Tới dự có Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an và Thượng tướng Lê Thế Tiệm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an.
Chương trình “Chúng tôi là lính cứu hỏa – số điện thoại khẩn cấp 114” là một trong những hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC và 15 năm Ngày toàn dân PCCC, tôn vinh 16 tấm gương tiêu biểu thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC và phong trào toàn dân PCCC trong cả nước.
Với những câu chuyện xảy ra trong cuộc sống, công tác và chiến đấu của lực lượng Cảnh sát PCCC và hoạt động phong trào toàn dân PCCC.
Tại chương trình, người xem đã được biết về nghề nghiệp và công việc của Cảnh sát PCCC với nhiều thử thách khắc nghiệt, những phút giây sinh tử, đòi hỏi người lính chữa cháy phải quên đi sự an toàn và tính mạng của chính mình, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân; những tấm gương tiêu biểu trong phong trào toàn dân PCCC với những con người luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm trong công tác PCCC và CNCH, không quản ngại nguy hiểm cứu hàng chục người thoát khỏi tử thần.
Khách mời giao lưu tại chương trình. |
Giao lưu với nhân vật khách mời, những câu chuyện của người lính chữa cháy ngoài việc đối mặt với nguy hiểm, họ cũng rớt nước mắt chứng kiến những thi thể tử vong trong các vụ cháy… Câu chuyện của Trung úy Phan Công Hạnh, Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh đã gây xúc động mạnh cho người xem.
Nhớ lại kỷ niệm chữa cháy nhà dân, Trung úy Phan Công Hạnh tâm sự: “Khi chữa cháy xong, khói vẫn đang nghi ngút, tôi và đồng đội tiến sâu vào bên trong phát hiện trên giường có một hình hài nhỏ xíu giống con búp bê. Tuy nhiên, tiến đến gần đó lại là một đứa bé khoảng 14 tháng tuổi, cháu đã tử vong…
Chúng tôi lặng lẽ nhìn nhau lau nước mắt, sau này hình ảnh ấy vẫn ghi đậm trong tâm trí và luôn nhắc nhở chúng tôi tận tâm với nghề chữa cháy”.
Chia sẻ với mọi người khi cứu hơn 50 người ở vụ cháy chung cư Khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội) ngày 12-10-2015, Trung sỹ Trương Duy Tùng, Phòng Cảnh sát PC&CC số 7, Cảnh sát PC&CC Hà Nội kể, đơn vị anh được điều động, chi viện khá sớm do gần hiện trường và được phân công nhiệm vụ cứu nạn tại tòa nhà CT4B. Một mình anh sau đó chạy bộ từ tầng 20 lên 28 thì gặp những tốp người dân mắc kẹt.
Đa phần là người già, trẻ nhỏ nên anh mất nhiều thời gian để trấn an tinh thần, hỏi thăm sức khỏe và cùng họ tìm lối di chuyển sao cho an toàn nhất. Anh sau đó hướng dẫn người dân bịt mặt bằng khăn ướt, dắt tay cả đoàn lên sân thượng trên tầng 35.
Nhớ lại những phút cứu người, Tùng lo lắng nhất khi chứng kiến 2 mẹ con sơ sinh đứng trên sân thượng trong thời tiết gió lạnh. Được gia đình đồng ý, anh trở lại tầng nhà tìm đồ ăn, chăn lên đưa cho họ ủ ấm. Một giờ làm việc ở hiện trường, Tùng đã trải qua nhiều giây phút cảm động.
Có đứa trẻ nghe tiếng gõ cửa lao ra mở ngay. Nhìn thấy Tùng, cậu bé ôm chặt, kêu to: "Được cứu rồi". Rồi những người già được anh hỗ trợ, giúp thoát lên sân thượng không nén được nước mắt, ôm lấy Tùng nói lời cảm ơn...
Theo ghi nhận bước đầu của đơn vị, Tùng đã cứu giúp, đưa hơn 50 người tìm đến vị trí an toàn và thoát khỏi tòa nhà. Tùng và một số đồng đội làm nhiệm vụ đã mất sức, hít phải khói độc phải nhập viện.
Câu chuyện của binh nhất Nguyễn Mạnh Long, PCCC số 1, Đà Nẵng lại thể hiện hành động dũng cảm và sự chân thật của lính cứu hỏa. Ngày 21-5-2016, đơn vị Long nhận được thông tin cháy nhà dân ở đường Trần Quốc Toản (TP Đà Nẵng).
Khi lực lượng chữa cháy xuống hiện trường, lúc đó khói, lửa bốc lên ngùn ngụt ở tầng 2 của ngôi nhà. Sau khi dùng vòi phun nước dập lửa ở cầu thang, Long và đồng đội lên tầng 2 phát hiện bên trong phòng vệ sinh có hai vợ chồng và đứa con trai 6 tuổi bị mắc kẹt bên trong.
Lúc đó, tình trạng 3 người lả đi vì hít phải khói. Long và đồng đội hội ý, người bế cháu bé chạy xuống trước, còn anh và đồng đội dìu người chồng xuống. Đến cuối cầu thang, Long một mình chạy lên tìm người vợ thì thấy chị nằm sõng soài dưới nền gạch và đã ngất xỉu.
Nhìn thấy chị to béo, bụng to (gấp đôi người Long), nghĩ đang mang thai nên Long dìu chị ra khỏi cửa nhà vệ sinh thì phát hiện máu chảy khắp người chị. Tưởng chị ấy bị thương, thai nhi bị ảnh hưởng, trước tình huống cấp bách, Long cố hết sức bế chị chạy phăng phăng đưa xuống đất cho ra xe cấp cứu đang đợi sẵn.
Khi tiếp tục quay vào chữa cháy, một người dân chạy đến nhắc tay anh đang chảy máu... Lúc này, anh mới biết mình bị thương do bị kính cửa cứa phải. Sau đó, Long được đơn vị thông tin là chị vợ ấy không hề mang thai và máu ở người của chị là máu của Long chảy xuống.
Tại trường quay, mọi người còn được nghe giây phút cứu người, nghĩa cử cao đẹp của ông Đặng Ngọc Anh, thuyền trưởng tàu du lịch sông Hàn, Đà Nẵng.
Ông Đặng Ngọc Anh kể lại, khoảng 20h30 tối 4-6, tàu Thảo Vân 2 vừa rời bến chừng 10 phút, chiếc tàu lật và chìm xuống sông Hàn, 56 người gặp nạn. Không tiện cởi quần dài, ông Anh lao luôn xuống nước, kéo theo chiếc phao bè bơi về những cánh tay đang chới với.
Bằng chiếc phao bè, ông Anh cứu được hơn 20 người để đẩy qua canô Phú Quý, tàu du lịch Hàn Giang và tàu du lịch Sông Hàn. Trước hành động dũng cảm tham gia cứu người và tài sản, ông Đặng Ngọc Anh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Tác giả: Minh Hiền
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn