch cúm gia cầm mang virus A/H5N6 đang xảy ra tại xã Đông Hải, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh và một ổ dịch cúm gia cầm mang virus A/H5N1 tại xã Tân Tiến, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk.
Còn dịch lở mồm long móng trên lợn xuất hiện tại huyện Ba Vì (Hà Nội) và lây lan ra nhiều huyện khác của TP Hà Nội như Quốc Oai, Đan Phượng, Thường Tín. Đến nay, dịch bệnh này đã xuất hiện tại Hoà Bình, Hà Nam, Bắc Ninh, Hà Tĩnh… Hiện cả nước có 38 ổ dịch lở mồm long móng, trong đó Hà Nội có 16 ổ dịch, cao nhất nước.
Trước tình hình trên, để ngăn chặn việc xâm nhiễm, lây lan dịch bệnh, Cục Cảnh sát môi trường đề nghị Phòng Cảnh sát môi trường các tỉnh, thành phố: Thường xuyên trao đổi thông tin với ngành NN&PTNT địa phương để nắm tình hình về dịch cúm gia cầm, dịch bệnh lở mồm long móng trên gia súc; phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, để nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống dịch cúm gia cầm, dịch bệnh lở mồm long móng trên gia súc.
Lực lượng công an tham gia phòng chống dịch cúm gia cầm |
Cục Cảnh sát môi trường cũng đề nghị lực lượng Cảnh sát môi trường các địa phương chủ động nắm chắc tình hình trên tuyến, địa bàn trọng điểm; lưu ý các tuyến có ổ dịch về trung tâm thương mại, đô thị lớn, khu công nghiệp, các nguồn chế biến thức ăn, bếp ăn tập thể ở trường học, bệnh viện...
Phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm, kiểm soát việc mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm trên tuyến, địa bàn trọng điểm, đặc biệt là các tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc; ngăn chặn lây lan dịch bệnh từ nước ngoài vào Việt nam; các hành vi vận chuyển gia súc, gia cầm từ vùng có dịch sang vùng không có dịch. Giám sát chặt chẽ việc tiêu huỷ gia súc, gia cầm nhiễm bệnh đảm bảo theo đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Phòng Cảnh sát môi trường các tỉnh cũng cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong CAND, lực lượng quản lý thị trường kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch động vật, kiểm soát dịch bệnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; Lồng ghép Kế hoạch tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, nghi nhập lậu nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam, thực hiện tốt công tác phòng ngừa dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng trên gia súc, đấu tranh với các hành vi vận chuyển, tiêu thụ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không qua kiểm dịch.
Cục Cảnh sát môi trường đề nghị Phòng Cảnh sát môi trường báo cáo Giám đốc Công an tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện, đồng thời cập nhật tình hình công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng và công tác phát hiện, bắt giữ đấu tranh với các hành vi vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm, các sản phẩm gia súc, gia cầm từ vùng có dịch sang vùng không có dịch về Cục.
Tác giả: Đức Thắng-Thanh Hằng
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn