Dự Hội nghị có các đồng chí: Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Ban thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Ban thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Ban thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an. Trung tướng Lê Văn Tuyến, Uỷ viên Ban thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Uỷ viên Ban thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ Bộ Công an và trực tuyến đến Công an 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ngày 1/7/2014, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin phục vụ công tác công an trong tình hình mới”. Ngày 13/4/2015, Đảng uỷ Công an Trung ương đã ban hành Nghị quyết 26-NQ/ĐUCA và các văn bản chỉ đạo để thực hiện nhiệm vụ với những nhiệm vụ cụ thể: Đào tạo, bồi dưỡng lực lượng chuyên trách công nghệ thông tin trong Công an nhân dân. Hiện có gần 800 cán bộ thực hiện nhiệm vụ chuyên trách, hơn 6000 cán bộ kiêm nhiệm công tác công nghệ thông tin tại Công an các đơn vị, địa phương. Hàng nghìn sinh viên được đào tạo bài bản tại các trường Công an nhân dân, là nguồn nhân lực cho công an các đơn vị, địa phương. Hệ thống mạng máy tính diện rộng dùng riêng cho Bộ Công an được kết nối với cấu trúc phân tầng đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn đường truyền nhất là trong giai đoạn thực hiện các dự án, đề án phục vụ công tác chuyển đổi số của Chính phủ.
Hệ thống trung tâm thông tin chỉ huy và hội nghị truyền hình trực tuyến được đầu tư từ Bộ Công an đến công an cấp quận, huyện phục vụ triển khai, thực hiện các nhiệm vụ một cách nhanh chóng, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí. Sự ra đời và vận hành Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư là dự án công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ… Đến nay đã có 189 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an, gồm nhiều dịch vụ thiết yếu như: Cấp, đổi thẻ CCCD; khai báo tạm trú tạm vắng; đăng ký thường trú, tạm trú; xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ; đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông; quản lý xuất nhập cảnh…hơn 200.000 hồ sơ đã được tiếp nhận, 74.000 hồ sơ đã được giải quyết, với tỷ lệ trả kết quả đúng hạn là 99,66%, phấn đấu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực truyến liên quan đến doanh nghiệp và người dân của Bộ Công an được tích hợp lên Cổng dịch vụ Công quốc gia. Tại các đơn vị địa phương, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và các hoạt động nghiệp vụ cũng đã được ứng dụng công nghệ thông tin thông qua hệ thống thư điện tử, quản lý văn bản, điều hành công việc, góp phần tiết kiệm thời gian, giảm bớt các chi phí phát sinh, tiết kiệm tài chính cho các hoạt động hành chính. Các phần mềm phục vụ công tác nghiệp vụ như: Thông tin hồ sơ đảng viên, cán bộ, công tác thi đua khen thưởng, chính sách, người có công, hồ sơ tuyển sinh…đã mang lại hiệu quả tích cực. Tăng cường công tác hợp tác trong nước và quốc tế trên các lĩnh vực kỹ thuật, phối hợp thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn, nghiên cứu khoa học, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm.
Tại hội nghị đã có 8 tham luận tập trung thảo luận và đưa ra các giải pháp về: Kết nối mạng chia sẻ dữ liệu, tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống bảo mật thông tin, chế độ chính sách đối với lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ…
Biểu dương, ghi nhận những nỗ lực của các đơn vị Bộ Trưởng Bộ Công an đã tặng Bằng khen cho 20 tập thể, 25 cá nhân; Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin tặng giấy khen cho 23 tập thể, 25 cá nhân.
Bộ trưởng yêu cầu sớm hoàn thiện Đề án “Quy hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong lực lượng Công an nhân dân”, hạ tầng cơ sở để hình thành mạng viễn thông dùng riêng cho lực lượng Công an, đảm bảo an toàn bí mật, đồng thời là kênh duy trì liên lạc dự phòng của Trung ương trong những trường hợp đặc biệt; Ưu tiên công tác đào tạo cán bộ vừa có nghiệp vụ, vừa có kiến thức về khoa học công nghệ; sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí, đầu tư một cách đồng bộ đảm bảo ứng dụng công nghệ hiện đại nhất vào thực hiện nhiệm vụ ./.