Giữ vai trò nòng cốt trong thực thi nhiệm vụ, lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đã chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp triển khai, thực hiện: Luật thi hành án hình sự; các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đối với cho người chấp hành xong án phạt tù. Nhất là công tác quản lý giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng: Người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ, người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện…
Mô hình điểm về “Quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng” được triển khai 9/9 thôn của xã Vi Hương, huyện Bạch Thông từ năm 2020. Từ đó đến nay, mô hình đã giúp 24 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hoà nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, hạn chế thấp nhất tình trạng tái phạm tội. Các thành viên của mô hình cùng với lực lượng Công an xã đã tổ chức 28 buổi tuyên truyền pháp luật, phát động phong trào, thu hút 982 lượt người tham gia, cung cấp 87 nguồn tin có liên quan đến an ninh trật tự; giải quyết 18 vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, xử phạt vi phạm hành chính 9 vụ, 12 đối tượng với số tiền 10.500.000đ. Góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, giúp người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Hiện nay huyện Bạch Thông đang chuẩn bị các điều kiện để nhân rộng mô hình tại các xã Đôn Phong, Nguyên Phúc, Quân Hà và thị trấn Phủ Thông.
Năm 2022, Công an các huyện, thành phố theo dõi, quản lý, giúp đỡ trên 718 người chấp hành án phạt tù về cư trú tại địa phương; 307 đối tượng chấp hình án phạt tù tại cộng đồng trong đó có: 243 đối tượng án treo, 43 đối tượng cải tạo không giam giữ. Quá trình cải tạo, tái hoà nhập cộng đồng, họ đều chấp hành nghiêm sự quản lý, giáo dục, giám sát của chính quyền địa phương, cam kết không vi phạm pháp luật.
Thực hiện Nghị định số 49, ngày 17/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng và Chỉ thị số 33, ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường các biện phá bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù”, Công an tỉnh Bắc Kạn đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, tích cực nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự và tái hoà nhập cộng đồng. Phối hợp với các ngành chức năng xây dựng cơ chế phối hợp, huy động, khuyến khích các tổ chức kinh tế, xã hội và cá nhân hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho người được đặc xá, người chấp hành xong án phạt tù.
Ngay khi còn đang chấp hành hình phạt tù ở các Trại giam, Trại tạm giam, phạm nhân đã được được giáo dục kỹ năng sống, rèn luyện đạo đức và học một số nghề cơ bản hoặc được tư vấn nghề nghiệp trước khi trở về tái hòa nhập cộng đồng. Các địa phương sau khi tiếp nhận những người hết thời hạn chấp hành hình phạt tù, Cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể chủ động tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý, giúp đỡ họ như: Giao cho các tổ chức đoàn thể và gắn trách nhiệm của cá nhân vào việc phối hợp với lực lượng Công an, gia đình người chấp hành xong án phạt tù quản lý, giáo dục, hướng họ vào những công việc phù hợp để họ thích nghi dần cộng đồng dân cư. Đồng thời, lực lượng Công an các cấp tiếp hành lập hồ sơ, tư vấn pháp lý, hướng dẫn thực hiện các thủ tục về cư trú, cấp căn cước công dân. Kết thúc thời gian quản lý trong cộng đồng, các xã, phường, thị trấn tổ chức đánh giá, họp xét thực hiện thủ tục xóa án tích cho người đủ điều kiện. Trong số hơn 700 người trở về tái hoà nhập cộng đồng tại Bắc Kạn đã có 151 người được xoá án tích. Có những người đã vượt qua khó khăn để tạo dựng cuộc sống ổn định.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác Thi hành án hình sự tái hoà nhập cộng đồng rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, nhất là gia đình của người lầm lỗi. Giúp họ xoá đi mặc cảm, tích cực rèn luyện, nhanh chóng hoà nhập với xã hội./.