Bắc Kạn: 9 tháng đầu năm không xảy ra vụ việc liên quan đến mua bán người
Thứ hai - 30/09/2024 06:26
Chiều 30/9 (2024) tại Công an tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh tổ chức Hội nghị giao ban công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc 9 tháng đầu năm 2024. Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 tỉnh chủ trì hội nghị.
9 tháng đầu năm, công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người và công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tiếp tục được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo; các sở, ban ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức thực hiện. Lực lượng Công an các cấp đã điều tra khám phá: 116 vụ, làm rõ 196 đối tượng phạm tội về trật tự xã hội; khởi tố 182 vụ, 205 bị can phạm tội về ma tuý. Thu giữ 513,945g heroin, 13,895g ma tuý tổng hợp, 12,5g thuốc phiện, 1.174 cây thuốc phiện. Toàn tỉnh có 933 người nghiện ma tuý; phát hiện 7 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, 5 vụ đánh bạc, 01 vụ làm nhục người khác; tội phạm và vi phạm pháp luật về quản lý kinh tế, tham nhũng chức vụ khởi tố 22 vụ, 46 bị can; tội phạm vi phạm pháp luật về môi trường, khởi tố 9 vụ, 19 bị can; bắt, vận động đầu thú 9 đối tượng truy nã, ra quyết định truy nã 8 đối tượng. Tính đến thời điểm hiện tại, Bắc Kạn không tiếp nhận, xác minh, giải cứu nạn nhân nào bị mua bán. Tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 63 vụ làm 17 người chết, 71 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính trên 1,3 tỷ đồng; cháy xảy ra 3 vụ, thiệt hại ước tính 103,6 triệu đồng và 0,133ha rừng trồng.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng Công an tỉnh đã tổ chức phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được 621 buổi với 34.536 lượt người tham gia, thu được 103 tin có giá trị phục vụ công tác Công an; vận động thu hồi 268 khẩu súng các loại, 03 lựu đạn, 252 viên đạn các loại; 172 kíp nổ, 400 gram thuốc nổ; gọi hỏi, răn đe 3.238 lượt đối tượng, kiểm danh, kiểm diện 1.598 lượt đối tượng; lập hồ sơ và áp giải 83 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP; lập 54 hồ sơ áp dụng biện pháp quản lý, giáo dục tại xã, phường, thị trấn; lập hồ sơ và áp giải 01 đối tượng vào trường giáo dưỡng; đăng tải, chia sẻ 1.047 lượt tin, bài, ảnh trên các báo, đài địa phương và của ngành…; các cuộc vận động, mô hình được các sở, ban, ngành, đoàn thể duy trì có hiệu quả như: “cổng trường an toàn giao thông”; “tuyến đường thanh niên tự quản”; “Camera an ninh”; “tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy”... 100% khu dân cư, xã phường, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đăng ký đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT” năm 2024; có 28/95 xã đạt chuẩn “Nông thôn mới”, 04 xã đạt chuẩn “Nông thôn mới nâng cao”; 1 Công an phường điển hình kiểu mẫu về ANTT và văn minh đô thị năm 2022-2023. Duy trì 385 tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung tham luận về giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; những tồn tại, khó khăn và giải pháp trong cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng; công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma tuý trong các cơ sở giáo dục; lồng ghép các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch để nâng cáo hiệu quả công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm…
Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 tỉnh phát biểu chỉ đạo
Kết luận hội nghị, Đồng chí Nguyễn Đăng Bình đề nghị các sở, ngành, đoàn thể tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, thông báo rộng rãi phương thức, thủ đoạn và các biện pháp phòng ngừa tội phạm, nhất là thời điểm gần Tết Nguyên đán 2025.
Thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế - xã hội địa phương gắn với phòng, chống tội phạm; thực hiện các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo,tạo việc làm cho người dân có cuộc sống ổn định, nâng cao thu nhập của người dân, từ đó không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật; thường xuyên rà soát, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước, không để tội phạm lợi dụng các chủ trương, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội... để trục lợi, vi phạm pháp luật.
Siết chặt công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội,chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động: quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, quản lý các hoạt động đầu tư công, tài chính, ngân hàng, thông tin truyền thông, văn hóa, du lịch, môi trường, xây dựng cơ bản, y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, đất đai, tài nguyên, trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy, nổ, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu lao động... không để xảy ra vi phạm.
Các lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp nắm tình hình, phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, nhất là tội phạm liên quan đến tín dụng đen, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm ma tuý… quản lý chặt chẽ số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma tuý và quản lý sau cai; thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và tính răn đe.
Tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, vì Nhân dân phục vụ, xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới./.