Thường xuyên có mặt trong phòng đọc sau mỗi buổi chiều hết giờ làm việc, Thượng úy Nguyễn Trọng Tuân, cán bộ Phòng tham mưu, Công an tỉnh Hà Nam từ nhiều năm nay đã trở thành người bạn thân thiết của phòng đọc sách Công an tỉnh Hà Nam này. Mặc dù công việc bận rộn nhưng anh Tuân vẫn không quên dành thời gian cho niềm đam mê đọc sách. Niềm đam mê đọc sách đã giúp anh Tuân rèn cho mình kỹ năng tư duy, phương pháp khoa học để tìm và sưu tầm tài liệu phục vụ cho công tác chuyên môn của mình.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Tuân cho biết, bản thân anh vốn thích đọc sách. Từ lâu, sách đã trở thành “người bạn” thân thiết với anh. Mặt khác cũng do yêu cầu công tác chuyên môn, đòi hỏi phải thường xuyên bổ sung các kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, bởi vậy sau giờ làm việc, anh và đồng đội luôn dành thời gian xuống phòng đọc để nghiên cứu tích lũy kiến thức xã hội, chuyên môn nhằm phục vụ hiệu quả công tác…
Có thể khẳng định, từ nhiều năm nay, phong trào đọc sách trong CBCS luôn được Công an tỉnh Hà Nam quan tâm duy trì. Để văn hóa đọc trở thành việc làm thường xuyên trong CBCS, nhất là đội ngũ cán bộ chiến sĩ trẻ, Công an tỉnh Hà Nam đã đưa nội dung xây dựng văn hóa đọc là một trong những nội dung của phong trào thi đua "Tự học, tự rèn" trong đoàn viên thanh niên và phong trào "Thanh niên CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy".
Trong các buổi giao ban đơn vị, sinh hoạt chi bộ, chi đoàn hay giao ban công tác Hội phụ nữ, lãnh đạo đơn vị, Ban chấp hành chi đoàn luôn chú trọng việc tuyên truyền, quán triệt tới toàn thể CBCS, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của văn hóa đọc, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật... đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác.
Theo Trung tá Phan Trọng Nhân, Phó trưởng Phòng Công tác chính trị Công an tỉnh Hà Nam, hiện tại phòng đọc sách Công an tỉnh Hà Nam có khoảng gần 5.000 đầu sách các loại, gồm: tài liệu, báo, tạp chí trong đó chủ yếu là các tài liệu nghiệp vụ, pháp luật, sách có giá trị về chính trị, văn hóa xã hội và sách nghiệp vụ Công an nhân dân. Hàng ngày, phòng đọc mở cửa từ 16h đến 18h, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, học tập cho CBCS.
Một góc phòng đọc sách của Công an tỉnh Hà Nam. |
Để duy trì và phát triển văn hóa đọc trong CBCS, đội ngũ cán bộ thư viện Công an tỉnh Hà Nam đã luôn quan tâm đến nhu cầu tìm đọc của CBCS, để từ đó chủ động bổ sung nguồn tài liệu, số lượng đầu sách, đồng thời bố trí cán bộ phục vụ hàng ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho CBCS đến đọc, tìm và nghiên cứu tài liệu.
Sách là nguồn tri thức vô hạn của nhân loại, đọc sách là để nâng cao trình độ nhận thức về mọi mặt. Các Mác từng nói “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa Cộng sản”. Trong thời đại phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin hiện nay, văn hóa đọc đang dần dần mai một.
Mục đích phát triển văn hóa đọc là củng cố duy trì và thúc đẩy thói quen đọc, sở thích đọc, kỹ năng đọc, qua đó tìm kiếm thông tin, chắt lọc tri thức để vận dụng vào công tác thực tiễn. Xây dựng văn hóa đọc trong toàn lực lượng Công an tỉnh Hà Nam đã thực sự trở thành một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, ngày càng phát triển mạnh, có chiều sâu. Đọc sách, báo đã trở thành việc làm thường xuyên, hàng ngày của mỗi CBCS.
Để niềm đam mê đọc sách trở thành phong trào, các đơn vị Công an trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục để mỗi CBCS có nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò, tác dụng của việc đọc sách. Đọc sách thực sự trở thành nhu cầu, là thói quen của mỗi người để tích lũy kiến thức, nâng cao trình độ về mọi mặt nhằm xây dựng đội ngũ CBCS Công an Hà Nam vừa hồng vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ ANTT trong tình hình mới.
Tác giả: Tâm Phạm - Phương Thảo
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn