Chuyện về những chiến sỹ cứu nạn cứu hộ quả cảm - Bài cuối

Thứ tư - 02/01/2019 14:04
Bài cuối: Khó khăn không nản bước Ngày 15-10-2012 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 44/QĐ-TTg quy định về công tác cứu nạn cứu hộ...

Bài cuối: Khó khăn không nản bước

Ngày 15-10-2012 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 44/QĐ-TTg quy định về công tác cứu nạn cứu hộ (CNCH) của lực lượng Phòng cháy và chữa cháy (PCCC). Đây là quy định đầu tiên, chính thức giao cho lực lượng PCCC làm nhiệm vụ này, mặc dù trước đó, công tác CNCH vẫn được thực hiện khi xảy ra sự cố. 

Đến nay, lực lượng CNCH đã được xây dựng, phát triển chính quy, tinh nhuệ, đáp ứng yêu cầu thực tế. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều khó khăn.

Những đòi hỏi khắt khen từ thực tế

Sự hiểm nguy, khó khăn vất vả từ khâu tập luyện trên thao trường đến chiến đấu ngoài thực tế… chẳng cần nói thì ai cũng biết đó là đặc thù của lực lượng CNCH. Lĩnh vực CNCH thì nhiều vô kể, từ cứu người trong vụ cháy, mắc kẹt trong hầm, rơi xuống vực khi đi du lịch mạo hiểm cho đến tai nạn giao thông, cứu đối tượng ngáo đá trèo lên cột điện, nạn nhân đuối nước, tự tử… Chỉ sơ sẩy chút thôi, người tham gia CNCH có thể trở thành nạn nhân bất cứ lúc nào. Thế nên, công tác huấn luyện đặc biệt được coi trọng. 

Thượng tá Trương Đức Dũng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TP Hà Nội cho biết, Hà Nội là địa bàn có số vụ phải CNCH cao, bởi nguy cơ sập đổ công trình (do Hà Nội có nhiều nhà cũ), xảy ra cháy nhiều, đuối nước nhiều (do không biết bơi hoặc tự tử), kẹt thang máy mỗi năm cũng tới vài chục vụ… Với mỗi tình huống khác nhau phải đối mặt với những khó khăn, phức tạp khác nhau, đòi hỏi sự linh hoạt của cán bộ chiến sỹ khi làm nhiệm vụ.

Thượng tá Phan Mạnh Hà, Trưởng phòng Công tác cứu nạn cứu hộ, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an cho biết: “Nếu so với lực lượng chữa cháy thì lực lượng CNCH cần phải tinh hơn, nhanh hơn, đòi hỏi nhiều sức khoẻ hơn. Thế nên, ở nhiều nước quy định chiến sỹ CNCH không quá 45 tuổi. Bởi, khi thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm, nếu người CNCH không cẩn thận thì không những không cứu được người mà còn gia tăng nạn nhân”. 

Chuyện về những chiến sỹ cứu nạn cứu hộ quả cảm - Bài cuối
Cảnh sát cứu hộ cứu nạn luôn phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt.

Công việc đặc thù yêu cầu rất cao đối với người chiến sỹ CNCH, từ kỹ năng sơ cấp cứu nạn nhân cho đến sử dụng thiết bị chuyên dùng, có sức khoẻ, sự linh hoạt trong mỗi tình huống khác nhau. Tuy nhiên, lực lượng CNCH hiện nay số đông lại là các chiến sỹ nghĩa vụ. Khi mới vào nghề, họ chỉ là lính mới tò te, sau thời gian huấn luyện, có kỹ năng thực hiện tốt công việc này thì họ lại phải ra quân. Hoặc nếu có được ở lại phục vụ lâu dài trong lực lượng thì nhiều chiến sỹ lại xin chuyển đi đơn vị khác vì công việc quá vất vả. Bởi vậy, công tác huấn luyện phải liên tục, hao tốn nhiều công sức, thời gian.

Thiếu tá Nguyễn Công Thành, Phó phòng Công tác cứu nạn cứu hộ, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an chia sẻ: “Lực lượng chữa cháy và CNCH luôn phải chịu hy sinh nhiều, lịch trực dày đặc, môi trường làm việc khắc nghiệt, độc hại. Khi xảy ra sự cố, yêu cầu sau 2 phút người được phân công nhiệm vụ phải lên đường. Sức ép làm việc lớn nên các cán bộ, chiến sỹ rất dễ bị căng thẳng, stress”.

Thiếu trang thiết bị chuyên dụng

Tháng 3-2017, Chính phủ đã quy định các đơn vị của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH của Bộ Công an là một trong 4 đơn vị chuyên trách ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Sau đó, tháng 7-2017, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác CNCH của lực lượng PCCC. 

Nghị định này quy định về bố trí lực lượng và hoạt động CNCH của lực lượng PCCC, nguyên tắc, quan hệ phối hợp, đảm bảo điều kiện và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đặc biệt, Nghị định dành riêng một chương quy định phòng ngừa sự cố, tai nạn và công tác chuẩn bị CNCH. Trong đó công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức CNCH tới toàn dân được chú trọng để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc. 

Tuy vậy, việc tuyên truyền chưa “phủ sóng” tới đa phần người dân nên số đông chưa có kiến thức về CNCH. Bởi vậy, hầu như tất cả các sự cố khi lực lượng CNCH tiếp cận được thì đều ở mức độ nghiêm trọng, khi triển khai thực hiện đều có nguy cơ đe doạ tính mạng của nạn nhân và chính cán bộ chiến sỹ tham gia cứu nạn cứu hộ. 

Từ năm 2012, Cục Cảnh sát PCCC đã mở nhiều lớp tập huấn công tác CNCH cho các địa phương trên toàn quốc. Bên cạnh đó là triển khai xây dựng để hoàn thành hệ thống văn bản về công tác CNCH. Trong các chương trình công tác năm luôn có các hội thi nghiệp vụ CNCH, công tác tập huấn, huấn luyện CNCH và thường trực sẵn sàng chiến đấu…

Theo Đại tá Bùi Văn Giang, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Hòa Bình, hiện nay chất lượng công tác tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH, tổ chức thực tập phương án chữa cháy có nơi, có lúc chưa sát với thực tế và yêu cầu đối với từng đối tượng, loại hình cơ sở. Nhiều phương tiện, thiết bị PCCC&CNCH không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn công tác. Mặt khác để công tác PCCC&CNCH đạt hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần quan tâm, đầu tư trang cấp bổ sung các xe chữa cháy, CNCH, các trang thiết bị cá nhân phục vụ công tác chiến đấu; thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ PCCC&CNCH cho cán bộ chiến sĩ…

Ở Đội chữa cháy và CNCH dưới nước thuộc Công an TP Hà Nội, cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng vô cùng thiếu thốn. Trung tá Tạ Tiến Đạt cho biết, hiện đội đã có xuồng cao su nhưng chưa có bến nên khi triển khai đi CNCH đều phải nhờ bến của Cảnh sát giao thông. Trong khi đó, xuồng cao su chỉ phù hợp trên hồ ao, còn khi ra sông, nước chảy xiết, dùng xuồng cao su không an toàn. Hơn nữa, khí hậu ở miền Bắc khắc nghiệt vào mùa đông, anh em lặn xuống nước cứu nạn đều bị ướt và lạnh do đồ bơi ngấm nước, cả đội hiện chỉ có một đồng chí có chứng chỉ lái tàu…

Cứu nạn cứu hộ không chỉ bằng ý chí mà còn phải có các thiết bị chuyên dùng mới mang lại hiệu quả cao. Hiện mỗi tỉnh thành đều đã có xe CNCH với hơn 300 món thiết bị chuyên dụng như: Bộ banh cắt thuỷ lực, túi nâng, kích chống chèn, khoan bê tông, cưa sắt, cưa máy, dây… để giải quyết các tình huống trên cao, dưới nước, trong công trình ngầm… Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các CBCS tham gia CNCH, rất nhiều tình huống không thể dùng thiết bị mà phải dùng tay đào bới thủ công để đảm bảo an toàn cho nạn nhân.

Đưa ra các thông tin trên để thấy rằng, lực lượng CNCH ra đời chưa lâu, công việc rất nhiều thách thức.Thế nhưng, CBCS CNCH ở các địa phương trên toàn quốc đã khắc phục mọi khó khăn, rèn luyện và đào tạo nên những chiến sỹ tinh nhuệ, dũng cảm, xây dựng được hình ảnh đẹp về người chiến sỹ Công an luôn xông pha nơi gian khó, hết lòng vì nhân dân phục vụ.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an, năm qua (tính từ tháng 11-2017 đến tháng 10-2018), lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã thực hiện 3.815 vụ cứu nạn cứu hộ, trong đó có 2.857 vụ cứu nạn cứu hộ trong đám cháy (chiếm 74,89%), 442 vụ CNCH dưới nước (chiếm 11,89%); 161 vụ CNCH phương tiện giao thông (chiếm 4,22%) 44 vụ CNCH sập đổ công trình (chiếm 1,15%); 48 vụ CNCH hang hầm, giếng sâu (chiếm 1,26%); 38 vụ CNCH trên cao (chiếm 1%); 225 vụ CNCH tai nạn, sự cố khác (chiếm 5,9%). 

Qua thống kê, số vụ CNCH dưới nước vẫn chiếm tỉ lệ khá lớn, đa phần do người dân bất cẩn, còn tai nạn sự cố khác có chiều hướng tăng, đa phần rơi vào các trường hợp bị ngáo đá, tự tử...

Tác giả: Việt Hà – Trần Huy

Nguồn tin: http://cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây