Một con người của đồng bào Ê Đê

Thứ năm - 21/12/2017 11:26
Lúc chia tay với Thiếu tá Y Then Niê, Ðội phó Ðội điều tra và các cán bộ Phòng An ninh điều tra (ANÐT) Công an tỉnh Ðắk Lắk, Y Năk Ivie bùi ngùi chẳng muốn rời bước... Tình cảm chân thành của người cán bộ an ninh đã giúp cảm hóa một người từng có thời lầm đường lạc lối, từ công việc họ đã trở nên gắn bó thân thiết với nhau.


Trong những phút bốc đồng kích động, lại bị lôi kéo bởi các đối tượng có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, muốn chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ chính quyền với nhân dân, Y Năk Ivie (trú tại Eakar, Đắk Lắk) đã có những suy nghĩ lệch lạc. Cùng một số đối tượng, anh ta trốn vào rừng, trông chờ sự giúp đỡ của người nước ngoài và chờ cơ hội sang nước thứ ba định cư... 

Sau khi Y Năk Ivie bị bắt, khởi tố và tạm giam, Thiếu tá Y Then Niê là người được giao nhiệm vụ đấu tranh, cảm hóa với anh ta. Trong quá trình làm việc, người cán bộ an ninh đã nhận thấy những điểm tốt trong người đàn ông lầm đường, lạc bước này. Y Năk Ivie được ăn học đến nơi đến chốn và đã có những đóng góp nhất định cho quê hương. Vì thế, trong quá trình tiếp xúc với bị can, Thiếu tá Y Then Niê gần gũi, phân tích giúp cho anh ta hiểu rõ luận điệu, âm mưu của các thế lực bên ngoài. 

Mưa dầm thấm lâu, sau khi hiểu ra, Y Năk Ivie đã chấp hành nghiêm chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật; đồng thời trở thành tuyên truyền viên tích cực cho người đồng bào, không nghe theo luận điệu của các thế lực thù địch. Y Năk Ivie chỉ là một trong các trường hợp được Thiếu tá Y Then Niê và các cán bộ Phòng ANĐT Công an tỉnh Đắk Lắk cảm hóa thành công.

Một con người của đồng bào Ê Đê
Thiếu tá Y Then Niê trong một ngày làm việc.

Cũng bởi lý do đó mà trong những năm qua, Thiếu tá Y Then Niê  luôn được lãnh đạo tin tưởng, giao thụ lý, điều tra các vụ án liên quan đến việc phá hoại chính sách đoàn kết. Ngoài việc thông thuộc thổ ngữ, am hiểu phong tục tập quán..., còn phải kể đến sự say nghề, trách nhiệm công việc của người cán bộ trẻ đối với nhiệm vụ được giao.

Chàng trai Ê Đê gây ấn tượng đặc biệt với chúng tôi bởi phong cách đặc trưng của người con Tây Nguyên, sinh ra và lớn lên ở vùng đất đầy nắng và gió, hào sảng nhưng cũng rất đỗi phóng khoáng và gần gũi. Anh mở đầu câu chuyện bằng ký ức tuổi thơ trong sáng; niềm đam mê cháy bỏng với con chữ. 

“Cũng như bao gia đình khác, sau ngày giải phóng, cuộc sống của người dân tái định cư còn muôn vàn khó khăn, gia đình tôi cũng vậy”, Y Then Niê nhớ lại. 

Sau những giờ học ở trường, Y Then Niê lại cùng đám bạn bè trong buôn nô đùa dưới tán cây Kơ-nia sau nhà. Lúc đó, những đứa trẻ như Y Then Niê còn phải học ghép với các lớp, giáo viên là người đồng bào, nói tiếng phổ thông còn không chuẩn, rồi giảng bài cũng bằng tiếng địa phương nên đến lớp 5 mà Y Then Niê tả con trâu cũng không nổi vì vốn từ rất ít. 

Thời gian đó, điện chưa có nhưng tối nào cậu bé người Ê Đê cũng chong đèn dầu ngồi học đến khuya. Cậu học trong cả những lúc chăn trâu, cắt cỏ hay làm rẫy, làm nương...

Rồi ước mơ ngày nào của cậu bé đã trở thành hiện thực, Y Then Niê là sinh viên người dân tộc Ê Đê đầu tiên đậu vào Trường đại học An ninh. Biết mình không bằng chúng bạn nên ngay từ ngày đầu nhập học, cậu đã nỗ lực hơn các bạn và năm nào cũng luôn đạt loại khá. 

“Khi tôi đang học năm thứ 3 đại học thì tình hình an ninh trật tự ở Tây Nguyên diễn biến phức tạp, sinh viên của trường được đặc cách đi thực tập sớm”, Thiếu tá Y Then Niê nhớ lại. 

Để chuẩn bị cho chuyến công tác đặc biệt đó, Y Then Niê soạn thảo cẩm nang tiếng Ê Đê để giúp các bạn cùng khóa, không khỏi bỡ ngỡ khi xuống cơ sở. Trong cuốn sổ tay đó là những kiến thức cơ bản như khi xuống  người dân thì chào hỏi ra sao; việc ăn uống như thế nào? 

Bên cạnh đó, anh còn dạy tiếng Ê Đê cho các bạn cùng khóa có nhu cầu muốn học hỏi. Ban đầu chỉ là tự phát, sau đó Ban chấp hành Đoàn trường đã phát triển, tổ chức thành các câu lạc bộ nội bộ để học tiếng một số dân tộc, nhằm đáp ứng yêu cầu công tác sau này ở vùng đồng bào. 

Thiếu tá Y Then Niê tiếp lời: Điều tra án vốn là mảng việc phức tạp. Các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia thì việc phá án lại đòi hỏi những yêu cầu riêng. 

Trong các vụ án liên quan đến đến việc phá hoại chính sách đoàn kết, luôn có sự cấu kết chặt chẽ giữa đối tượng cầm đầu trong tổ chức phản động lưu vong; tổ chức phản động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và có sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch. Trong trường hợp này, đối tượng lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân tộc thiểu số để hoạt động... Bắt giữ đối tượng nào, bắt giữ vào thời điểm nào đều là những lần cân não của các điều tra viên. 

Bắt giữ đối tượng đã khó, đấu tranh để chúng khai nhận hành vi phạm tội còn gian nan hơn nhiều. Đối tượng có tâm lý sợ bị tội nặng, tù lâu nên thái độ khai báo luôn quanh co. Trong trường hợp ấy, Y Then Niê và đồng đội phải sử dụng nhiều phương án, có lúc hỏi thẳng vào vấn đề nhưng  có khi vừa củng cố lời khai lại vừa cảm hóa, giáo dục đối tượng. 

Tâm sự với chúng tôi, Đội phó Đội điều tra chia sẻ: “Mỗi đối tượng có diễn biến và biểu hiện tâm lý khác nhau. Song để thành công, ngay trong buổi đầu tiên, điều tra viên phải thiết lập được mối quan hệ tốt với các đối tượng, từ đó tạo niềm tin của họ đối với các điều tra viên”.

Được nghe tâm sự của  Đội phó Y Then Niê, chúng tôi thêm hiểu về công việc của một cơ quan tố tụng duy nhất trong lực lượng an ninh. Với Y Then Niê, bên cạnh sự thuận lợi nhờ thông thuộc về ngôn ngữ, phong tục tập quán của người đồng bào thì đôi lúc điều đó cũng là một rào cản với anh trong quá trình tác nghiệp. 

Một số trường hợp khi bị triệu tập làm việc đã hỏi Y Then Niê rằng, sao lại yêu cầu anh em khai báo? Tại sao là lại không nghe theo người đồng bào. Khi ấy, anh phải giải thích, phân tích cho họ thấy những đổi thay về kinh tế, xã hội của đất nước, của Tây Nguyên; chỉ ra những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. 

Để tác động, chuyển hóa về tư tưởng không thể làm được trong ngày một ngày hai... Thông qua công tác điều tra các vụ án, các đợt tình nguyện hướng về cơ sở và trong quá trình đấu tranh với đối tượng, anh và đồng đội đã lồng ghép các nội dung tuyên truyền, giúp người dân nhận thức sâu sắc; đề cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và tổ chức phản động Fulro. 

Để mỗi vụ án được làm sáng tỏ, khiến đối tượng “tâm phục, khẩu phục”, trong quá trình đó, anh luôn đấu tranh với chính mình để tìm các chứng cứ buộc tội và gỡ tội. Họ khai như thế đúng hay chưa, đối tượng còn bao biện điều gì đó, là những câu hỏi luôn đặt ra đối với người đội phó, trước mỗi vụ án, mỗi phần việc được lãnh đạo phân công.

Cùng với cán bộ Phòng ANĐT Công an tỉnh Đắk Lắk, Thiếu tá Y Then Niê đã tham gia nhiều vụ án liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phạm khác theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự và Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự như: tàng trữ mua bán trái phép vật liệu nổ, vũ khí quân dụng, lưu hành tiền giả... Mỗi vụ án lại có những khó khăn và yêu cầu đòi hỏi riêng.

Nếu như các vụ án liên quan đến phá hoại chính sách dân tộc đòi hỏi bản lĩnh của các điều tra viên thì các vụ việc liên quan đến vật liệu nổ đòi hỏi các điều tra viên phải chứng minh được ý thức chủ quan của các đối tượng và thu giữ vật chứng. 

Trong thời gian qua, tình trạng sử dụng vật liệu nổ tự chế trên địa bàn diễn biến phức tạp. Các đối tượng mua tiền chất ở bên ngoài như thuốc trừ mối, muỗi, trộn với phân và một số hóa chất khác để sản xuất vật liệu nổ, sử dụng trong cuộc sống hằng ngày như đào giếng, nổ đá, săn bắt và mua bán kiếm lời. 

Trong những vụ án như thế này, nhiệm vụ của các anh là phải chứng minh được ý thức chủ quan của đối tượng. Nhiều trường hợp sau khi bị bắt giữ thì khai rằng sản xuất chỉ để phòng ngừa sâu, bệnh cho cây trồng. Các đối tượng có một quy ước “ngầm” không bao giờ khai ra nguồn gốc của hàng hóa. Một số đối tượng còn sử dụng tên giả để thực hiện hành vi phạm tội nên việc điều tra, bắt giữ các đối tượng gặp không ít khó khăn.

Quá trình điều tra vụ án chế tạo, tàng trữ, vận chuyển trái phép vật liệu nổ xảy ra tại địa bàn huyện Eakar, tỉnh Đắk Lắk, đây là vụ án xảy ra ở địa bàn phức tạp về trật tự an toàn xã hội, để lại cho người cán bộ Ê Đê nhiều kỷ niệm khó quên. 

Đối tượng tham gia vào vụ án là Phạm Văn Đạt (SN 1968, trú tại Đắk Lắk), trong quá trình sinh sống tại địa phương, Đạt nắm bắt được nhu cầu của người dân về thuốc súng. Bản thân anh ta cũng là người hiểu biết về thuốc nổ nên đã mua nguyên liệu về chế tạo vật liệu nổ bán kiếm lời. Khi Đạt đang vận chuyển hàng hóa giao bán thì bị Công an huyện Eakar phát hiện và bắt giữ. Thế nhưng, vấn đề là đối tượng không nhận tội. 

Sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ án, Thiếu tá Y Then Niê cùng đồng đội đã mất một thời gian dài thu thập chứng cứ. Trong vụ án này, khó khăn nhất là xác định đây có phải là vật liệu nổ hay không, từ đó mới có căn cứ chứng minh hành vi phạm pháp luật của đối tượng. Với kết luận giám định xác định đây là thuốc nổ và các tài liệu Cơ quan ANĐT thu thập được, đối tượng Đạt cuối cùng đã tâm phục, khẩu phục.

Cùng với những người đồng chí, đồng đội; dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo đơn vị, Thiếu tá Y Then Niê đã góp phần vào thành tích chung của đơn vị. Phòng ANĐT Công an tỉnh Đắk Lắk gần 20 năm đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng; được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, cùng nhiều bằng khen của Chính phủ, Bộ Công an, UBND tỉnh...

Xuân Mai

Nguồn tin: http://cstc.cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây