“Trong suy nghĩ thơ trẻ của con, có lúc mẹ là người mẹ “không bình thường”. Bởi lúc các mẹ “bình thường” được nghỉ ngơi, ăn bữa cơm ấm cúng cùng gia đình, mẹ lại đang đi đấu tranh với các đối tượng khiếu kiện. Lúc các mẹ “bình thường” được an toàn trong nhà tránh bão, mẹ lại đang đi làm nhiệm vụ giúp dân chống chọi lại sự khắc nghiệt của thiên tai. Lúc các mẹ “bình thường”, lo chăm sóc sắc đẹp mỗi tối, thì mẹ lại chong đèn thức trắng đêm với những bài dự thi viết tay 2.000 trang... Đã có lúc con thầm ước giá mà mẹ “bình thường” như bao bà mẹ khác, ngày đi làm về được ăn bữa cơm sum vầy, tối được ngủ giấc bình yên...” - Đó là tâm sự của cậu con trai 14 tuổi của Trung tá Lê Thị Hà, Đội trưởng Đội Tàng thư căn cước can phạm, Phòng Hồ sơ Công an tỉnh Thanh Hoá khi viết về mẹ của mình.
Từ những cái “không bình thường” đó của mẹ, em đã hiểu, làm Công an vất vả đến dường nào; em đã biết để có cuộc sống bình yên của mọi người thì mẹ em và những đồng nghiệp phải hi sinh những điều bình dị nhất, để từ đó, em nuôi ước mơ được mặc bộ quân phục như bố, như mẹ để góp công sức nhỏ bé của mình bảo vệ bình yên cho quê hương...
Thứ trưởng Lê Quý Vương trao giải Đặc biệt cuộc thi “Tìm hiểu truyền thống 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng CSGT” cho Trung tá Lê Thị Hà. |
Còn nhớ, năm 2016, Bộ Công an tổ chức trao giải “Tìm hiểu truyền thống 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng CSGT”, bài dự thi được giải Đặc biệt khiến mọi người “choáng” bởi tác giả viết tay gần 2.000 trang, gồm 7 quyển được đóng cẩn thận. Điều làm mọi người “choáng” hơn nữa, đó là cả công trình đồ sộ này được tác giả hoàn thành trong khoảng 10 ngày.
Gặp tôi bên lề cuộc trao giải, tác giả -Trung tá Lê Thị Hà cười đôn hậu: “Chị đừng nhìn mặt em, nám đen em ngại quá. Hậu quả của thức trắng đêm đấy”. Mặc dù chưa công tác trong lực lượng CSGT ngày nào nhưng bài dự thi đạt giải Đặc biệt của chị đã đề ra nhiều giải pháp đảm bảo ATGT, có tính ứng dụng cao trong thực tế, luôn được Cục CSGT đặt ở vị trí trang trọng ở Cục và trưng bày tại các Hội nghị của lực lượng để mọi người tham khảo, nghiên cứu.
Trung tá Lê Thị Hà vốn là gương mặt quen thuộc trong nhiều cuộc thi lớn bởi chị đã xuất sắc vượt qua hàng nghìn thí sinh để giành giải Đặc biệt, giải Nhất, Nhì bằng những bài dự thi viết bằng tay cầu kỳ, trang trọng ngập tràn tư liệu và những hình ảnh minh họa sống động.
Như tại lễ trao giải “Bác Hồ với dân tộc thiểu số, dân tộc thiểu số với Bác Hồ kính yêu” do Ủy ban Dân tộc miền núi – Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức, Trưởng ban Tổ chức đã nhận xét “Có đồng chí Công an Thanh Hoá một mình đi sưu tầm tư liệu về Bác và viết tay với bài thi dài hơn 1.000 trang. Chúng ta hình dung một con người, ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ ANTQ, còn dành thời gian để tìm hiểu tư liệu, viết bằng tay thể hiện sự trân trọng đối với cuộc thi, trân trọng tình cảm của đồng bào với Bác Hồ và Bác Hồ với đồng bào”. Trong cuộc thi đó, chị Hà đã xuất sắc vượt qua 51.000 bài dự thi của nhân dân cả nước để đạt giải Nhì.
Đầu năm 2018, chị bị bệnh nặng, dù đau đớn, lo lắng, mệt mỏi nhưng chị luôn tâm niệm rằng, mình phải thật mạnh mẽ, mình sẽ vượt qua. Trong những lúc mệt mỏi nhất, lo lắng nhất, chị vẫn hoàn thành công việc được giao, vẫn đầu tư sức lực, trí tuệ để làm bài thi tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về CAND, kỷ niệm 70 năm CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy (11-3-1948 - 11-3-2018), được Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen.
Trung tá Lê Thị Hà và con trai trong kỷ yếu cuộc thi viết vẽ “Con yêu mẹ - Chiến sĩ Công an”. |
Chia sẻ về “bí quyết” để vượt qua hàng nghìn bài thi giành giải thưởng cao trong các cuộc thi, Trung tá Lê Thị Hà cho biết “điều quan trọng nhất là phải dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi về lĩnh vực tham gia thi, từ đó tôi lựa chọn cách trình bày ấn tượng nhất để thuyết phục Ban Giám khảo”.
Chị là gương mặt nữ duy nhất đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND năm 2016. Chị vẫn chăm lo tốt cho chồng, cho các con và tham gia các cuộc thi với tâm thế và trách nhiệm cao nhất.
Tôi tò mò về cách sắp xếp thời gian, chị bảo rằng “Ai cũng đều có 24 tiếng trong một ngày, nhưng quan trọng là phải sắp xếp thế nào hợp lý nhất. Buổi sáng, tôi dậy sớm tập thể dục, nấu cho con ăn sáng, đưa con đến trường rồi đi làm. Buổi trưa, dù bận tới đâu tôi cũng tranh thủ nghỉ ngơi 5-10 phút để lấy lại năng lượng. Buổi tối, sau khi cơm nước xong, tôi bắt đầu làm bài thi. Cuộc thi nào thời gian dự thi dài thì mỗi ngày tôi làm 3-4 tiếng, cố gắng ngủ trước 24h. Cuộc thi nào gấp thì phải làm khuya hơn. Như cuộc thi của Cục CSGT, suốt gần 10 đêm làm bài, tôi ngủ rất ít. Mục tiêu hoàn thành bài thi đúng thời hạn, chất lượng cao nhất đã thôi thúc tôi vượt qua. Sau đợt thức đêm đó, mặt tôi nám đen, nhưng bù lại, bài thi được đánh giá cao, tôi được giải Đặc biệt, góp phần vào giải Nhất toàn đoàn của Công an Thanh Hoá”.
Cách đây ít năm, tôi viết bài về vụ án Công an Thanh Hoá đấu tranh với ổ nhóm tội phạm do Lường Mạnh Huân cầm đầu. Do yêu cầu công tác, tôi phải nhờ CBCS Phòng Hồ sơ tra cứu giúp một số tư liệu. Lấy bộ hồ sơ đã hơn 40 năm, các chị lần giở từng trang giấy pơ luya mỏng dính để cung cấp thông tin cho tôi. Ngồi đối diện, nhưng mùi nấm mốc, mùi giấy ẩm cũ lâu ngày khiến tôi ho sặc sụa.
Nhưng, dường như chị Hà và đồng đội quá quen với những thứ mùi đặc biệt đầy độc hại trong những tập hồ sơ cũ kỹ đó bởi có những hồ sơ đã được lưu trữ mấy chục năm, xếp cao chất ngất trên giá. Được biết, mỗi năm, Đội Tàng thư căn cước căn phạm tiếp nhận từ 4.000 đến 5.000 lượt hồ sơ để quản lý, lưu trữ.
Ngoài việc tiếp nhận, phân loại, nhập máy các loại hồ sơ nghiệp vụ, Trung tá Lê Thị Hà cùng đồng đội còn tra cứu, phục vụ hàng trăm nghìn yêu cầu khác của các đơn vị nghiệp vụ. Với niềm say mê công việc, chị và đồng đội luôn cần mẫn, tỉ mỉ sắp xếp tài liệu một cách khoa học, hợp lý nhất, tạo thuận lợi cho việc tra cứu, cung cấp kịp thời chính xác thông tin nghiệp vụ về các đối tượng, các hành vi phạm tội, mở ra hướng đúng cho các chuyên án, vụ án.
Niềm vui của Trung tá Lê Thị Hà được nhân lên gấp bội khi chồng chị - hiện là Phó trưởng Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Thanh Hoá luôn ủng hộ vợ, các con đều chăm ngoan, học giỏi.
Trong cuộc thi viết, vẽ “Con yêu mẹ - chiến sĩ Công an”, cháu Đào Lê Hùng, con trai thứ 2 của chị Hà đạt giải A toàn lực lượng CAND. Bài viết của cháu mang lại xúc động cho người đọc bởi sự “không bình thường” của mẹ mình so với các mẹ khác. Cách nhìn của cậu bé 14 tuổi cũng chính là những lát cắt chân thực, xúc động của con trai người chiến sĩ Công an khi kể về mẹ của mình. Và, đó cũng chính là động lực, để người mẹ - chiến sĩ Công an luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, yên tâm khi trắng đêm bên các trang viết đầy tâm huyết của mình...
Các giải thưởng, thành tích lớn Trung tá Lê Thị Hà đạt được: - Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong cuộc thi tìm hiểu 70 năm ngày truyền thống CAND Việt Nam”. - Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen vì “Đạt giải Nhất cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 trong CAND”. - Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen về thành tích đạt giải Đặc biệt trong cuộc thi “Tìm hiểu truyền thống 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng CSGT”. - Bộ trưởng Bộ Công an tặng Bằng khen về cuộc thi viết “Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân (CAND) nhân kỷ niệm 70 năm CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” (11-3-1948 - 11-3-2018). - Giải Nhì Công an tỉnh và giải khuyến khích toàn tỉnh Thanh Hoá về cuộc thi “Tìm hiểu công tác dân vận”. - Giải Nhất Công an tỉnh Thanh Hoá cuộc thi “Bác Hồ với Thanh Hoá, Thanh Hoá làm theo lời Bác”. - Là gương mặt nữ duy nhất đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND năm 2016. |
Tác giả: Phương Thủy
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn