Một bài học đau lòng về phục chế hội hoạ!
Những ngày qua, chuyện bảo vật quốc gia là bức tranh sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí bị hư hại nặng sau khi tiến hành vệ sinh đã khiến không ít người xót xa.
Theo đó, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM đã giao cho ông Lưu Minh Phụng (thợ sơn mài ở TPHCM) thực hiện công việc vệ sinh tác phẩm nhưng do người này không hiểu biết về nghệ thuật hội họa sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí nên đã sử dụng nước rửa chén và bột chu, giấy ráp 2000 can thiệp quá mức khi làm vệ sinh bề mặt bức tranh...
Hậu quả là tác phẩm hội hoạ được xem tinh tuý nhất, ứng dụng nhiều đúc kết trong nghệ thuật nhất và bỏ nhiều công sức sáng tạo nhất (bức tranh phải mất 20 năm mới hoàn thành) trong gia tài nghệ thuật của hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí đã bị “biến dạng” tới 30%.
Trước đó, để có được bức tranh này, năm 1990, UBND TP. HCM đã bỏ ra một số tiền lớn (khoảng 100.000 USD) để mua tác phẩm và trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM. Ngay sau đó tác phẩm này đã được một nhà sưu tập người Bỉ ngỏ ý mua lại với giá 1 triệu USD. Trong nhiều năm tiếp theo, nhiều nhà đấu giá, nhà buôn tranh tìm cách mua lại bức tranh này với giá cực cao hoặc đề nghị đưa tranh ra nước ngoài triển lãm song cho đến nay tuyệt tác này vẫn chưa một lần xuất ngoại.
Theo ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thì hiện bảo tàng đang lưu giữ gần 20.000 hiện vật và tác phẩm mỹ thuật có giá trị. Tuy nhiên, chính những tác phẩm được bảo quản trong điều kiện tương đối nghiêm ngặt này cũng vẫn phải đối mặt với nguy cơ của sự hư hỏng. Một trong những nguyên nhân khiến bức tranh bị hư hỏng là điều kiện khí hậu khắc nghiệt tạo nên sự biến đổi đột ngột cho tranh. Chưa kể thời chiến tranh trước đây, điều kiện bảo quản tác phẩm không đảm bảo đã ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng tác phẩm.
Bên cạnh đó, trong thời điểm đất nước khó khăn, mọi phương tiện sáng tạo nghệ thuật còn thiếu thốn nên nhiều họa sĩ đã phải sử dụng các chất liệu vẽ như màu, sơn, toan… không được như mong muốn. Đây cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng tác phẩm. Vì lẽ đó, Việt Nam còn có rất nhiều tác phẩm bị hư hại, hỏng hóc cần phải được tiến hành trùng tu - phục chế.
Thực tế, trước đây, để phục chế thành công một số tác phẩm hội hoạ nổi tiếng, Việt Nam phải nhờ tới sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài. Chẳng hạn, bức tranh “Em Thúy” của họa sĩ Trần Văn Cẩn phải có sự hỗ trợ của các chuyên gia Anh, bức sơn mài “Nam Bắc một nhà” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, “Hội chùa” của họa sĩ Lê Quốc Lộc phải nhờ chuyên gia từ Mỹ giúp đỡ, bức “Mẹ con” của họa sĩ Lê Thị Kim Bạch, “Rượu cần” của họa sĩ Kà Kha Sam có sự phối hợp phục chế của các chuyên gia Đức…
Đặc biệt, 3 bức tranh lụa “Cô gái cưỡi bò qua sông”, “Hun thuyền” và “Đón củi” của danh hoạ bậc thầy Nguyễn Phan Chánh được phục chế thành công cũng phải nhờ tới sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Nhật Bản.
Phục chế là làm “sống lại” chứ không phải “giết chết” tác phẩm
Hoạ sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, phục chế các tác phẩm hội họa ngoài đòi hỏi tay nghề cần cả sự nhạy cảm. Làm thế nào để các tác phẩm sau trùng tu vẫn giữ được thần thái, làm sao để giữ được màu thời gian, không tạo cho người xem cảm giác lạ lẫm... là cả một vấn đề.
Trên thế giới, việc bảo quản tác phẩm mỹ thuật được thực hiện khá nghiêm cẩn, không chỉ là máy điều hòa không khí, máy lọc bụi, hút ẩm mà việc đặt tác phẩm ở tư thế như thế nào, treo hay đặt trên bệ cũng được tính kỹ. Với điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay, việc áp dụng quá nhiều quy tắc khắt khe cũng không phù hợp, song vẫn cần có điều kiện bảo quản và lưu giữ tranh tốt hơn để các tác phẩm không bị bong tróc, cong vênh, nứt vỡ…
Bảo quản đã khó nhưng với mỹ thuật Việt Nam thì câu chuyện phục chế còn khó khăn hơn rất nhiều. Ở nhiều nước, đội ngũ làm phục chế phát triển song hành với đội ngũ sáng tác nhưng Việt Nam thậm chí còn chưa có nơi đào tạo chuyên ngành này. Hầu hết các cán bộ phục chế đều là họa sĩ, kỹ sư hóa học; kiến thức về việc phục chế cơ bản là tự học hỏi, nghiên cứu, mày mò từ tài liệu nước ngoài.
Công đoạn phục chế của ta đang hoàn toàn phụ thuộc vào sự cảm nhận của họa sĩ. Không có bất cứ hỗ trợ nào từ máy móc hay các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Thợ phục chế tranh chỉ dựa vào kinh nghiệm tích lũy trong quá trình làm việc và được truyền nghề từ các thế hệ trước. Nghề phục chế không hẳn yêu cầu phải sáng tạo nhưng phải biết làm lại được giống cái cũ - càng giống càng tốt.
Theo nhiều chuyên gia, phục chế tranh không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ đó là tô màu, chấp nối kiểu thủ công mà công việc này đòi hỏi sự am hiểu về nghệ thuật, tài năng và sự đầu tư lớn về công nghệ. Cứ tùy tiện phục chế sẽ khiến nhiều những tác phẩm có giá trị, kể cả những bảo vật quốc gia đối diện với nguy cơ bị hỏng hóc...
Người nào đó hiểu biết ở mức độ bình thường cũng hiểu rằng, không ai dại gì mà can thiệp vào mặt tranh bằng hóa chất. Nếu dùng thứ gì đó để tác động vào bề mặt tranh làm mất đi phần hồn, giá trị tinh thần và không khí trong tranh là vô cùng nguy hiểm bởi không thể phục hồi lại được.
Các chuyên gia cho rằng, từ câu chuyện đau lòng đã xảy ra đối với bảo vật quốc gia “Vườn xuân Trung Nam Bắc”, cần thiết phải có các trường, lớp đào tạo chuyên sâu, coi việc phục chế như một nghề cần thiết. Thêm vào đó, cần phải chú trọng việc đầu tư cơ sở vật chất cho việc phục chế chuyên nghiệp với máy móc, trang thiết bị và công nghệ hiện đại.
Có như vậy mới có thể hy vọng vào sự hồi sinh của hàng trăm tác phẩm nghệ thuật có giá trị đang chờ để được “cứu sống”. Bởi nếu chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế thì chúng ta sẽ mãi bị động và nhiều khả năng các kiệt tác không “đủ sức” chờ đến ngày đó.
“Các tác phẩm mỹ thuật không chỉ đơn giản là một bức tranh, một pho tượng, một tấm giấy… đó là tài sản, là tinh hoa và là những hiện vật vô giá khẳng định đẳng cấp, chiều sâu văn hóa và sự phát triển văn hóa của Việt Nam. Chính vì thế những tài sản này cần được trân trọng, bảo quản và giữ gìn không chỉ cho chúng ta mà còn cho nhiều thế hệ tiếp nối”, các chuyên gia nhận định.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn