Nếu kể thêm HA Gia Lai vào danh sách này, nhóm các đội đang tranh suất trụ hạng sẽ có thêm đội vốn đang đóng góp nhiều tuyển thứ quốc gia thứ 2 cho đội tuyển Việt Nam, ở 2 giải đấu quốc tế gần nhất (Asian Cup 2019 và AFF Cup 2018).
Trước giờ bóng lăn tại Wake-Up 247 V-League 2019, ít ai ngờ có nhiều đội mạnh đến thế, giàu truyền thông đến thế rơi thế cảnh phải chạy đua để trụ hạng.
Vị trí chót bảng – vị trí sẽ rớt thẳng xuống giải hạng dưới, đang tạm thuộc về Khánh Hoà, vốn là đương kim đệ tam anh hào V-League. Xếp ngay trên Khánh Hoà 1 bậc, đồng thời cũng chỉ hơn 1 điểm, là CLB bóng đá Quảng Nam – đội vô địch V-League cách nay chưa tới 2 năm: 2017.
Trước đó, vị trí chót bảng thuộc về Thanh Hoá – đương kim Á quân của V-League. Đội bóng xứ Thanh chỉ thoát khỏi vị trí cuối bảng xếp hạng từ vòng 8, sau chiến thắng trước Quảng Nam, vốn cũng nằm trong nhóm có nguy cơ rớt hạng, như vừa nêu.
Nhóm này còn có thêm B.Bình Dương, đội bóng cho đến giờ vẫn là CLB giàu thành tích nhất V-League, vốn 4 lần vô địch (ngang với CLB Hà Nội). Chưa hết, B.Bình Dương còn là đội đương kim giữ cúp quốc gia.
Có lẽ đây là điều đáng được xếp vào hàng đặc biệt của thực tế bóng đá thế giới, bởi hiếm có giải đấu nào mà đội năm trước vẫn còn mạnh, năm sau lại yếu nhanh đến vậy. Không phải chỉ xuất hiện với hiện tượng đơn lẻ, mà xuất hiện đồng thời với nhiều trường hợp khác nhau.
Thực tế đó đầu tiên đến từ việc các đội bóng trong nước phụ thuộc quá lớn vào bầu sữa từ phía nhà tài trợ, cụ thể là từ phía các ông bầu.
Khi nhà tài trợ rút lui, hoặc đơn giản là khi các ông bầu chán bóng đá, không còn thấy lợi từ việc đầu tư cho bóng đá, các đội bóng phụ thuộc ngay lập tức từ hàng đội mạnh, có thể rớt ngay xuống thành đội yếu.
Thanh Hoá là một ví dụ. Mùa trước, mùa trước nữa, họ thuộc dạng mạnh vì gạo, bạo vì tiền. Nguồn tiền từ nhà tài trợ FLC giúp Thanh Hoá chiêu mộ hàng loạt hảo thủ của bóng đá nội, gia nhập nhóm các ứng cử viên vô địch của mùa giải.
Năm nay, khi FLC rút, đội bóng xứ Thanh ngay tức thì rơi vào cảnh khó khăn, vì không còn đủ tiền giữ chân nhiều trụ cột, không còn đủ tiền để chiêu mộ những cầu thủ mới.
Khánh Hoà là một ví dụ khác. Nhà tài trợ Sanna chưa bỏ và cũng chưa có ý định bỏ đội bóng phố biển. Nhưng Sanna nhiều năm nay chưa hề có ý định đổ nhiều tiền vào đội bóng, chí ít là so với mặt bằng chung của V-League.
Doanh nghiệp này làm bóng đá trước tiên vì trách nhiệm với địa phương, và nguồn tài chính nhỏ giọt từ họ không đủ để đội Khánh Hoà giữ chân một số cầu thủ quan trọng nhất (như Nguyễn Hoàng Quốc Chí, về Quảng Nam), nên cũng không tránh khỏi tình trạng một số cầu thủ “đứng núi này trông núi nọ”.
Nhưng đấy cũng chỉ mới là một mặt của vấn đề. Mặt còn lại, nằm ở chỗ các thứ hạng cao của V-League hầu như không hấp dẫn các đội bóng. Ngoại trừ ngôi vô địch là có danh hiệu cụ thể, mọi vị trí còn lại trên bảng xếp hạng đôi khi không khác nhau nhiều.
Thành ra, tâm lý của nhiều đội bóng là miễn sao không rớt hạng là được. Ví dụ như B.Bình Dương, đội này chắc chắn không thiếu tiền, nhưng trong một mùa giải mà họ không đặt nặng chuyện giành ngôi vô địch, đứng nhì – ba từ trên đếm xuống hay đứng nhì – ba từ dưới đếm lên với đội bóng đất Thủ Dầu có khi không khác gì nhau, miễn là đừng-rớt-hạng.
B.Bình Dương vì thế cứ thong thả mà đá, giống hệt HA Gia Lai ít mùa giải gần nhất. Bầu Đức đầu mùa tuyên bố “trụ hạng ở V-League rất dễ”, và đội của ông Đức mấy năm qua chủ yếu đá để tránh rớt hạng, chủ yếu cho cầu thủ xuất thân từ lò đào tạo của chính mình cơ hội rèn luyện, chứ ít mua sắm thêm, ít nghĩ đến việc tranh chấp ngôi cao!
Kim Điền
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn