Càng nghe câu chuyện về sự nghiệp “chinh chiến” của anh, ngẫm càng thấy đúng với đúc rút: nghề chọn anh chứ không phải là anh chọn nghề.
Trung tá Mai Thống Nhất luôn miệt mài với công việc. |
Duyên Cảnh sát hình sự
Trung tá Mai Thống Nhất từng làm Trưởng Công an xã Bình Hưng 10 năm trời, hiện là Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm thuộc Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Hồ Chí Minh.
Năm 1982, vào công an, anh được phân công trực bảo vệ UBND huyện Bình Chánh, sau đó về trực bảo vệ trụ sở công an huyện. Rồi năm 1984 được điều chuyển về Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) huyện Bình Chánh. Ngày ấy, xe cộ lưu thông không nhiều như bây giờ nên công việc của Đội CSGT chủ yếu là tuần tra đảm bảo trật tự an toàn giao thông tuyến quốc lộ 1 và các tuyến đường trên địa bàn huyện. Thỉnh thoảng anh cũng hỗ trợ Đội CSHS truy bắt đối tượng cướp, cướp giật tài sản.
Nhưng, có lẽ sinh ra để trở thành chiến sĩ CSHS nên trong một lần rất tình cờ và hài hước, anh đã làm cho Ban chỉ huy Công an huyện buộc phải điều anh từ Đội CSGT qua Đội CSHS, thành thành viên của tổ SBC của huyện Bình Chánh được thành lập năm 1987.
Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu trở nên thú vị khi anh kể lại sự tình cờ ấy. Một buổi sáng tháng 6-1987, cũng như mọi ngày, anh có mặt tại đơn vị để cùng tổ CSGT đi làm nhiệm vụ. Khi ra sân anh thấy cả trụ sở đang nhốn nháo. Đối tượng cướp giật tên thường gọi là Quý “Heo” mới bị bắt đêm trước đang tỏ ra manh động. Y tự luồn chân qua tay bị còng rồi leo lên lầu 3 để yêu cầu thả, nếu không sẽ nhảy lầu tự tử.
Trở lại sau ca trực CSGT, anh thấy nhiều xe khách được xếp bên dưới để phòng đối tượng nhảy xuống thì giảm bớt thương tích. Ban chỉ huy Công an huyện ra sức thuyết phục nhưng đối tượng vẫn rất manh động, lớn giọng “thằng nào lên đây, tao nhảy...”.
Quan sát nhanh ước lượng khoảng cách, địa hình, Mai Thống Nhất mạnh dạn đề xuất đồng chí Trưởng Công an huyện: “Để con giải quyết cho!”. Nghe anh nói sơ phương án bắt đối tượng, Ban chỉ huy Công an huyện đồng ý để anh xử lý. Anh lên lầu 4, sau đó bay người xuống tung đòn đạp ngã Quý vào phía trong. Cùng lúc cán bộ Đội CSHS đón sẵn đã nhào ra cùng khống chế đối tượng. Tập võ từ nhỏ và anh “ra đòn” rất nhanh trước sự sững sờ của cả công an huyện.
Trung tá Mai Thống Nhất khi còn là lính SBC. |
Một tuần sau anh nhận được quyết định chuyển qua Đội CSHS, biên chế là thành viên tổ SBC. Ngoài giỏi võ, anh còn là tay lái cừ khôi, bắn súng điêu luyện... Sau một thời gian làm trong tổ SBC, anh cùng đồng đội đã bắt được nhiều đối tượng trộm cắp, cướp giật tài sản, nhất là tại khu vực bến xe miền Tây, nơi nạn móc túi và cướp tài sản xảy ra liên tục, gây hoang mang dư luận. Khả năng săn bắt cướp “bẩm sinh” của anh được cấp trên và đồng đội thừa nhận, thán phục.
Năm 2002, anh được phân công về làm Phó Trưởng Công an xã Bình Hưng Hòa, nơi có nghĩa địa Bình Hưng Hòa hết sức phức tạp về an ninh trật tự. Năm nào vào ngày chạp mả (25 tháng Chạp âm lịch) tại nghĩa địa Bình Hưng Hòa cũng bị mất hàng chục chiếc xe máy. Nhưng từ khi anh được điều động về địa bàn, không xảy ra mất một chiếc xe nào. Nắm vững địa bàn, nhớ mặt biết tên, biết nhà từng đối tượng, anh đã “dẹp loạn” khu vực này, biến địa bàn phức tạp thành yên ổn sau chỉ một năm.
Trước khi chia tách huyện Bình Chánh vào năm 2003, anh được điều động về làm Phó Đội trưởng Đội CSHS Công an huyện. Đến năm 2005, anh lại nhận quyết định làm Trưởng Công an xã Bình Hưng thuộc huyện Bình Chánh. Bình Hưng đang là địa bàn vô vùng phức tạp do là nơi tập trung người dân thuộc các quận 4, quận 8... sinh sống ven kênh rạch thuộc diện bị giải tỏa tụ về tái định cư.
Cảnh sát Hình sự Công an TP Hồ Chí Minh thu giữ dụng cụ ép ma túy tại nơi ở của các đối tượng trong vụ án do Vũ Trọng Nghĩa cầm đầu. |
Thời điểm này, riêng xã Bình Hưng chiếm trên 40% số vụ phạm pháp hình sự của cả huyện. Trong đó, khu dân cư Trung Sơn là điểm nóng về trộm cắp, cướp giật tài sản và cũng là nơi trú ngụ của nhiều đối tượng phạm pháp. Sau khi gây án ở nơi khác, các đối tượng tội phạm thường tẩu thoát về xã Bình Hưng để tiêu thụ tài sản và lẩn trốn. Địa bàn này lại cách xa trụ sở công an xã, ban đêm nhiều đoạn đường không có đèn nên rất thuận lợi cho đối tượng xấu “ra tay” khi phát hiện “con mồi”.
Với kinh nghiệm nắm chắc các địa bàn “nóng” và quyết tâm lập lại trật tự, anh đã đề xuất cho thành lập các tổ dân quân tự vệ, trực 24/24 tại những địa bàn phức tạp. Chỉ sau chưa đầy 1 năm, tình hình an ninh trật tự tại xã Bình Hưng đã giảm đến mức bất ngờ.
Sau gần 10 năm công tác, anh đã củng cố lực lượng Công an xã Bình Hưng và tình hình an ninh trật tự ở đây luôn được giữ vững ổn định, các đối tượng phạm tội đều bị bắt, xử lý trước pháp luật. Tháng 3-2016, anh rời Bình Hưng, nhận quyết định giữ vị trí Đội trưởng Đội CSHS đặc nhiệm (Đội 3) thuộc Phòng CSHS Công an TP Hồ Chí Minh.
Dấu ấn người thủ lĩnh
Cương vị mới, trách nhiệm của anh càng lớn. Lo lắng, song với tinh thần trách nhiệm cao, với lời hứa trước lãnh đạo, cùng với sự hỗ trợ, động viên của Ban chỉ huy Phòng CSHS và gia đình, anh nhanh chóng “nhập cuộc” với vai trò mới.
Chỉ sau 3 năm công tác ở vị trí Đội trưởng Đội CSHS đặc nhiệm, anh cùng 2 đội phó kỳ cựu là Trung tá Lưu Duy Thắng và Thiếu tá Nguyễn Xuân Lành cùng anh em trinh sát đã lập được nhiều chiến công: truy bắt gần 50 băng nhóm cướp giật manh động lớn nhỏ; năm 2017 triệt phá thành công vụ án sản xuất, chế tạo, mua bán súng quân dụng với quy mô lớn do Nguyễn Hồng Phúc (33 tuổi, quê Vĩnh Long, tạm trú tỉnh Bình Phước) cầm đầu, bắt 9 đối tượng; tháng 1-2018 triệt phá và thu giữ gần 3 xe tải vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ của cặp vợ chồng Phạm Thành Long (34 tuổi) và vợ là Vũ Thị Diệp (28 tuổi), cùng ngụ huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh cầm đầu; phối hợp với các đội nghiệp vụ truy xét và truy bắt các đối tượng tham gia trong vụ ném bom trước trụ sở Công an phường 12 (quận Tân Bình); bắt đối tượng Nguyễn Tấn Tài (Tài “mụn”, 24 tuổi, ngụ quận 12) trong vụ gây tử vong và thương vong đối với các hiệp sĩ đường phố; phá đường dây lừa tuyển dụng lao động bán vào các tụ điểm mại dâm trá hình và giải cứu 13 nạn nhân; tham gia cùng các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an triệt phá nhiều chuyên án lớn về hình sự, ma túy...
Nhiều đối tượng rất ngoan cố nhưng khi gặp anh là cúi đầu nhận tội. “Mình nhìn là biết người nào là tội phạm nên chỉ cần đánh đúng tâm lý và nói cho người đó biết phải trái, họ sẽ nhận tội”, Trung tá Mai Thống Nhất tâm sự.
Cảnh sát Hình sự Công an TP Hồ Chí Minh bắt đối tượng Nguyễn Hữu Tình, kẻ gây ra vụ án giết người tại quận Bình Tân. |
Khi nói về Trung tá Mai Thống Nhất, Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng Phòng CSHS nhận xét: “Anh ấy là một người CSHS có nghiệp vụ giỏi, chuyên môn giỏi, yêu lính, lối sống đạo đức, tâm huyết với nghề, có trách nhiệm với công việc và quên thân vì nhiệm vụ...”.
Chúng tôi hỏi Trung tá Mai Thống Nhất, điều gì anh cảm thấy hài lòng nhất trong thời gian công tác trong lực lượng. Anh nói: “Nói thật, trong 38 năm qua, nhờ có bà xã quán xuyến gia đình, con cái mà tôi mới toàn tâm toàn ý cống hiến cho lực lượng, hoàn thành nhiệm vụ. Còn trong quá trình công tác, cũng nhờ sự hỗ trợ, động viên, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo từ khi tôi mới bước chân vào ngành mà tôi có thể hoàn thành được nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất.
Đặc biệt là khi về Đội CSHS đặc nhiệm công tác, nếu không có sự quan tâm sâu sắc, nắm bắt tâm lý của anh em cũng như chỉ đạo giao đúng người, đúng việc của Thượng tá Nguyễn Đăng Nam (Trưởng Phòng) thì không riêng gì tôi mà các chiến sĩ trong đơn vị cũng khó có thể hoàn thành nhiệm vụ, phá được nhiều vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng trong những năm gần đây”.
Khi hỏi về những trăn trở, anh trầm tư nói: “Mong là khi mình về hưu, Ban chỉ huy sẽ tìm được người có nghiệp vụ chuyên môn giỏi, có đạo đức, có tâm huyết với công việc, xử lý tình huống trong gia đình thật khéo để không ảnh hưởng đến công việc chung. Bên cạnh đó, cần đào tạo, tuyển thêm lớp trẻ kế thừa ngay từ khi các em còn học trong trường. Tạo cho các em sự nhiệt huyết, tinh thần quả cảm vì nhiệm vụ trước khi các em chính thức nhận công tác”.
Theo anh, đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố, tình hình tội phạm đã được kéo giảm rất nhiều. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, công an vẫn phải tiếp tục tuần tra kiểm soát, quản lý đối tượng và địa bàn thật tốt, thêm vào đó phải thường xuyên tương tác với người dân, với báo chí để nắm bắt và thông tin kịp thời các vụ việc.
Các đối tượng ném bom vào trụ sở Công an phường 12 (quận Bình Tân). |
Các ban, ngành, đoàn thể cần chung tay phòng chống tội phạm, không thể ỷ lại hết vào cơ quan Công an. Chính quyền cần tích cực nghĩ kế tạo công ăn việc làm cho người dân, hạn chế cấp phép kinh doanh những ngành nghề nhạy cảm dễ dẫn đến phạm tội. Có sự đồng bộ như vậy thì mới mong giữ vững được an ninh trật tự.
Đại úy Nguyễn Văn Cần, cán bộ Đội CSHS đặc nhiệm cho biết, trong công việc, Trung tá Mai Thống Nhất rất nghiêm và luôn động viên cán bộ chiến sĩ nỗ lực. “Trung tá Mai Thống Nhất luôn như là người thân trong gia đình. Làm việc chung với anh ấy, chúng tôi học hỏi được rất nhiều cả về nghiệp vụ và lẽ sống”.
Hiện tại, con trai anh đang công tác trong lĩnh vực hàng không, con gái cũng đang là thượng úy, công tác tại Công an quận 11. Cả gia đình đều tận hiến cho công tác bảo vệ an ninh trật tự. Gần 40 năm qua, hầu như ngày nào anh cũng đến cơ quan trước 8h sáng và thường về nhà sau 8h tối. Anh đã trải qua một quá trình học hỏi và hoàn thành nhiệm vụ bằng cả niềm đam mê, lòng trung thành và tinh thần trách nhiệm cao.
Giờ đây, dấu ấn của Trung tá Mai Thống Nhất trong tâm trí của cán bộ chiến sĩ Công an TP Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng để anh em đồng đội thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Nguyễn Cảnh - Lê NhưNguồn tin: http://antg.cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn