Đại thắng mùa Xuân 1975: Thắng lợi của nghệ thuật kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại

Thứ sáu - 26/04/2019 05:18
TCCSĐT - Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc. Trong đó, Đại thắng mùa xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử về đường lối, nghệ thuật tiến hành chiến tranh mà một trong những dấu ấn ấy là nghệ thuật kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Đánh chiếm Dinh Độc Lập. Ảnh: TTXVN
Đánh chiếm Dinh Độc Lập. Ảnh: TTXVN
Kháng chiến chống Mỹ cứu nước - cuộc “đụng đầu lịch sử”

Cả dân tộc Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong bối cảnh quốc tế phức tạp, vừa có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, nhất là sự bất hòa, thậm chí có cả khuynh hướng thỏa hiệp vô nguyên tắc giữa các nước lớn. Bên cạnh đó, kẻ thù của chúng ta là một đế quốc có tiềm lực vật chất, vũ khí, kỹ thuật đứng hàng đầu thế giới, chúng xem Việt Nam là một chiến trường để thực nghiệm các loại hình chiến tranh kiểu mới. Mục tiêu của Mỹ đánh chiếm miền Nam Việt Nam nhằm xóa bỏ tiền đồn chủ nghĩa xã hội, xóa bỏ ngọn cờ giải phóng dân tộc, lấy đó làm răn đe phong trào giải phóng dân tộc và ngăn chặn sự phát triển chủ nghĩa xã hội ở Đông Nam Á và trên thế giới. Do đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam tuy diễn ra trong phạm vi hẹp nhưng đã trở thành một cuộc đụng đầu lịch sử, mang tính thời đại, một tiêu điểm của cuộc đấu tranh quyết liệt giữa thế lực phản cách mạng do đế quốc Mỹ cầm đầu và lực lượng cách mạng do phe xã hội chủ nghĩa làm nòng cốt. Nhân dân Việt Nam không chỉ chiến đấu vì lợi ích sống còn của dân tộc mình là được sống trong hòa bình, độc lập, tự do thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, được phát triển đất nước theo con đường do mình lựa chọn, mà còn gánh vác một sứ mệnh lịch sử giao phó. Là chiến sĩ xung kích trong cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới, chống chủ nghĩa đế quốc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - nguồn lực nội sinh 

Về mặt quan điểm, đường lối: Đảng ta xuất phát từ chủ nghĩa Mác - Lê-nin về chiến tranh và cách mạng, vận dụng vào thực tiễn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam, cho rằng cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc ở mỗi nước phải do chính nhân dân của dân tộc đó tiến hành trên mảnh đất của họ. Với quan điểm đó, Đảng đã chủ trương phát huy sức mạnh dân tộc, nêu cao ý chí tự lực, tự cường; tinh thần độc lập, tự chủ dựa vào sức mình là chính theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Đó là truyền thống quý báu - cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam, được hình thành, hun đúc, phát triển bởi tinh thần yêu nước, ý chí độc lập tự chủ của dân tộc ta trong mấy ngàn năm lịch sử. Theo đó, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975, Đảng ta chủ trương huy động cao nhất lực lượng chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, lực lượng vật chất, tinh thần. Đồng thời phát huy những năng lực tiềm năng gắn liền với truyền thống lịch sử nhằm tạo sức mạnh tổng hợp. 

Trong thực tiễn, Đảng đã chủ trương thành lập mặt trận dân tộc thống nhất ở hai miền, lấy liên minh công nông làm nền tảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm tập hợp rộng rãi mọi tổ chức, lực lượng cá nhân, tạo nên sức mạnh tổng hợp, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đảng ta phát động các phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai”, phong trào kết nghĩa Nam Bắc với khẩu hiệu hành động “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” cùng với lời kêu gọi của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Đảng ta đã tập trung rộng rãi mọi lực lượng từ tiền tuyến đến hậu phương, từ nông thôn đến thành thị. 

Sức mạnh toàn dân tộc được Đảng huy động cao nhất cho chiến dịch Hồ Chí Minh với mọi lực lượng, mọi giai tầng, nghề nghiệp xã hội. Hướng về giải phóng miền Nam, cả dân tộc ra trận với khí thế “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Dưới ngọn cờ lãnh đạo sáng tạo của Đảng, toàn dân, toàn quân ra trận với khí thế hào hùng, các đơn vị chủ lực, bằng một loạt trận chiến đấu hiệp đồng quân binh chủng, đánh vào các trung tâm đầu não của địch; bộ đội địa phương, dân quân, du kích phối hợp cùng quân chủ lực; nhân dân tích cực đánh địch khắp nơi, tiêu diệt và làm tan rã nhiều đồn bốt giặc, hỗ trợ cho lực lượng quần chúng nổi dậy giành chính quyền, đập tan bộ máy kìm kẹp của địch ở cơ sở. Cùng với thắng lợi của lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị của quần chúng đã nổi dậy mạnh mẽ trên nhiều địa bàn, từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến đồng bằng, với nhiều hình thức đấu tranh phong phú, linh hoạt, tạo nên sức mạnh tổng hợp để đập tan ngụy quân, đánh đổ hoàn toàn ngụy quyền. Nhờ phát huy cao độ sức mạnh mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước đã trở thành sức mạnh, động lực quan trọng đưa đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975. 

Phát huy tối đa sức mạnh quốc tế, sức mạnh thời đại

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nếu chỉ có sức mạnh dân tộc thì không thể làm nên chiến thắng vĩ đại. Bởi vì, trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ, nhân dân Việt Nam không thể chiến đấu đơn độc, hơn nữa không thể phát huy hết những nguồn lực tiềm năng của dân tộc nếu không gắn với trào lưu cách mạng của thời đại. Đảng ta xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đặt cách mạng Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng thế giới, mà sức mạnh thời đại giai đoạn này là: hệ thống xã hội chủ nghĩa đang phát triển hùng cường, các dòng thác cách mạng đang tiến công vào chủ nghĩa đế quốc như: phong trào đấu tranh của các Đảng Cộng sản; giai cấp công nhân, nhân dân lao động của các nước tư bản; phong trào giải phóng dân tộc... những nhân tố đó thể hiện sức mạnh tập trung của thời đại. 

Trên thực tiễn, nhờ đường lối đối ngoại đúng đắn, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống Mỹ đã được đông đảo nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới ủng hộ, mà trước hết là sự đồng tình ủng hộ và đoàn kết hiệp đồng chiến đấu của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia anh em trên bán đảo Đông Dương, sự giúp đỡ quý báu chí tình, chí nghĩa của các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô, Trung Quốc, Cuba cả về nhân lực, vật lực, đàm phán quốc tế… 

Nhận thức và giải quyết đúng đắn kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại 

Đường lối cách mạng chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng dân tộc được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là: phải luôn nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kết hợp nghĩa vụ dân tộc với nghĩa vụ quốc tế, coi đó là nội dung quan trọng trong đường lối kháng chiến, một điều kiện bảo đảm đưa kháng chiến đến thắng lợi. Đường lối đó phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng và ý chí quyết tâm của nhân dân ta, dân tộc ta, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước, con người Việt Nam và đi đúng xu thế tiến bộ của nhân loại. Vì vậy, đường lối kháng chiến được nhân dân ta hưởng ứng mạnh mẽ ngay từ đầu, tạo nên sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, phát huy sức mạnh của cả dân tộc vào cuộc kháng chiến. Việt Nam đã huy động tối đa mọi nguồn lực của dân tộc, mỗi người dân. Bất kỳ già trẻ, trai gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn bé đều trở thành chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa, trở thành một lực lượng vật chất tinh thần hùng hậu đánh vào đế quốc Mỹ. Đồng thời, với đường lối đối ngoại đúng đắn, Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ to lớn và hiệu quả của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước bạn bè năm châu, sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có cả nhân dân tiến bộ Mỹ, tạo ra sức mạnh tổng hợp - “vũ khí” bách chiến, bách thắng để đánh Mỹ và thắng Mỹ. 

Sự kết hợp của đường lối đúng đắn này chính là thể hiện sự kết hợp giữa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam với chủ nghĩa Mác - Lê-nin và đường lối chính trị quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Như lời Đại tướng Văn Tiến Dũng trả lời với các học giả phương Tây: “Một lần nữa tôi muốn nói rằng, nguồn gốc mọi thắng lợi của chúng tôi là sức mạnh của cả một dân tộc vùng lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình trong thời đại ngày nay. Và Ban lãnh đạo chúng tôi biết khai thác, biết phát huy tất cả những sức mạnh đó để chiến thắng”(1). 

Phát huy bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong bối cảnh mới 

Tổng kết 30 năm đổi mới, một trong những bài học kinh nghiệm được Đảng ta rút ra, đó là: “Phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; kiên định độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi; kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(2). Bài học đó càng có ý nghĩa thực tiễn đối với công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta hiện nay.

Để phát huy bài học kinh nghiệm mang tính quy luật của cách mạng Việt Nam về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong sự nghiệp đổi mới, cần nhất quán một số định hướng cơ bản sau:

Một là, cần nghiên cứu, nhận thức và vận dụng sáng tạo phù hợp với thực tiễn hiện nay, luôn coi trọng vị trí và ý nghĩa của bài học, xem đây là vấn đề có tính nguyên tắc. 

Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, với nhiều thuận lợi, song cũng không ít khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, bài học đại đoàn kết thống nhất của toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế, kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong Đại thắng mùa Xuân 1975 càng tỏa sáng, là cơ sở, bệ đỡ vững chắc để dân tộc Việt Nam tiếp tục phát huy cao độ tiềm lực của cả nước, khắc phục mọi khó khăn, tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ và toàn diện, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. 

Từ thực tiễn công cuộc đổi mới hiện nay, cần nhận thức đúng nội hàm về sức mạnh dân tộc, đó là tổng hợp những lợi thế, những nguồn lực nội sinh của dân tộc, quốc gia bao hàm toàn bộ các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; truyền thống và hiện tại; dưới dạng tiềm năng và trong những biểu hiện hiện thực... Ngày nay, sức mạnh dân tộc của nước ta được tạo nên bởi quy mô và chất lượng của dân số cả nước (hơn 95 triệu người, trong đó gần 55 triệu người trong độ tuổi lao động); các nguồn lực tự nhiên khá phong phú (đất đai, rừng, biển, khoáng sản...); vị trí địa - chính trị và địa - kinh tế của đất nước; truyền thống yêu nước, tự lực, tự cường; nền văn hóa đậm tính nhân văn, cộng đồng; đóng góp của cách mạng Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, hòa bình và tiến bộ xã hội trên thế giới; sự ổn định chính trị - xã hội; đường lối đúng đắn của Đảng và sự đồng tình, ủng hộ của tuyệt đại đa số các tầng lớp nhân dân; sức mạnh tổng hợp quốc gia và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế sau hơn 30 năm đổi mới… 

Sức mạnh quốc tế, sức mạnh thời đại trong giai đoạn hiện nay được cấu thành bởi sức mạnh của các xu thế lớn, trong đó dòng chủ lưu là hòa bình, hợp tác và phát triển; sức mạnh của cộng đồng quốc tế ngày càng đồng thuận trong kiến tạo, củng cố một trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm, dân chủ, công bằng, bình đẳng; sức mạnh của các lực lượng tiến bộ trong cuộc đấu tranh vì các mục tiêu cao cả là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và phát triển bền vững; sức mạnh của các quốc gia phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ; sức mạnh của thế giới văn minh trong kỷ nguyên của cách mạng khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức, toàn cầu hóa... 

Hai là, kiên định ý chí độc lập, tự chủ, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, phát huy cao độ nội lực; đồng thời, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tranh thủ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực bên ngoài cho sự nghiệp đổi mới.

Xuất phát từ bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước, kế thừa và phát triển những kinh nghiệm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong lịch sử, Đảng ta khẳng định: bất cứ dân tộc nào muốn giành thắng lợi trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước đều phải dựa vào sức mình là chính, phát huy sức mạnh nội lực bên trong, đồng thời phải tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của đông đảo bạn bè quốc tế, tập hợp tối đa sức mạnh của lực lượng tiến bộ trên thế giới, trong đó, coi phát huy nội lực và sức mạnh dân tộc là yếu tố quyết định, đồng thời tranh thủ ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng. Nước ta hiện nay muốn phát huy sức mạnh đoàn kết thống nhất của dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại phải thường xuyên tuyên tuyền, giáo dục, quán triệt sâu rộng trong hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân, thực hiện tốt tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực hiện nhất quán “đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế…”(3). 

Ba là, phòng chống mọi biểu hiện tuyệt đối hóa. Không được thần thánh hóa sức mạnh dân tộc mà xem nhẹ sức mạnh thời đại, coi việc tìm kiếm những nguồn lực quốc tế là sự lệ thuộc vào nước ngoài, là dẫn tới mất độc lập, mất bản sắc trong phát triển, từ đó dẫn tới bảo thủ, biệt lập và nhất định sẽ đi đến chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Cũng không được xem nhân tố quốc tế như cứu cánh cho mọi vấn đề, dẫn tới xem nhẹ sức mạnh dân tộc, lãng phí lợi thế nội sinh, vô tình bỏ rơi nhiều di sản quý báu cho sự hưng thịnh của đất nước hiện nay.

Từ sau Đại thắng mùa Xuân 1975, bài học kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại hơn lúc nào hết phải được kế thừa và phát huy lên tầm cao mới, kết thành sức mạnh tổng hợp của đất nước, tạo điều kiện cũng cố vững chắc độc lập dân tộc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa./. 

----------------------------

(1) Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Cơ Thạch, Vì sao Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1986, tr. 48
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 200
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.153

Theo http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/An-ninh-quoc-phong/2018/50573/Dai-thang-mua-Xuan-1975-Thang-loi-cua-nghe-thuat-ket-hop.aspx

Tác giả: NCS, Thiếu tá Tạ Hữu Hùng - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây