Con nhà tông
Là người con của vùng đất Kinh Bắc, Duy sinh ra trong gia đình có truyền thống làm phù điêu. Ông ngoại của anh là một nghệ nhân nổi tiếng khắp xứ Kinh Bắc ngày xưa, nên học trò từ khắp nơi đổ về học nghề nườm nượp. Trong số học trò đó, có một người vô cùng xuất sắc, vừa được thầy truyền cho một họa tiết vào hôm nay, thì ngày mai đã có thể thay thầy đứng lớp truyền lại cho các bạn khác. Đó chính là cha anh.
Được thừa hưởng dòng máu nghệ thuật cả từ cha lẫn ông ngoại, từ nhỏ Duy đã tỏ ra rất có năng khiếu trong lĩnh vực đắp tượng, làm phù điêu. Khi 9 - 10 tuổi, hàng ngày cùng các bạn chăn trâu ngoài đồng, Duy tranh thủ những lúc rảnh rỗi cạy đất sét nhào nặn thành tượng trâu bò, sư tử, hổ báo, rồng phụng…
Sau đó, được mẹ dẫn đi lễ chùa Duy lại say mê hình tượng những ông bụt, bồ tát ở trong chùa. “Nhìn hình tượng ông bụt rất hiền từ khoan dung, trong lòng tôi rất thanh thản an bình, tôi nghĩ mình sẽ cố gắng rèn luyện và học tập để sau này có thể làm được một nghề có tâm lương thiện để giúp đời giúp người”, Duy kể.
Và từ đó Duy lại có thêm đề tài để nặn tượng. Cậu nặn đất sét thành những mái chùa, rồi nặn hình những ông bụt bỏ vào bên trong. Dù chưa được ai chỉ dạy, nhưng những bức tượng đất sét cậu bé Duy chăn trâu nặn ra lại sống động và có hồn y như thật. Bọn trẻ chăn trâu thấy tượng Duy nặn ra quá đẹp nên cũng học theo Duy, bỏ các trò nghịch phá của trẻ chăn trâu quay sang trò nặn tượng đất sét.
“Nhờ trò nặn tượng mà tôi và lũ bạn chăn trâu không còn quậy phá, trở nên lành tính hơn. Và qua những bức tượng ông bụt, mái chùa, con trâu… chúng tôi thấy yêu hơn quê hương đất nước”, Duy nhớ lại.
10 năm học nghề
Đến năm 13 tuổi, Duy bắt đầu được cha và anh dắt theo các công trình để học nghề gia truyền. Buổi sáng Duy đi học, chiều lại theo bố và anh đến các công trình tâm linh cần mẫn học làm phù điêu đắp nổi, khi ấy chủ yếu là cải đắp các hoa văn, họa tiết, linh vật trong đình chùa, miếu mạo.
Vốn là người sáng dạ lại rất có năng khiếu và tràn đầy đam mê nhiệt huyết với nghề, sau hơn 10 năm theo cha anh học hỏi và hơn 15 năm truyền nghề, tạo nghiệp, đến nay Duy đã trở thành doanh nhân, nghệ nhân điêu khắc, tu bổ, tạo dựng các công trình văn hóa tâm linh có tiếng trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh. Tất cả những công trình anh tham gia đều được nhà đầu tư và các chuyên gia trong ngành đánh giá cao.
Nghệ nhân Duy tâm sự: “Ngay từ khi còn nhỏ, được xem bố và anh làm phù điêu ở đình chùa, tôi sớm lĩnh hội được nét tinh hoa của hội họa và điêu khắc từ nghệ thuật dân gian. Tôi say mê với những nét vẽ mềm mại, hình khối uy nghi của đền thờ miếu mạo từ lúc nào cũng không hay. Đặc biệt, tất cả những gì liên quan đến nghệ thuật truyền thống đều có một sức hút mãnh liệt với tôi. Vì vậy, tôi sớm chọn cho mình con đường tiếp bước và phát triển nghề của cha anh”.
Tôi thắc mắc, trong khi những nghề truyền thống khác thường chỉ truyền trong nhà (gia truyền) và truyền cho con trai cả là chính, thì ông ngoại của Duy lại truyền nghề cho con rể cả (cha Duy), và cha Duy lại truyền nghề cho anh là con út. Duy trả lời: “Thật ra ông tôi truyền nghề cho tất cả học trò, nhưng chỉ bố tôi là lĩnh hội được hết và có điều kiện để lưu giữ và phát triển. Cũng như vậy, bố tôi truyền nghề cho tất cả người con và những người đến học, nhưng anh cả tôi bận phải cáng đáng việc gia đình, chăm lo cho các em nên không đủ thời gian phát triển nghề. Với lại, tôi nhờ có năng khiếu và đam mê mạnh mẽ hơn cả nên đã giữ được nghề và phát triển đến ngày nay”.
Tay khéo, tâm thiện
Theo kinh nghiệm của nghệ nhân Duy, để đắp, tu bổ, tôn tạo, phục hồi các công trình văn hóa tâm linh cho đúng và đẹp thì người làm phải am tường về lịch sử, đặc trưng văn hóa của mỗi thời và mỗi vùng. Làm công việc liên quan đến văn hóa tâm linh, không cho phép có sự nhầm lẫn. Bởi nếu nhầm thì đời con cháu xem lại công trình đó cũng sẽ nhầm. Như vậy là hỏng hết suy nghĩ của bao thế hệ, phụ lại công lao quý báu của ông cha...
Anh cho biết, các hoa văn, họa tiết của mỗi vùng miền đều khác nhau, chẳng hạn miền Nam sẽ có nét phóng khoáng, miền Trung mà đặc biệt là Huế sẽ có nét lễ nghi của triều đình, nhưng tất cả đều chỉ là sự “biến tấu” từ cái nền văn hóa của dân tộc, từ cái nôi văn hóa truyền từ Kinh Bắc xuống. Khi ông cha ta mở cõi về Nam, thì những nét văn hóa, cũng như các hoa văn họa tiết truyền thống cũng theo đó được lan truyền. Dù có biến tấu, nhưng về cơ bản là giống nhau.
Ngoài việc phải có năng khiếu đặc biệt và lòng say mê, Duy chia sẻ điều quan trọng nhất một nghệ nhân điêu khắc, tu bổ, tạo dựng các công trình văn hóa tâm linh phải có, đó chính là tâm hướng thiện. “Tâm phải thiện mới có thể tạo ra được các tác phẩm tâm linh vừa có Thần vừa có Thiêng, có sức lan tỏa thiện tâm đến người chiêm bái”, nghệ nhân Duy cho biết.
Trong mỗi công trình, anh luôn cố gắng làm toát lên cái Thần và cái Thiêng của công trình, cảm nhận được sự linh thiêng và tôn kính, tự hào về vẻ đẹp của dân tộc…
Với tài năng cùng danh tiếng của nghệ nhân Duy, Công ty Cổ phần Tu bổ, Tôn tạo và Xây dựng Duy Linh thành lập năm 2012 do anh làm giám đốc luôn duy trì và phát triển vững mạnh, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 200 lao động với thu nhập bình quân hơn 10 triệu đồng/người/tháng. Duy chia sẻ về ý nghĩa tên công ty: Duy chính là duy trì, tôn tạo; Linh chính là văn hóa tâm linh; đồng thời Duy Linh còn là tên của anh và con anh.
Nghệ nhân Duy chia sẻ, nhờ đam mê và luôn làm việc với tất cả cái tâm, nên từ khi thành lập công ty đến nay, mỗi năm tôn tạo tu bổ khoảng 50 công trình, nhưng Công ty Duy Linh chưa bao giờ phải đi “xin việc”, mà đều do đối tác tự tìm đến nhờ “tiếng lành đồn xa”.
Niềm vui và sự đam mê
Không chỉ dừng lại ở những thành tích cá nhân, đóng góp của nghệ nhân Duy còn là việc truyền nghề rất nhiệt tình cho học trò là người địa phương và cả những tỉnh, thành lân cận. Đến nay, anh đào tạo và nâng cao tay nghề cho hàng trăm lao động. Trong số đó, có một số người đã mạnh dạn mở cơ sở riêng và thành đạt với nghề. Đó chính là cái vui thứ nhất của nghệ nhân Duy.
Cái vui thứ hai, là qua công việc tu bổ tôn tạo các công trình tâm linh, Duy đã nhìn thấy sự phát triển giàu mạnh của đất nước. Cụ thể, số đối tác nhờ Công ty Duy Linh xây dựng, tôn tạo nhà thờ họ ngày càng nhiều. Đó chính là bằng chứng cho thấy người dân ngày một khá giả hơn, và “phú quý sinh lễ nghĩa”, chú trọng hơn đến việc thờ cúng tôn vinh dòng họ. Nhà thờ họ còn góp phần gắn bó, nâng cao đoàn kết trong dòng họ.
Ngoài ra, nghệ nhân Duy còn tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, nhân đạo như: Ủng hộ quỹ vì người nghèo, ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa cùng một số đình, chùa… Năm 2016, nghệ nhân Duy cải tạo, xây dựng nhà ở tình nghĩa trị giá 450 triệu đồng ở xã huyện Tiên Du… Năm 2017, Công ty Duy Linh đã dành 3 tỷ đồng trích từ doanh thu, tiền lương và đóng góp tự nguyện của CB-CNV công ty để làm từ thiện. Kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7, Duy Linh hỗ trợ một số gia đình chính sách tại Do Linh, Quế Anh; tặng 25 triệu đồng tiền mặt cho một thương binh cao niên…
Với nghệ nhân Duy, công việc tu bổ tôn tạo các công trình văn hóa, tâm linh không chỉ là vì tài chính, vì niềm vui mà quan trọng nhất đó chính là sự đam mê của anh. “Ngoài thời gian ngủ tôi đều dành cho công việc. Công việc chính là niềm đam mê. Đam mê của tôi chính là được làm nghề. Sáng trưa chiều tối tôi đều mải mê với công việc, không bao giờ biết chán”, nghệ nhân Duy tâm sự.
Ghi nhận những đóng góp của nghệ nhân Đặng Đình Duy, năm 2011, anh được Trung ương Hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Bàn tay vàng; năm 2012, được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam; năm 2013, được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân “Điêu khắc, tu bổ, tạo dựng các công trình văn hóa tâm linh” cùng nhiều phần thưởng cao quý của các ban, ngành, địa phương. Tại lễ tôn vinh doanh nghiệp, sản phẩm tiêu biểu và cá nhân điển hình tiên tiến hồi đầu năm, nghệ nhân Đặng Đình Duy vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh trao tặng Bằng khen “Cá nhân tiên tiến điển hình có thành tích xuất sắc trong giai đoạn 1997-2017”.
Trong thời gian tới, nghệ nhân Duy cho biết anh sẽ tiếp tục bảo tồn, duy trì và hướng nghiệp cho các CB-CNV trẻ; tạo công ăn việc làm cho người lao động (200 người). Xa hơn, anh cho biết sẽ tiếp cận tới một số đối tác nước ngoài, đặc biệt là Việt kiều để có thể mang nét văn hóa kiến trúc của Việt Nam ra nước ngoài.
Tác giả: Nguyễn Hà Anh
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn