Người giữ lửa ở đơn vị anh hùng

Chủ nhật - 08/09/2019 08:27
Hơn 10 năm trước, khi lần đầu gặp Thượng tá Lê Khắc Minh, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an Thanh Hóa (lúc đó anh đang công tác ở Đội Phòng chống tội phạm có tổ chức), tôi đã nghĩ anh giống một thầy giáo. Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ như vậy bởi anh có dáng vẻ thư sinh chứ không “gai góc” như mọi người vẫn nghĩ về những người lính hình sự.

Nhưng, ẩn bên trong dáng thư sinh đó là nội lực, là sự mạnh mẽ, quyết đoán và nhiệt huyết - tố chất của những người trực diện đấu tranh với tội phạm hình sự. Cũng có lẽ những tố chất đó đã khiến anh nên “nghiệp” với công tác này.

1. Mong ước trở thành cảnh sát hình sự đến với Thượng tá Lê Khắc Minh từ bé bởi anh là người mê khám phá, ưa tìm tòi nên khi lớn lên anh quyết tâm thi vào trường công an. Tốt nghiệp Khoa Cảnh sát điều tra, Học viện Cảnh sát - Thượng tá Lê Khắc Minh đã thực hiện ước mơ của mình là được làm cảnh sát hình sự.

Những đêm nằm bờ ruộng, bờ tre để trinh sát, những ngày lội suối, vượt rừng vào tận những bản xa xôi để điều tra án, thậm chí những lần khai quật tử thi hay khám nghiệm những xác chết hàng chục ngày mới được phát hiện với những ám ảnh ghê rợn không hề làm anh nhụt chí mà càng cảm  thấy yêu nghề hơn bởi những thử thách đó là bài toán khó, cần phải tìm lời giải.

Chính vì vậy, kể cả khi được lãnh đạo “điều” sang đơn vị khác, công việc thuận lợi hơn nhưng Thượng tá Lê Khắc Minh thấy không hợp, tình nguyện xin trở lại cảnh sát hình sự để thỏa “nghiệp” của mình. Trưởng thành từ người lính, rồi chỉ huy Đội Phòng chống tội phạm có tổ chức - đơn vị mũi nhọn trong đấu tranh với tội phạm nguy hiểm nhất, khó khăn nhất, đối đầu trực tiếp với các đối tượng côn đồ cộm cán, sừng sỏ, gian manh, “có số, có má” khiến nhiều người có phần e ngại.

Người giữ lửa ở đơn vị anh hùng
Thượng tá Lê Khắc Minh (thứ 3 từ trái sang) cùng đồng đội bàn bạc phương án đấu tranh với đối tượng phạm tội.

Anh bảo, “làm chỗ khó khăn, gian khổ mới “sướng” vì được làm đúng chuyên môn, sở trường của mình”. Quả thật, máu hình sự là duyên, là nghiệp, là sự say mê mà ai đã vướng vào thì không thể từ bỏ. 

Chia sẻ với chúng tôi về kinh nghiệm “chinh chiến”, Thượng tá Lê Khắc Minh cho biết: “Muốn trở thành một lính hình sự, cần có sự kết hợp của một số yếu tố. Thứ nhất, phải yêu ngành yêu nghề. Có như vậy mới có thể giữ được ngọn lửa nhiệt huyết của người lính hình sự.

Thứ hai, một người lính hình sự nhất định phải có khả năng chịu đựng được gian khó, khổ cực, vì đây là một nghề nhiều hiểm nguy, có thể phải đi làm nhiệm vụ bất kể giờ giấc và trong bất kỳ điều kiện nào. Thứ ba, phải có sự cảm thông, chia sẻ và ủng hộ của gia đình, đặc biệt là vợ con”.

Nhưng, quan trọng nhất đối với Thượng tá Lê Khắc Minh và đồng đội, đó là người lính hình sự phải có bản lĩnh và quyết đoán trong bất cứ tình huống nào. “Không bản lĩnh là không thể làm hình sự được”, Thượng tá Lê Khắc Minh khẳng định. Và theo chia sẻ của anh, đó cũng là một trong những tố chất cần có của một người “lính hình sự”, những người luôn phải đương đầu với đủ loại tội phạm, trong những tình huống nguy hiểm.

Từ khi là trinh sát đến giữ cương vị Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, đứng trước mỗi vụ án, vụ việc, bao giờ Thượng tá Lê Khắc Minh cũng phân tích, đánh giá, mổ xẻ vấn đề một cách khoa học để cùng đồng đội bàn bạc, tìm phương án đấu tranh. Nhất là ở các vụ án, các chuyên án lớn, anh luôn nhanh nhạy từ phác thảo đến xây dựng hoàn chỉnh kịch bản cho trận đánh, bảo đảm đủ 3 yếu tố. Đó là, an toàn cho trinh sát, cho nhân dân và cho chính đối tượng.

“Nghiệp” hình sự đeo đẳng anh nên mỗi khi xảy ra án nghiêm trọng, mỗi chuyên án lớn, anh cũng trực tiếp đảm trách mũi tấn công trọng yếu, bắt giữ các đối tượng “cộm cán”, manh động, nguy hiểm. Bởi anh coi đó là “nghiệp” của mình, “nghiệp” của người trưởng thành từ trinh sát hình sự và cũng bởi đó là sứ mệnh của người giữ lửa của đơn vị Anh hùng LLVTND - nơi các thế hệ cha anh đã chiến đấu, hi sinh suốt 45 năm qua.

2. Còn nhớ cách đây hơn 1 năm, vào cuối năm 2017, dư luận bàng hoàng khi biết thông tin cháu bé 23 ngày tuổi ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa bị chính bà nội của mình sát hại. Theo lời bà nội cháu - bà Phạm Thị Xuân (sinh năm 1952, ở xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, Thái Bình) thì khi bà đang bế cháu, bất ngờ có 2 đối tượng gồm 1 nam và 1 nữ đi xe máy, bịt mặt xông vào nhà dùng dao khống chế, đạp ngã bà ta rồi cướp cháu bé trên tay lên xe máy phóng đi. Sự việc xảy ra rất nhanh, bị khống chế bằng dao và bị đối tượng bịt miệng nên bà Xuân đã không thể hô hoán. 

Nhận thông tin, trực tiếp Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Thanh Hóa; Thượng tá Lê Khắc Minh, Trưởng Phòng cùng đồng đội đến ngay hiện trường để trực tiếp chỉ đạo, điều tra. Hàng trăm trinh sát, điều tra viên phong tỏa các con đường ra khỏi Thanh Hóa; kiểm tra các nhà nghỉ, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn để phát hiện nơi ẩn náu của đối tượng; đến các trại mồ côi, các trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em, thậm chí cả các chùa chiền để xem đối tượng có mang cháu bé đến hay không nhưng suốt gần 2 ngày đêm, không ai biết cháu bé ở đâu.

Người giữ lửa ở đơn vị anh hùng - Ảnh minh hoạ 2
Thượng tá Lê Khắc Minh đại diện Phòng Cảnh sát hình sự nhận khen thưởng.

Nếu theo logic thông thường thì cơ quan điều tra sẽ tập trung vào hướng cháu bé bị bắt cóc nhưng linh cảm nghề nghiệp đã khiến các cán bộ chiến sĩ Công an Thanh Hóa nghĩ đến việc liệu có sự gian dối gì trong lời khai của người bà. “Thật sự, nghĩ đến việc bà nội có thể sát hại cháu, chúng tôi cũng đã tự thấy mình áy náy vì sợ nghi oan cho bà ta” - Thượng tá Lê Khắc Minh cho biết.

Nhưng qua khám nghiệm, cơ quan điều tra thấy lời khai bà Xuân có rất nhiều mâu thuẫn, không phù hợp với dấu vết hiện trường để lại, chứng cứ đều “hướng” việc phạm tội vào bà Xuân. Lý trí, linh cảm người cán bộ điều tra cho thấy là vậy nhưng tìm cảm của con người không cho phép Thượng tá Lê Khắc Minh và đồng đội nghĩ đến điều đó nên các anh lại tìm xem có yếu tố vô tội cho bà Xuân hay không bởi dù sắt đá đến bao nhiêu, các anh không thể tin được bà Xuân lại có thể là người giết cháu nội của mình.

“Nhưng càng chứng minh vô tội, các chứng cứ lại càng buộc tội bà Xuân. Càng cố chứng minh bà ấy là nạn nhân của vụ “cướp” - bắt cóc, càng thấy rằng bà ấy mới chính là người trực tiếp gây ra việc mất tích của cháu. Chính vì vậy, Đại tá Khương Duy Oanh và tôi trực tiếp đấu tranh, phân tích phải trái để bà Xuân nhận thức tội lỗi của mình. Đặc biệt, khi tìm thấy xác cháu bé ở bãi rác, chúng tôi đã thông báo cho bà Xuân và quan sát diễn biến tâm trạng của bà ấy.

Nghe tin đó, người bình thường cũng đau xót lắm, bà Xuân cũng tỏ ra như vậy, cũng gào lên ầm ĩ nhưng chúng tôi quan sát thấy ẩn sâu trong bà ấy không phải sự đau đớn. Điều đó khiến chúng tôi thật buồn vì không thể ngờ rằng, chỉ vì mê tín mà người bà này lại nhẫn tâm sát hại cháu của mình”.

Suốt 2 ngày trời, bà Xuân mới khai nhận mình chính là người sát hại cháu nội vì thầy bói nói cháu xung khắc với bố cháu. “Lúc đó, cảm giác thật khó tả, chúng tôi mừng vì đã giải được bài toán khó mà dư luận cả nước quan tâm nhưng cũng buồn, day dứt lắm...” - Thượng tá Lê Khắc Minh tâm sự.

3. Chuyên án đấu tranh với các đối tượng trong đường dây trộm cắp xe máy tại nhiều tỉnh, thành phố, đục lại số khung, số máy, làm giấy tờ giả... rồi mang sang Campuchia tiêu thụ là đường dây trộm cắp “khủng” nhất từ trước đến nay mà Công an Thanh Hóa phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và công an nhiều địa phương trên cả nước triệt phá cũng là một trong những chuyên án mang đậm dấu ấn của Thượng tá Lê Khắc Minh.

Thời điểm năm 2018, trên địa bàn thường xuyên mất trộm xe máy. Đặc điểm khá lạ là đối tượng chỉ trộm xe Wave - loại xe không đắt tiền nhưng bị trộm cắp khá nhiều. Vì sao lại như vậy, vì sao các đối tượng không “nhắm” đến những loại xe đắt tiền hơn? Chúng sẽ tiêu thụ ở đâu, tiêu thụ cho ai... là những câu hỏi mà cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát hình sự cần tìm lời giải đáp.

Qua nghiên cứu, Thượng tá Lê Khắc Minh và đồng đội đã phát hiện 2 đối tượng trộm cắp là Tô Sỹ Chinh (tức Chiến, 40 tuổi, trú tại thị trấn Tào Xuyên, TP. Thanh Hóa, nghiện ma túy, có nhiều tiền án, tiền sự về hành vi trộm cắp) và Trương Ngọc Tường (41 tuổi, trú tại Hoằng Kim, Hoằng Hóa) là đối tượng điều hành đường dây trộm cắp này nên đã báo cáo Giám đốc lập chuyên án đấu tranh.

Người giữ lửa ở đơn vị anh hùng - Ảnh minh hoạ 3
Cán bộ Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa khám xét trụ sở Công ty Nam Long.

Hàng tháng trời các trinh sát đã lăn lộn nhiều địa bàn, từ Thanh Hóa đến Thái Bình, Nghệ An đến tận Bình Dương, Bình Phước, Công an Thanh Hóa đã xác định đây là không chỉ là đường dây trộm cắp liên tỉnh mà có tính chất xuyên quốc gia. Các đối tượng phía Nam câu kết với các đối tượng trộm cắp ở nhiều tỉnh miền Bắc, miền Trung trộm cắp xe máy Wave, đưa vào Bình Dương, Bình Phước đục lại số khung, số máy, làm giấy tờ giả rồi đưa sang Campuchia tiêu thụ.

“Nắm tình hình, chúng tôi phát hiện các xe trộm cắp được vận chuyển vào phía Nam trên các chuyến xe của nhà xe An Bình. Các đối tượng liên lạc với nhau bằng ám hiệu. Chúng chia địa bàn Thanh Hóa thành 15 điểm vận chuyển, quy ước với nhau bằng con số. Khi có khách, Chiến và Tường sẽ gọi cho nhà xe nói bằng ám hiệu như “khách áo cũ lên số điểm 10 hoặc khách áo mới lên điểm số 6...” là nhà xe tự biết đón ở điểm nào, xe cũ hay mới. Những vị “khách đặc biệt” được đưa đến đúng điểm hẹn, cho lên xe rồi chở vào TP Hồ Chí Minh...” - Thượng tá Lê Khắc Minh cho biết.

Sau khi xác định được thủ đoạn, điều quan trọng nhất các anh đặt ra, đó là không chỉ bắt được đối tượng trộm cắp mà phải bắt được cả người tiêu thụ, triệt phá hoàn toàn đường dây, chính vì vậy, Thượng tá Lê Khắc Minh cùng đồng đội đã nghiên cứu thật kỹ lưỡng, tính toán phương án đấu tranh, đề nghị Cục Cảnh sát hình sự và công an một số địa phương liên quan phối hợp.

Khi có đủ chứng cứ, tài liệu, Công an Thanh Hóa đã quyết định phá án, đồng loạt 5 mũi tấn công tại Thanh Hóa, Bình Phước, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, bắt 11 đối tượng, thu giữ 5 xe máy cùng nhiều vật chứng khác. Từ đó, làm rõ ổ nhóm này đã trộm cắp, tiêu thụ hơn 200 xe máy, bóc gỡ toàn bộ đường dây, từ đối tượng trộm cắp đến vận chuyển, làm giả giấy tờ, thay đổi kết cấu, tiêu thụ tận nước ngoài...

Là người đứng đầu đơn vị đấu tranh với tội phạm hình sự, Thượng tá Lê Khắc Minh đã cùng cấp ủy, lãnh đạo đơn vị làm tốt công tác tham mưu cho Giám đốc xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, chỉ thị, mệnh lệnh, kế hoạch phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm về hình sự.

Từ đó, đơn vị đã tiến hành điều tra, làm rõ hàng trăm vụ án xảy ra trên địa bàn, các vụ án giết người, án đặc biệt nghiêm trọng đạt tỷ lệ điều tra, khám phá 100%; đặc biệt, là đơn vị chủ công đấu tranh hiệu quả với tội phạm “tín dụng đen” với nhiều băng nhóm hoạt động liên tỉnh như băng nhóm “tín dụng đen” núp bóng Công ty Tài chính Nam Long hoạt động ở cả 63 tỉnh, thành phố; chỉ đạo đấu tranh triệt phá và làm tan rã nhiều ổ nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, bắt, xử lý nhiều đối tượng cầm đầu, cộm cán, giữ vững địa bàn, tạo niềm tin cho nhân dân.

Năm 2017-2018, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa được Bộ Công an và Chính phủ tặng Cờ thi đua; từ năm 2016 đến năm 2018 được nhận Bằng khen của Bộ Công an; đặc biệt trong năm 2018, 3 lần được Bộ trưởng Bộ Công an gửi thư khen về thành tích đạt được trong điều tra khám phá các vụ án...

Từ năm 2012 đến nay, Thượng tá Lê Khắc Minh đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; năm 2015 và 2018 được công nhận Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND; được Thủ tướng Chính phủ tặng 2 Bằng khen; Bộ trưởng Bộ Công an tặng 3 Bằng khen; vinh dự được Bộ Công an tuyên dương trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh và học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí  Minh nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Người.

Phương Thủy

Nguồn tin: http://antg.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây