Là một tỉnh miền núi và có đường biên giới chung với nước bạn Campuchia (90km), nên dù chưa hình thành các “điểm nóng” về ma túy nhưng tình trạng tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn đang diễn biến phức tạp.
Vì vậy, Thượng tá Nguyễn Lộc Oanh, Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Ma túy (PC47) Công an tỉnh Gia Lai, cho biết để đẩy lùi loại tội phạm và tệ nạn ma túy, ngoài sự quyết liệt của các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh còn cần có sự cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội.
Diễn biến phức tạp
Theo chia sẻ của Thượng tá Oanh, hoạt động mua bán trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh chủ yếu diễn ra nhỏ lẻ song khá phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 91 vụ tàng trữ, mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy (tăng 14 vụ so cùng kỳ năm 2017). Các loại ma túy mà các đối tượng tàng trữ, mua bán, sử dụng chủ yếu là ma túy tổng hợp đưa về Gia Lai từ các tỉnh phía Bắc và TP Hồ Chí Minh dưới hình thức ký gửi hàng hóa qua xe khách.
Thượng tá Nguyễn Lộc Oanh, Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Ma túy |
Qua phân tích của lực lượng chức năng, các đối tượng tàng trữ, mua bán ma túy thường là người nghiện. Do không có tiền để sử dụng, các đối tượng này đã tìm mua ma túy mang về bán lại cho người nghiện khác để kiếm lời, lấy tiền tiếp tục sử dụng ma túy.
Hiện nay, toàn tỉnh có 916 đối tượng liên quan đến ma túy, trong đó có 847 người nghiện (223 người vừa nghiện vừa nghi vấn tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy) và 69 đối tượng nghi vấn tàng trữ, mua bán hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Điều đáng lo ngại là số địa bàn có ma túy ngày càng gia tăng. Thậm chí, ma túy đã thâm nhập về các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện ma túy đã thâm nhập vào 116/222 xã, phường, thị trấn của 17 huyện, thị xã, thành phố (tăng 2 địa bàn so cuối năm 2017). Thành phần đối tượng liên quan đến ma túy cũng rất đa dạng, phức tạp; tỷ lệ nữ giới liên quan đến ma túy gia tăng (hiện có 66 đối tượng, tăng 1,2% so với cuối năm 2017).
Số đối tượng trong độ tuổi thanh thiếu niên liên quan đến ma túy tuy giảm nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao. Hiện toàn tỉnh có 594 đối tượng liên quan đến ma túy đang trong độ tuổi thanh thiếu niên, chiếm 64,85% tổng số đối tượng.
Sự nguy hiểm của ma túy tổng hợp
Một xu hướng đáng lo ngại của các tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện nay là ma túy tổng hợp (còn gọi ma túy đá) đang ngày càng phố biến.
Theo chia sẻ của Thượng tá Nguyễn Lộc Oanh, nhiều bạn trẻ hiện nay nhận thức sai lầm rằng ma túy đá không gây nghiện. Thế nên, để tìm cảm giác hưng phấn trong những buổi tiệc tùng, hay để thể hiện “bản lĩnh” trước bạn bè, nhiều thanh thiếu niên đã đánh liều nghe theo sự rủ rê thử dùng ma túy đá.
“Nhưng đó là suy nghĩ sai lầm, vì tất cả các loại ma túy đều gây nghiện”, Thượng tá Oanh cho biết.
Sự nguy hiểm của ma túy tổng hợp, theo Thượng tá Oanh, là nó tác động trực tiếp lên hệ thần kinh, gây ra ảo giác. Người phê ma túy tổng hợp thường bị rơi vào trạng thái mất kiểm soát, được gọi là “ngáo đá”. Khi ở trong tình trạng này, điều gì họ cũng dám làm. “Có nhiều trường hợp người ngáo đá giết cả người thân, cả gia đình, hay thậm chí leo tít lên trên cột điện mà không hề biết sợ hãi”, Thượng tá Oanh kể.
“Khi đã nghiện, để có tiền sử dụng ma túy thì dễ dẫn đến các hành vi phạm tội. Chính vì vậy, ngoài các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, phòng ngừa của lực lượng Công an thì các gia đình phải quan tâm quản lý, giáo dục con cháu mình tránh xa ma túy. Khi phát hiện con cháu mình nghiện ma túy, gia đình không nên bao che mà phải báo cáo ngay với chính quyền địa phương để được giúp đỡ, hướng dẫn tổ chức cai nghiện…”, Thượng tá Oanh nói.
Một tính chất nguy hiểm khác của ma túy tổng hợp là nó thường được sử dụng theo số đông, những con nghiện thường rủ rê nhau tụ họp lại cùng chơi, và thậm chí lôi kéo bạn bè chưa nghiện cùng chơi.
“Với thuốc phiện, hay ma túy truyền thống, người nghiện thường có khuynh hướng tách biệt, tìm một góc tự hút chích, tự phê. Trong khi đó, những kẻ nghiện ma túy đá lại thích “cùng chơi, cùng phê”. Vì vậy, chúng ta thường thấy những nhóm thanh niên cùng phê ma túy đá trong các môi trường ồn ào đông người như quán bar, karaoke… Vì tính chất này, khả năng “lây lan” của ma túy đá cao hơn gấp nhiều lần so với ma túy truyền thống”, Thượng tá Oanh cho biết.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Ma túy không chỉ trực tiếp hủy hoại sức khỏe con người, làm khánh kiệt kinh tế gia đình người nghiện mà còn kéo theo nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Thực tế cho thấy, ma túy là một trong những nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm hình sự khác như: cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản… gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Theo thống kê của Công an tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 18 vụ với 21 đối tượng nghiện ma túy gây án, tăng 11 vụ, tăng 13 đối tượng so cùng kỳ năm 2017. Chính vì vậy, để phòng - chống tội phạm và tệ nạn ma túy một cách hiệu quả, từng bước đẩy lùi ma túy ra khỏi cộng đồng thì cần có sự chung tay của toàn xã hội.
Theo Thượng tá Nguyễn Lộc Oanh, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy không phải là trách nhiệm của riêng ai mà cần có sự cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội.
Thiết nghĩ, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội cần đẩy mạnh việc tuyên truyền đến người dân về tác hại của ma túy để tự giác, chủ động phòng ngừa; tích cực tham gia quản lý người sau cai nghiện, tạo việc làm, ổn định cuộc sống để họ tái hòa nhập cộng đồng.
Đồng thời, người dân cần tích cực tham gia tố giác tội phạm, phối hợp với các cơ quan chức năng làm trong sạch địa bàn, tiến tới đẩy lùi ma túy ra khỏi cộng đồng.
Cùng với đó, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với các tổ chức đoàn thể sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn.
Phòng PC47, Công an tỉnh Gia Lai thời gian qua đã tổ chức đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan ban ngành khác để phổ biến những kiến thức cơ bản về ma túy, về sự nguy hiểm của các chất ma túy và tác động “tàn phá” của nó đối với sức khỏe con nghiện, kinh tế gia đình người nghiện, cũng như tác hại to lớn đối với cộng đồng xã hội. Giúp học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên và các bậc phụ huynh nhìn nhận rõ những nguy cơ từ ma túy, cũng như những cách thức để cảnh giác, phòng ngừa và xử lý kịp thời.
Dù trên địa bàn tỉnh Gia Lai, hoạt động buôn bán ma túy không có quy mô lớn như ở các tỉnh phía Bắc hoặc các tỉnh giáp giới khác, nhưng không vì thế mà CBCS Phòng PC47 của tỉnh buông lơi cảnh giác. “Chúng tôi lúc nào cũng đặt mình vào thế chủ động sẵn sàng, thông qua các biện pháp nghiệp vụ để nắm tình hình nhanh nhạy kịp thời và xử lý kiên quyết, dứt khoát. Dù vụ án nhỏ hay lớn, chúng tôi đều quyết tâm theo đuổi đến cùng”, Thượng tá Nguyễn Lộc Oanh cho biết.
Ngoài việc đấu tranh, ngăn chặn tội phạm và tệ nạn ma túy thì hiện nay vấn đề quan tâm giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng cũng cần được quan tâm đúng mức.
Thượng tá Oanh cho biết có những trường hợp người nghiện đã được đưa đi cai nghiện thành công, nhưng khi trở về lại khó hòa nhập với cộng đồng do sự phân biệt của gia đình, người thân. Ngoài ra, khi vào trung tâm, các học viên được đào tạo nghề thành thạo nhưng lúc đi xin việc làm thì rất ít nơi dám nhận, dẫn đến tâm lý chán nản, bạn bè rủ rê nên tái nghiện.
Chính vì vậy, Thượng tá Oanh kêu gọi sự cảm thông, tạo điều kiện giúp đỡ của xã hội đối với những người đã nỗ lực thoát khỏi sự mê hoặc của ma túy.
Long ViênNguồn tin: http://cstc.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn