Cầu Ngói chợ Thượng, thuộc thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, Nam Trực, tỉnh Nam Định, là một trong 3 cầu ngói có tuổi đời hàng trăm năm ở Nam Định. Cầu Ngói chợ Thượng cũng đã được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2012.
Đi cùng thời gian, cầu Ngói chợ Thượng bị xuống cấp, nên được UBND xã Bình Minh đã cho tiến hành tu sửa lại cây cầu. Tuy nhiên, đơn vị tu sửa được thuê đã trát lại vuông phẳng, sơn mới màu giả đá lên toàn bộ phần cổng cầu Ngói chợ Thượng, làm biến mất toàn bộ phần hoa văn độc đáo, nét rêu phong, cổ kính của cây cầu cổ kính này...
Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Nam Định cho biết, trước sự việc cây cầu Ngói chợ Thượng, trong quá trình tu sửa đã bị làm mới, sai lệch so với kết cấu ban đầu, Sở VH-TT&DL tỉnh Nam Định đã yêu cầu các đơn vị liên quan phục hồi lại theo nguyên mẫu.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Nam Định cho biết: “Ngay sau khi biết thông tin, phía Sở đã yêu cầu Trưởng, Phó Ban Quản lý Di tích và danh thắng về thôn Thượng Nông kiểm tra. Đúng là Cầu Ngói chợ Thượng bị sửa như mới, quá sai so với nguyên trạng, làm mất hết hoa văn, màu sắc và dáng vẻ cổ kính. Phía Sở đã yêu cầu địa phương phải khẩn trương khắc phục, trả lại nguyên trạng di tích. Hiện nay, cầu Ngói chợ Thượng đang được khắc phục lại nguyên trạng, khoảng 1 hoặc 2 ngày nữa sẽ xong”.
Vào năm 2019, phần mái ngói cầu xuống cấp, hỏng dột, Sở VH-TT&DL tỉnh Nam Định đã trình và được Bộ VH-TT&DL duyệt hỗ trợ 200 triệu đồng tu sửa để thay ngói, rui, mè cũ. Ban Quản lý Di tích và danh thắng tỉnh Nam Định đã thuê đơn vị thi công tiến hành sửa chữa và phục dựng đúng theo kết cấu ban đầu.
Cầu Ngói chợ Thượng được xây dựng từ thời Hậu Lê, với sự đóng góp công đức của bà chúa Nguyễn Thị Ngọc Xuân, cung phi của chúa Trịnh. Cầu có kết cấu “thượng gia, hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu) giống Chùa Cầu ở Hội An. Mố cầu được xây dựng hoàn toàn bằng đá tảng. Bộ khung Cầu Ngói chợ Thượng được dựng bằng gỗ lim.
Cầu được chia thành 11 gian, mỗi gian có kích thước trung bình từ 1,45m đến 1,65m tạo nên một tổng thể kết cấu dài 17,35m. Phía trên các bộ vì còn có hệ thống các hoành mái nối mộng với nhau để tạo nên một khoảng trống tối đa cho lòng cầu. Các bộ vì tạo thành những cánh tay đòn vươn qua cột cái, cột quân đến tận diềm mái. Năm 1993, do hai bên thành bằng gỗ của cầu bị mối mọt nên đã được trùng tu thay thế bằng đá. Đến năm 2012, Cầu Ngói chợ Thượng được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Ngoài việc yêu cầu cầu khắc phục, trả lại nguyên trạng kết cấu ban đầu của cầu Ngói chợ Thượng, Sở VH-TT&DL tỉnh Nam Định đã chỉ đạo Ban Quản lý Di tích và danh thắng rà soát lại toàn bộ các di tích, đặc biệt là các di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia; đối chiếu với hồ sơ gốc, nếu phát hiện có vi phạm phải chỉnh sửa về đúng nguyên trạng. Sở VH-TT&DL cũng sẽ có công văn đến UBND các huyện và thành phố, đề nghị phối hợp. Tỉnh Nam Định và ngành văn hoá ủng hộ xã hội hóa tu sửa, tôn tạo di tích, nhưng phải trên nguyên tắc đảm bảo giá trị của di tích.
Đức Văn
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn