Chuyện về cán bộ Công an người Mông có tài vận động, hòa giải

Thứ ba - 18/10/2016 02:11
Là một người con của đồng bào Mông, có thể nói được 4 thứ tiếng là tiếng Kinh, Mông, Dao, Tày, ở Công an huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Đại úy Sùng A Phử, Đội Xây dựng phong trào về an ninh trật tự được biết đến như một người có tài vận động, hòa giải trong các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự.


Bởi lẽ, để giải quyết những vụ việc xảy ra tại địa bàn, điều quan trọng không chỉ là nắm vững những kiến thức nghiệp vụ mà còn phải hiểu phong tục tập quán, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con dân bản.

Chuyến công tác của chúng tôi về Công an huyện Sa Pa một ngày đầu tháng 10 đúng thời điểm Đại úy Phử vừa từ địa bàn trở về sau gần 1 tháng bám bản. Ngoài nụ cười rất đỗi mộc mạc, Đại úy Phử còn khiến người đối diện phải chú ý bởi đôi tay nhằng nhịt những vết sẹo thâm giống như hoa gấm.

Anh giải thích: “Những chuyến công tác kéo dài cả tháng trời, tôi ngủ nhờ nhà bà con, bọ chó cắn rồi để lại sẹo thế này đấy các chị ạ”.

Chuyện về cán bộ Công an người Mông có tài vận động, hòa giải
Đại úy Sùng A Phử.

Sinh ra tại xã Sử Phán, huyện Sa Pa, tuổi thơ của Đại úy Sùng A Phử gắn với những ngày theo bố mẹ lên nương ngô, nương lúa. Trong ký ức của anh, vào vụ giáp hạt, nhà chỉ có mèn mén, bố mẹ thường xuyên nhịn ăn để cậu bé Phử được bữa no bữa đói.

May mắn thay khi 10 tuổi, anh được bố mẹ cho theo học tại trường dân tộc nội trú tại trung tâm huyện Sa Pa. Ngày đó đường sá đi lại khó khăn lắm, đi bộ cả gần ngày đường mới về đến nhà. Mỗi lần bố mẹ lên thăm thì mang cho cậu bé Phử được bao gạo, con gà.

Nhờ ý chí, sự chăm chỉ nên Phử tiếp tục được học tại Trường Văn hóa I, Bộ Công an. Sau đó, anh có đủ điều kiện và học tại Trường Trung cấp An ninh. Năm 2004, anh về nhận công tác tại Công an huyện Sa Pa cho đến nay.

Được phân công phụ trách địa bàn là xã San Sả Hồ, nơi có đến 99% đồng bào dân tộc Mông vừa là một thuận lợi đối với anh nhưng cũng khiến công việc của anh rất vất vả.

Địa bàn không có quá nhiều phức tạp về an ninh trật tự, chỉ xảy ra những vụ việc như trộm cắp, đánh nhau, mâu thuẫn gia đình có khi chỉ vì tranh chấp nhỏ nhặt…

Tuy nhiên, khi giải quyết những vụ việc này đòi hỏi cán bộ Công an phải hết sức khéo léo, hiểu được tâm tư nguyện vọng của bà con cũng như dành nhiều thời gian, đến tận nhà để vận động thuyết phục bà con.

Dẫn ra việc 2 anh em Sùng A Sìn và Sùng A Khai tại thôn Ý Lình Hồng chỉ vì tranh nhau mó nước chảy vào mảnh ruộng đã mâu thuẫn đánh nhau dẫn đến Khai bị nứt sọ não đầu tháng 9 vừa qua, Đại úy Phử cho biết, sau khi nhận được trình báo, Công an huyện nhiều lần triệu tập mà cả 2 anh em đều không chịu đến buộc Đại úy Sùng A Phử phải đến tận nhà để lấy lời khai, lập biên bản sự việc.

“Đường vào nhà 2 anh em Sìn, Khai rất khó khăn, mỗi lần đi lại cũng mất cả nửa ngày leo bộ”. Với kinh nghiệm cùng sự khéo léo, sau nhiều ngày, Đại úy Phử đã thuyết phục được 2 anh em tự hòa giải và hỗ trợ nhau tiền điều trị bệnh.

Hay chuyện một gốc cây thảo quả được bố mẹ để lại cho 2 anh em Hạng A Páo, Hạng A Long ở thôn Sín Chải nhưng chia không đều cũng là nguyên nhân dẫn đến việc anh em mâu thuẫn, đánh nhau. Đại úy Phử phải đứng ra hòa giải nhưng không phải tại nhà, tại xã mà là hòa giải ngay tại gốc cây thảo quả.

Xã San Xả Hồ nằm trong khu du lịch Sa Pa nên những năm gần đây, diện tích đất thu hồi phục vụ cho các dự án phát triển du lịch ngày càng mở rộng.

Cũng chính từ việc bị thu hồi đất đã nảy sinh ra những câu chuyện dở khóc dở cười thậm chí là… vô lý mà nếu không có sự khéo léo của Đại úy Sùng A Phử thì có lẽ sự việc không thể giải quyết vừa nhanh vừa thấu tình đạt lý đến như vậy.

Đại úy Sùng A Phử kể: Năm 2013, diện tích đất lấy để làm dự án cáp treo Fansipan đi qua ruộng thảo quả của bà con tại thôn Sín Chải.

Chỉ với 14 cây thảo quả, ông Hạng A P đòi bồi thường 500 triệu đồng - một con số không tưởng. Không chịu đối thoại với đơn vị đầu tư, ông chỉ chấp nhận nói chuyện số ít người trong đó có Đại úy Sùng A Phử.

Bằng kinh nghiệm, sự khéo léo, ròng rã hàng tháng trời, Đại úy Phử đã ăn ngủ nhà ông và cuối cùng đã thuyết phục ông đồng ý mức bồi thường xuống còn 40 triệu đồng.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Đại úy Sùng A Phử chia sẻ một thông tin hết sức thú vị rằng, có lẽ, anh là chàng trai người Mông duy nhất ở Sa Pa kết duyên với một cô gái người Dao - chị Chảo Tả Mẩy, vợ anh hiện nay.

Đây có thể coi là một quyết định có tính “cách mạng” bởi lẽ trong nhận thức còn hạn chế của đồng bào dân tộc người Mông thì họ luôn định kiến và cho rằng người Dao có bùa ngải.

“Mình lấy được vợ cũng nhờ mấy tháng “nằm vùng” ở xã Sín Chải”, Đại úy Phử chia sẻ với chúng tôi. Công việc xong xuôi cũng là lúc chàng Công an trẻ nhiệt tình, hăng hái trong công việc ấy lọt vào “mắt xanh” của cô gái người Dao xinh xắn, trắng trẻo Chảo Tả Mẩy.

Và thế là, vượt qua những định kiến, suy nghĩ còn hạn chế, thuyết phục gia đình, Đại úy Sùng A Phử nên duyên vợ chồng với cô gái Chảo Tả Mẩy. Hiện nay, chị Mẩy vừa làm hướng dẫn viên du lịch vừa bán hàng tại chợ Sa Pa. Anh chị đã chị đã có 2 cháu gái kháu khỉnh, xinh xắn.

Hơn 10 năm công tác tại Công an huyện Sa Pa, Đại úy Sùng A Phử đã được nhận rất nhiều Bằng khen của Ban Giám đốc Công an tỉnh, UBND tỉnh Lào Cai. Đặc biệt, năm 2011, anh còn vinh dự nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo an ninh trật tự.

Đây thực sự là những phần thưởng xứng đáng cho sự năng nổ, nhiệt tình, không ngại khó ngại khổ của Đại úy Sùng A Phử - một người con của đồng bào dân tộc Mông ở Công an huyện Sa Pa.

Nguyễn Hương-Xuân Mai

Tác giả: Nguyễn Hương-Xuân Mai

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây