Những chuyến công tác dài ngày ở các bản vùng cao, thực hiện 4 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc” phương tiện giao thông khó chủ động, sinh hoạt cá nhân cũng phải linh hoạt... Đối với những cán bộ, chiến sỹ nữ, đặc biệt là nữ trinh sát an ninh thực sự là một khó khăn. Chị là Trung tá Đặng Thái Ninh, cán bộ Phòng 4, Cục An ninh Tây Bắc, Tổng cục An ninh, Bộ Công an.
Tiếp xúc với chị, tôi cảm nhận được bên trong người phụ nữ nhỏ nhắn ấy lại là một nghị lực phi thường, với niềm đam mê công việc cháy bỏng. Ở chị luôn có sự lạc quan, yêu đời trong gian khó, người nữ trinh sát ấy luôn tìm thấy niềm vui từ vẻ đẹp thiên nhiên, con người Tây Bắc và từ thành công của công việc.
Đúng vào thời điểm tách tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên, cô sinh viên trẻ với bao hoài bão Đặng Thái Ninh ra trường. Từ sự bỡ ngỡ ban đầu, người trinh sát trẻ với sự giúp đỡ của các thế hệ cán bộ đi trước đã nhanh chóng thích nghi với công việc.
Trung tá Đặng Thái Ninh trong một lần đến với bà con vùng cao. |
Cùng với việc tham gia công tác Đoàn, chị còn trực tiếp làm công tác trinh sát. Những lần cùng đồng đội trắng đêm bám theo hành trình trốn chạy của các nhóm đối tượng liên quan đến tội phạm về kinh tế chức vụ hay lần đấu trí với tội phạm cổ cồn trắng, những kẻ có quyền và có tiền... giúp cho chị có một bản lĩnh vững vàng trước tội phạm.
Hơn 10 năm công tác tại Công an tỉnh Bắc Kạn, năm 2008 chị xin chuyển về Cục An ninh Tây Bắc, vào thời điểm đó, đơn vị vừa thành lập được 2 năm, đóng quân tại tỉnh Yên Bái, điều kiện sinh hoạt và môi trường công tác khó khăn. Với địa bàn rộng lớn, Cục An ninh Tây Bắc quản lý 14 tỉnh, địa hình chia cắt nhỏ, rất khó khăn về giao thông... Đến nay, nơi đây vẫn là khu vực có điều kiện tư nhiên khắc nghiệt, kinh tế, xã hội khó khăn bậc nhất của cả nước.
Để hoàn thành nhiệm vụ, đến được với bà con dân tộc thiểu số, chị và đồng đội phải băng rừng, vượt suối, thực hiện 4 cùng với dân. Mỗi chuyến công tác đòi hỏi phải xa trụ sở đơn vị, xa gia đình, ngoài việc phải chủ động về giao thông, sinh hoạt cá nhân cũng phải linh hoạt phù hợp với từng thời điểm và địa bàn...
Những điều này, thực sự là khó khăn, vất vả cho các cán bộ chiến sỹ, đặc biệt là nữ trinh sát như chị. Đơn vị chị phụ trách 6 tỉnh gồm Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang và Lạng Sơn. Chỉ nói về trụ sở công tác cũng phần nào nói lên khó khăn của các cán bộ Cục An ninh Tây Bắc.
Chị tâm sự: Bà con vùng cao thật thà nhưng cũng rất dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng. Muốn bà con yêu mến phải gần gũi, phải tìm hiểu phong tục tập quán. Vì thế, khi Ban Dân vận tỉnh Thái Nguyên tổ chức lớp tiếng Mông, Trung tá Đặng Thái Ninh đã tự nguyện xin đi học. Từ khi biết “nội ngữ”, công việc của chị và đồng đội có phần dễ dàng hơn, việc tiếp xúc với người dân cũng rất thuận lợi.
Rồi chị kể cho chúng tôi kỷ niệm về những lần công tác trong bản khi xe máy bị thủng săm phải dắt bộ gần chục cây số mà không tìm được người vá xe. Rồi lần vào vùng Lục Kha, Hà Quảng (Cao Bằng), những nơi nổi tiếng vì thiếu nước... các trinh sát nam đến vùng này vào mùa khô nhiều ngày cũng không thể tắm.
Nhắc đến thiên chức của một người vợ, người mẹ, Trung tá Đặng Thái Ninh kể cho chúng tôi một chuyện cảm động, như để minh chứng sự vất vả của những cán bộ Cục An ninh Tây Bắc. Đó là chuyện của một cậu Thiếu úy người dân tộc thiểu số, quê ở Mường La (Sơn La), có người vợ đã tự đẻ đứa con thứ nhất trên nương, đứa thứ hai ở nhà và bà đỡ là mẹ ruột.
Những nữ cán bộ của Cục chưa trải qua như thế nhưng câu chuyện của chị cho thấy môi trường và điều kiện sống, làm việc của cán bộ Cục An ninh Tây Bắc khó khăn, vất vả như thế nào. Trong điều kiện ấy, cũng đủ để thấy việc nuôi, dạy và chăm sóc con của các chị vô cùng vất vả.
Những chuyến công tác xa nhà, việc chăm sóc con của chị đều nhờ bố, mẹ và những người thân trong gia đình. Trong sự khó khăn, chị và những người đồng đội luôn tìm thấy niềm vui từ chính lối sống bình dị, hồn hậu của người dân vùng cao.
Tác giả: Xuân Mai
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn