Nhìn chiếc cặp sách lấm đầy bùn đất bên cạnh thi thể của cô bé xấu số Châu Thị T. (trú tại xã Sa Pả, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai), Trung tá Giàng A Sành, Đội trưởng Đội trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lào Cai vừa xót xa xen lẫn căm phẫn...
Có bố là cán bộ công tác ở tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là Yên Bái) nhưng mãi đến năm 8 tuổi, Trung tá Giàng A Sành mới được cắp sách đến trường. Anh cũng là người con duy nhất của gia đình được đi học. Ngày đó, tuy ở cùng một tỉnh nhưng từ nơi làm việc của bố anh về đến huyện Si Ma Cai (Lào Cai) hết nửa ngày đường. Một hôm, bố của anh về nhà rồi hỏi anh có thích được đến trường không? Khi ấy, mẹ và bà nội của anh phản đối kịch liệt vì nhà chỉ có anh là con trai. Bố đi công tác xa nhà, anh là con trai duy nhất đi học thì không ai phụ giúp gia đình việc nhà.
“Ngày đó, cả nhà quanh năm chỉ có mèn mén, mùa ngô sau không kịp đủ cho mùa ngô trước...”, Thiếu tá Giàng A Sành nhớ lại. Nhưng khó khăn ấy không làm nhụt ý chí cậu học sinh người Mông ham học.
Trung tá Giàng A Sành và đồng đội khám nghiệm hiện trường vụ trọng án. |
Sau khi học hết lớp 7 trường nội trú, anh tiếp tục theo học tại tại trường thiếu sinh quân ở Thái Nguyên rồi Học viện An ninh nhân dân. Năm 2003, anh được điều động về công tác tại Đội an ninh Công an huyện Bắc Hà (Lào Cai), một địa bàn có đông người dân tộc thiểu số sinh sống. Vào thời điểm đó, cán bộ biết tiếng Mông không nhiều. Vì thế, ngoài công tác án ninh, anh cũng được trưng dụng tham gia vào điều tra nhiều vụ án... Cũng vì thế, cái duyên với nghiệp điều tra gắn bó với anh từ lúc nào.
Thời gian sau này, anh được điều động công tác tại Đội trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lào Cai. “Điều tra trọng án chẳng khác gì mò kim đáy bể, với các vụ án ở vùng cao thì còn khó khăn hơn nhiều. Ở Lào Cai, các vụ trọng án hay còn gọi là án mờ hầu hết đều xảy ra ở những nơi rừng thiêng, nước độc.
Có vụ án khi phát hiện ra nạn nhân chỉ còn lại một bộ khung xương. Bên cạnh đó, đặc điểm tâm lý của người vùng cao cũng có sự khác biệt, nguyên nhân một phần là do trình độ hiểu biết của họ không đồng đều; nguyên nhân khác là do phong tục tập quán... Người Dao rất sợ ma, sợ người chết nên nghe đến vậy là họ ít đến gần” Trung tá Giàng A Sành cho biết.
Trở lại vụ trọng án xảy ra tại huyện Sa Pa tỉnh Lào Cai. Khi cùng các cán bộ Phòng kỹ thuật hình sự tiến hành công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, Trung tá Giàng A Sành đặc biệt chú ý đến sợi vải thu được trên người nạn nhân.
“Vào đêm chúng tôi thu thập thông tin về vụ án (đêm 12-5), trên địa bàn thôn Sâu Chua, xã Sa Pả xảy ra một vụ mất trộm tài sản. Đối tượng thực hiện vụ án sau khi bị người dân truy đuổi đã bỏ chạy về phía hiện trường vụ án, sau đó thì mất hút. Từ thông tin này, chúng tôi tập trung nghi vấn vào các đối tượng có tiền án về tội trộm cắp tài sản trên địa bàn” Thiếu tá Giàng A Sành cho biết.
Lúc này, anh và đồng đội đã tập trung rà soát các đối tượng có tiền án về tội trộm cắp tài sản trên địa bàn, nổi lên trong số đó là trường hợp của Giàng A Giả (SN 1990, trú tại thôn Sa Pả, xã Sa Pả). Giả từng bị xử lý về hành vi trộm cắp tài sản.
Đối tượng Giả sau khi gây ra vụ trọng án trên đã về nhà mẹ vợ của anh ta ngủ đêm. Giả tâm sự với mẹ vợ về việc anh ta vừa phạm một tội nghiêm trọng. Thế nhưng khi được đưa về trụ sở, Giả chỉ thừa nhận đã thực hiện vụ trộm cắp tài sản vào đêm 12-5.
“Khi làm việc với Giả, tôi phát hiện trên người đối tượng có nhiều vết xây xước, Giả khai rằng các dấu vết đó là do bị cây rừng cào vào người. Nhưng bằng kinh nghiệm, tôi khẳng định đó là vết xước do con người gây ra” Trung tá Giàng A Sành cho biết.
Vì thế, sau khi xin ý kiến của Đại tá Hoàng Mạnh Hùng, Phó giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai, anh quyết định mời vợ và mẹ vợ của Giả đến cơ quan Công an làm việc. Kết quả đã cho thấy, hướng điều tra của anh và đồng đội hoàn toàn chính xác.
Trung tá Giàng A Sành đã thuyết phục được mẹ vợ của Giả hợp tác với cơ quan Công an. Cùng thời điểm này, họ đã xác định được sợi dây chỉ thu được tại hiện trường vụ án trùng khớp với vị trí rách của chiếc quần tại nhà Giả. Sau 24 giờ đấu trí, đối tượng Giả đã bị khuất phục, vụ án đã được điều tra, làm rõ.
Trong các vụ án đồng rừng, khó khăn lớn nhất có lẽ là điều tra các vụ án xảy ra ở vùng đồng bào, họ có tính cộng đồng và sự cấu kết cao... Vì thế, khi một vụ trọng án xảy ra, các điều tra viên nếu vội vàng tiếp cận thì sẽ không nắm bắt được thông tin.
Vụ trọng án xảy ra vào ngày 14-3-2012 là một điển hình. Do mâu thuẫn trong lúc uống rượu, người cháu ruột đã đánh người chú gây nên cái chết thương tâm... Con gái nạn nhân là người chứng kiến toàn bộ vụ việc nhưng người con này lại được bố của đối tượng cưu mang, nuôi dưỡng từ nhỏ lên mang ơn.
Giai đoạn đầu, dù có chứng cứ nhưng vụ án vẫn bế bắc vì không có tài liệu buộc tội. Khi đó, Trung tá Giàng A Sành buộc phải chọn một nút mở. Anh gặp gỡ cháu bé rồi thuyết phục. Nạn nhân sau đó đã hợp tác với cơ quan Công an bắt giữ đối tượng.
Trong 5 năm qua, Trung tá Giàng A Sành đã chỉ đạo và trực tiếp cùng cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị tham gia điều tra, làm rõ nhiều vụ án giết người, cướp tài sản.
Trong đó phải kể đến các vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra tại phường Lào Cai; vụ giết 4 người trong một gia đình và cướp tài sản xảy ra tại thôn Phìn Ngan, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát... Với sự nỗ lực của anh và đồng đội, 100 % các vụ án nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn đều được làm rõ.
Với những kết quả đã đạt được, từ năm 2013-2017, Đội trọng án liên tục đạt danh hiệu đơn vị quyết thắng. Trung tá Giàng A Sành liên tiếp đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở. Năm 2013, được nhận Bằng khen của Bộ Công an; năm 2015 nhận Huân chương Chiến công Hạng ba; năm 2017 vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Tác giả: Xuân Mai
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn