Mặc dù đồng đội phát hiện, đưa lên bờ hô hấp nhân tạo rồi đưa vào bệnh viện cấp cứu, nhưng do bị ngộp nước trong thời gian dài nên Hạ sỹ Lành đã hy sinh... Hạ sĩ Trần Văn Lành ra đi khi tuổi đời còn trẻ, để lại niềm tiếc thương cho người thân, gia đình, đồng chí đồng đội và nhân dân…
1. Tôi đến viếng Hạ sỹ Trần Văn Lành tại ấp Thuận Lợi, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh vào sáng 29-8-2019. Ngoài các đồng chí lãnh đạo, còn có hàng trăm cán bộ chiến sỹ (CBCS) Công an tỉnh Tây Ninh cùng đông đảo bà con nhân dân trong vùng đến thắp nén nhang tri ân sự hy sinh dũng cảm, đồng thời chia sẻ với những mất mát đối với người thân trong gia đình chiến sĩ Trần Văn Lành.
Đại tá Nguyễn Văn To, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Tây Ninh chia sẻ: Khoảng 6 giờ sáng ngày 27-8-2019, một số người dân trong lúc đi chợ đã phát hiện một chiếc xe đạp nằm dưới mép nước bờ kênh Đông nhưng không thấy có người nên đã trình báo Công an xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng. Tiến hành công tác xác minh, Công an xã Đôn Thuận xác định chiếc xe đạp trên là của ông Trần Văn Mượt, SN 1953, ngụ ấp Thuận Lợi.
Ngoài ra, người nhà của ông Mượt còn cho biết ông rời khỏi nhà vào chiều ngày 26-8 trong tình trạng bình thường, không uống rượu, bia, nhưng bản thân ông có bệnh huyết áp cao nên nhiều khả năng trong lúc huyết áp đột ngột tăng gây chóng mặt, mất kiểm soát đã lao xe xuống dòng kênh gây đuối nước.
Hiện trường nơi Hạ sỹ Lành hy sinh. |
Xác định chính xác tên tuổi nạn nhân, Công an xã Đôn Thuận đã báo cáo vụ việc lên Công an huyện Trảng Bàng, nhưng do không có bộ phận chuyên trách về cứu nạn - cứu hộ nên đã đề nghị Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Tây Ninh hỗ trợ.
Nhận yêu cầu, Ban chỉ huy Phòng đã chỉ đạo cho tổ Cứu nạn - Cứu hộ đóng quân ở địa bàn huyện Trảng Bàng đến ngay hiện trường khảo sát địa hình, địa vật và đánh giá tác động của dòng chảy, xoáy nước (do dòng kênh Đông tiếp nhận nước từ hồ Dầu Tiếng và đang trong thời kỳ xả lũ nên nước chảy xiết, tạo ra nhiều xoáy) để tiến hành ngay công tác tìm kiếm nạn nhân.
Cùng thời điểm này, mặc dù đang tổ chức chương trình huấn luyện nâng cao khả năng bơi lặn cho CBCS, nhưng Ban chỉ huy Phòng đã quyết định cho dừng và điều động tất cả (trong đó có Hạ sỹ Trần Văn Lành) xuống hiện trường phối hợp với tổ công tác đóng trên địa bàn huyện Trảng Bàng tạo thành kíp lặn gồm 23 CBCS chia thành nhiều nhóm thay phiên nhau lặn xuống đáy dòng kênh mò tìm nạn nhân.
"Từ khi nhập ngũ, Lành đã thể hiện là chiến sỹ có nghị lực, trách nhiệm và khả năng bơi lội tốt. Sau khóa huấn luyện bài bản về bơi lặn, Lành cùng một số em khác được đánh giá có sự tiến bộ vượt bậc cả về kỹ thuật lẫn thể lực nên được điều động về Đội Cứu nạn - Cứu hộ.
Nhận thấy dòng kênh Đông nơi nạn nhân gặp nạn có dòng nước chảy xiết, xoáy nước cũng diễn biến khá phức tạp nên chúng tôi đã điều động những chiến sỹ có khả năng giỏi nhất xuống hiện trường với mong muốn mọi người sớm hoàn thành công việc và trở về đơn vị đầy đủ.
Tuy nhiên đến 13h30', nhận thông tin từ hiện trường thông báo đồng chí Lành gặp nguy hiểm, tất cả Ban chỉ huy không ai bảo ai, lập tức ra xe trực chỉ hướng huyện Trảng Bàng mà lòng ai cũng nuôi hy vọng không có chuyện xấu nhất xảy ra. Nhưng khi đến hiện trường thì hy vọng của chúng tôi đã bị dập tắt hoàn toàn… bởi Lành đã ra đi mãi mãi…!" - Đại tá Nguyễn Văn To chia sẻ.
Thương tiếc người đồng đội hy sinh, hạ sỹ Phạm Khang Huy ngậm ngùi: "Do cùng nhập ngũ chung một ngày, được phân công nghỉ cùng phòng, lại cùng trang lứa nên hai chúng tôi nhanh chóng trở thành đôi bạn thân thiết. Hôm ấy, sau nhiều đợt lặn mà chưa cho kết quả, đến 13h00' ngày 27-8, nhóm lặn của tôi cùng Trần Văn Lành, Lâm Đại Vỹ, Phạm Thành Lợi, Trần Thế Dũng, phát hiện thi thể ông Mượt đang bị dòng nước chảy xiết cuốn theo hướng trôi về miệng cống của đập nước gần đó nên đã cùng nhau nhảy xuống vớt nạn nhân.
Tuy nhiên, do trải qua nhiều giờ liên tục thực hiện công tác lặn xuống đáy dòng kênh khiến Lành và tất cả anh em trong nhóm đều đã rất mệt nên khi gặp xoáy nước mạnh bất ngờ thì không kịp phản ứng và đã bị cuốn cùng nạn nhân vào trong lòng cống mà không thoát ra được. Thấy Lành gặp nguy hiểm, tất cả thợ lặn đều nhảy xuống tìm kiếm và mãi đến 14h30' mới tìm thấy. Trên đường đưa Lành vào Trung tâm Y tế huyện Gò Dầu cấp cứu, chúng tôi liên tục thực hiện biện pháp hô hấp nhân tạo nhưng không kịp…
Di ảnh Hạ sỹ Trần Văn Lành. |
2. Có mặt tại đám tang Hạ sỹ Trần Văn Lành, không ai cầm lòng nổi trước cảnh bà Ngô Thị Chẻo (mẹ Hạ sỹ Lành) cứ ôm lấy linh cữu con mà khóc nấc lên từng hồi. Thỉnh thoảng bà lại quơ đôi bàn tay chai sạn vuốt ve tấm ảnh chân dung rồi nói trong vô thức: "Mẹ vuốt tóc cho con ngủ ngon nhé…". Phải mất rất lâu, tôi cùng một đồng chí Cảnh sát PCCC mới có thể dìu được bà Chẻo ra bàn ngồi và phải thêm một ít thời gian nữa đợi cho bà tỉnh táo, tôi mới được nghe những lời giãi bày tâm sự từ bà.
Gạt những giọt nước mắt khô cằn còn đọng trên gương mặt khắc khổ, sạm nắng gió, bà Chẻo kể: Ông bà sinh được 3 người con, hai trai, một gái và Lành là con út. Anh chị đều đã lập gia đình và lập nghiệp dưới TP HCM nên năm 2009, khi người cha đột ngột qua đời do cú sốc làm ăn thua lỗ, Lành (khi ấy mới 16 tuổi và đang chuẩn vị vào lớp 10) đã xin mẹ cho được nghỉ học để đi làm thuê cuốc mướn kiếm tiền phụ giúp mẹ trả nợ.
Không muốn con trai phải chịu cảnh quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời như cha mẹ, bà Chẻo lúc ấy đã ôm lấy con trai út khóc rất nhiều rồi động viên con: "Cách phụ giúp mẹ tốt nhất chính là con phải cố gắng học thành tài để sau này thay đổi cuộc sống…". Nghe lời mẹ, Lành tiếp tục phấn đấu trong học tập, nhưng mỗi ngày đều dành một buổi đi rẫy cỏ thuê trong rẫy cao su hoặc làm công nhật cho một vựa củi trong xã để có tiền trang trải học phí, mua sách vở.
Học xong phổ thông trung học, lành dự định ở nhà giúp mẹ, nhưng một lần nữa bà Chẻo lại động viên con đi thi đại học và Lành đã trúng tuyển vào Trường Đại học Công nghiệp TP HCM. Trong suốt bốn năm học tập, Lành tiếp tục dành nửa ngày đến trường, nửa ngày còn lại đi làm thuê trong quán ăn, quán cà phê, với sự nỗ lực của mình, cho đến ngày tốt nghiệp anh không phải xin mẹ một đồng nào.
Năm 2016, tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá, Lành được một công ty trong khu công nghiệp ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An nhận về làm việc. Được một năm, thấy sức khỏe của mẹ có phần đi xuống, Lành đã xin chuyển về làm việc cho một doanh nghiệp trong khu công nghiệp Phước Đông ở gần nhà để có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình.
Bà Ngô Thị Chẻo (mẹ Hạ sỹ Lành) chia sẻ sự mất mát với PV Báo CSTC. |
Đầu năm 2018, Lành đi nghĩa vụ quân sự và phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân. "Lúc đó gia đình tôi rất neo đơn, tôi thì bệnh tật liên miên và chỉ có một mình cháu lo gánh vác chuyện cơm, áo, gạo, tiền và nâng giấc cho mẹ, đồng thời cháu cũng thuộc dạng ưu tiên có thể không đi cũng được nên tôi khá lưỡng lự. Tuy nhiên thấy cháu rất mong muốn được đi, lại bảo rằng chỉ có con đường này mới có thể phát triển tương lai khiến cho tôi thay đổi suy nghĩ quay sang ủng hộ và động viên cháu phải học tập, rèn luyện cho thật tốt để luôn hoàn thành công việc.
Thời gian học tập, rèn luyện và làm việc, cháu thường ở tập trung trong đơn vị, mỗi tháng được về nhà một ngày nên cứ vào dịp cuối tuần tôi lại mua vài chục ngàn tiền đồ ăn mang lên đơn vị để được gặp con. Mỗi tuần như vậy, mẹ con chỉ gặp nhau được một vài tiếng đồng hồ rồi cháu lại phải vào trực, tôi trở về nhà. Cháu sống rất tình cảm và có trách nhiệm nên mỗi ngày 3 lần (sáng, trưa, chiều tối) cháu gọi điện thoại về động viên mẹ cố gắng ăn uống, nghỉ ngơi cho điều độ để bảo đảm sức khỏe… Con tôi đi xa rồi… đi xa mãi mãi thật rồi, tôi biết sống sao đây… Lành ơi dừng bỏ mẹ con ơi…"!
Đến viếng Trần Văn Lành không chỉ có đồng chí, đồng đội, các cấp chính quyền địa phương mà còn có rất đông bà con nhân dân trong xã Phước Đông, đặc biệt còn có rất đông bà con từ các xã Phước Tân, Phước Ninh và cả thị trấn Gò Dầu biết tin cũng tự tìm đến thắp nén hương tri ân với sự hy sinh dũng cảm của anh.
Trong số bà con đến viếng, ông Trần Văn Lẹ (người ngụ cùng xã) cho biết: "Là người cùng ấp nên tôi rất rành về cháu Lành. Từ nhỏ đã là đứa trẻ ngoan ngõan, hiền lành, biết kính trọng người lớn. Đến khi học xong đại học trở về quê làm việc trong khu công nghiệp cũng không tự cao, tự đại mà luôn nở nụ cười chào hỏi mỗi khi gặp người lớn và những người dân trong ấp, xã mà Lành quen biết. Đến khi cháu được đứng trong hàng ngũ Công an, cả ấp ai cũng tự hào…".
12 giờ trưa ngày 29-8-2019, lễ truy điệu Hạ sỹ Trần Văn Lành được cử hành để đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng. Nhìn hàng trăm CBCS Công an tỉnh Tây Ninh cùng đông đảo bà con nhân dân xếp thành nhiều hàng dài đưa tiễn anh như một lời nhắn gửi: anh đã sống trọn với lời thề "Vì nhân dân quên mình".
Đức CươngNguồn tin: http://cstc.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn