Năm 2003, sau nhiều chuyến đi công tác Hà Nội, thầy hiệu trưởng Phan Hoàng Dũng phát hiện ra Nhạc viện Hà Nội có tuyển sinh hệ trung cấp. Chấn động hơn, nhiều bạn khiếm thị ở trường Nguyễn Đình Chiểu ngoài Bắc đã trúng tuyển và đi học. Như vậy, học sinh khiếm thị ngoài Bắc được đối xử rất công bằng trong thi cử và đào tạo.
Ngay khi biết tin, thầy thông báo về trường và muốn tôi làm hồ sơ đi học Nhạc viện Hà Nội. Thầy kỳ vọng tôi là học sinh đầu tiên của trường Nguyễn Đình Chiểu-Đà Nẵng vào học ở ngôi trường âm nhạc danh giá này. Thầy Dũng và thầy Lưu Học cùng khuyên tôi nên rời Đà Nẵng để ra Bắc thi và học. Đã đến lúc tôi không thể ở lại Đà Nẵng được nữa mà phải bước ra môi trường mới rộng lớn hơn.
Tôi gọi điện cho mẹ Tường Vi. Kể từ sau đêm liên hoan Tiếng hát Hoa phượng đỏ năm 1995, tôi luôn hỏi ý kiến của mẹ về tất cả dự định của mình. Mẹ Vi nghe tôi nói về ước mơ ra Hà Nội, liền hào hứng hứa giúp đỡ vật chất và chỗ ở. Thêm nữa, mẹ sẵn sàng tìm chỗ cho tôi đi hát kiếm thêm. Vài ngày sau, hồ sơ đăng ký thi tuyển của tôi đã được mẹ Tường Vi điền xong. Bộ hồ sơ đó do mẹ Vi lấy ở Nhạc viện Hà Nội.
Ba mua vé tàu ghế cứng, dẫn tôi ra Hà Nội. Ở được vài bữa thì ba về. Sau thoáng bỡ ngỡ, tôi bắt đầu thích nghi với Hà Nội. Mặc dù học giỏi đàn bầu nhưng tôi vẫn chỉ là một học sinh tỉnh lẻ. Tôi hoàn toàn không biết gì về các thí sinh khác ở miền Bắc. Hà Nội rộng lớn, nhân tài nhiều như nấm sau mưa.
Lúc đó chỉ còn đúng bốn mươi ngày nữa là đến kỳ thi. Mẹ Vi mời nghệ sĩ khiếm thị Hoàng Mạnh Cường dạy cho tôi kinh nghiệm thi cử và cả ký âm, xướng âm. Vẫn chưa yên tâm, mẹ Vi dắt tôi đến Nhạc viện, mua tặng một cây đàn bầu rồi trực tiếp gửi gắm tôi cho Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Tâm, Trưởng khoa Nhạc cụ Dân tộc dạy bồi dưỡng luyện thi. Cô Thanh Tâm chẳng những không lấy tiền, còn giao tôi cho thầy Hồ Hoài Anh, con trai cô dạy thêm. Các tác phẩm cô Thanh Tâm chọn cho tôi để dự kỳ thi tuyển là Buổi sáng sông Hương của tác giả Xuân Khải, Lý con sáo - dân ca Nam bộ và Dáng đứng Bến Tre của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý.
Tôi bước qua cuộc thi cam go là bản lề của đời mình với kết quả thủ khoa. Cầm kết quả trong tay, tôi bật khóc, Những giọt nước mắt hạnh phúc vì tôi đã không phụ lòng tin thương của những người đã yêu mến và tận tình giúp đỡ tôi.
Nhận tin báo từ Hà Nội, ba mẹ tôi ào đi khoe khắp xóm về kết quả thủ khoa đầu vào Nhạc viện của tôi. Lần đầu tiên trên khắp cả nước, có một học sinh khiếm thị, quê nhà tỉnh lẻ làm ruộng đạt được thành tích đó.
Cuộc sống Hà Nội ồn ã, vội vàng và có phần kiểu cách làm tôi chới với. Tôi lân la xin vào các chùa hát phục vụ Phật tử kiếm cơm chay qua bữa. Còn mẹ Tường Vi chạy đôn chạy đáo tìm các trường cấp ba có hợp đồng biểu diễn văn nghệ. Ngày ấy, các trường ở Hà Nội thường thu quỹ học sinh để mời người thuộc trung tâm Nghệ thuật Tình thương về hát vào mỗi sáng thứ hai, trước buổi chào cờ. Gọi là thù lao cho sang, thật ra mỗi buổi hát sáng thứ hai, tôi cũng chỉ nhận được khoản tiền một trăm ngàn đồng. Số tiền này tôi đã phải chi hơn một nửa cho hai vòng xe ôm đến nơi biểu diễn và về nhạc viện để kịp buổi học.
Những ai từng trải qua mùa đông Hà Nội mới cảm nhận được hết cái khắc nghiệt của thời tiết miền Bắc. Rét cắt da cắt thịt vào mỗi buổi sáng. Nước lạnh đến mức như dao lam cứa đứt nướu khi đánh răng. Thảm não nhất là những sáng run cầm cập vì cơn sốt, nhưng nghĩ tới một trăm ngàn đồng, tôi vẫn bám chặt người vào chú xe ôm để đi hát.
Rồi mẹ Vi kiếm được vài tụ điểm hát ban đêm cho tôi. Lúc đó chẳng ai biết Hà Chương là ai nên thù lao trả cho anh ca sĩ vô danh bèo nhèo hết biết. Có khi trả xong cuốc xe ôm đến tụ điểm xa, tôi còn lại số tiền vừa đủ cho hai đĩa cơm vỉa hè. Đã vậy, một số bầu show ngoài Bắc còn tìm cách ép tiền ca sĩ, hoặc đỉnh điểm là quỵt luôn cát sê.
Nhưng có lẽ nỗi cay đắng khi cất tiếng hát giữa đêm đông giá lạnh trong sự hờ hững của người nghe khó mà bì được với những nghiệt oan khác mà người khiếm thị phải gánh chịu. Những bạn bè khiếm thị của tôi chỉ có thể hát tụ điểm, hát ở chùa, hát trường học, còn các sự kiện như đám cưới, khánh thành tòa nhà, công ty…là điều không thể. Người ta sợ người mù đi hát sẽ gây xui xẻo. Không ít lần tôi nổi đóa đến muốn phát điên khi nghe cậu bạn Đinh Quang Vũ, người thổi sáo chầu văn xuất sắc của Hà Nội, nghẹn ngào vì người ta không cho biểu diễn.
Cũng may, trong những tháng ngày khốn khó đó, tôi đã không cô độc. Ngoài mẹ Tường Vi, tôi còn có cô bạn gái từ Quảng Nam ra Hà Nội học ở bên cạnh, hết mực yêu thương và chăm sóc. Một mối tình không thành để lại nhiều luyến lưu...
Trích “Nhắm mắt nhìn sao”
First News phát hành
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn