Chiến dịch Điện Biên Phủ với chiến thắng vào ngày 7/5/1954 làm nên sự kiện "lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”. Chứng kiến tận mắt những khó khăn, nguy hiểm và hy sinh mất mát trong chiến tranh, nhiều tác phẩm đã ra đời trong những giờ khắc lịch sử, trở thành những bài hát bất hủ của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.
Giải phóng Điện Biên - Đỗ Nhuận
Ca khúc “Giải phóng Điện Biên” (trong bản chép tay đầu tiên của Đỗ Nhuận là Chiến thắng Điện Biên) suốt 60 năm nay đã trở thành "biểu tượng" bằng giai điệu của chiến thắng Điện Biên lịch sử. Ca khúc này được nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác ngay trong đêm ngày 7/5/1954.
Trong cuốn hồi ký, ông kể buổi chiều ngày 7/5, khi đoàn văn công đang cuốc đất, rải đá làm đường thì bỗng một đồng chí liên lạc từ mặt trận đạp xe qua, reo to: “Mường Thanh địch hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi!”
Khi đó, người nhạc sĩ gai lên. Tất cả đoàn văn công ngừng tay cuốc, ôm nhau nhảy, không cần đệm nhạc. Đỗ Nhuận thì không ôm ai cả, nhảy một mình, nhảy tít thò lò, và trong đầu phảng phất câu “Giải phóng Điện Biên”…Thế rồi, đêm hôm đó, trong túp lều, bên ánh đèn dầu le lói, tay ông búng chiếc violon, miệng cứ hát lẩm nhẩm, sợ làm ồn anh em mất ngủ. Và ca khúc ra đời với cảm xúc tuôn trào: “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về/Giữa mùa hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui…”
Nếu như hai ca khúc trước đó, sáng tác trong cùng chiến dịch với Hành quân xa là hành khúc mang âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc Bộ, Trên đồi Him Lam với tính chất tưởng niệm, tri ân các chiến sỹ đã hi sinh thì đến Giải phóng Điện Biên bao cảm xúc dồn nén được Đỗ Nhuận kết tụ bằng giai điệu hào sảng, ngợi ca.
“Cha tôi kể lại, hình ảnh đoàn quân ta ngồi trên xe cam- nhông lấy được từ trận chiến với quân Pháp tại chiến dịch Điện Biên trên đường về tiếp quản Thủ đô- tất cả đoàn bộ đội, dân công bừng bừng khí thế hát vang ca khúc Chiến thắng Điện Biên khiến ông… rất sung sướng, rất hạnh phúc”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân kể lại.
Hành quân xa - Nhạc sĩ Đỗ Nhuận
Có ý kiến cho rằng, không phải đến ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” mà ngay từ hai ca khúc trước đó, “Hành quân xa” và “Trên đồi Him Lam”, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã dự cảm về chiến thắng lịch sử?
Trả lời về điều này, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khẳng định: “Đúng thế, “Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ…”, Hành quân xa đến “Hôm nay thắng trận đầu tiên…Điện Biên chúng ta sẽ toàn thắng”, Trên đồi Him Lam- cha tôi đã dự cảm về chiến thắng Điện Biên lịch sử”
Nếu như ca khúc “Giải phóng Điện Biên” là cảm xúc dồn nén được cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận kết tụ bằng giải điệu hào sảng, ngợi ca thì “Hành quân xa” là hành khúc mang âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc Bộ.
“Hành quân xa” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận là những lời động viên nhẹ nhàng, ngắn gọn, dễ hiểu, chân tình đối với cán bộ, chiến sĩ, giúp họ vượt qua những cuộc hành quân khó khăn, gian khổ: “Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ.
Bài hát ra đời chỉ trong một thời gian ngắn, đã trở thành hành khúc bất hủ cho những người lính trên con đường hành quân; vừa đi vừa hát sẽ giảm bớt mệt mỏi, áp lực chiến đấu, thêm niềm tin, sự lạc quan và tinh thần chiến đấu.
Trên đồi Him Lam - Đỗ Nhuận
“Trên đồi Him Lam” với tính chất tưởng niệm, tri ân các chiến sỹ đã hi sinh, là dự cảm của cố nhạc sĩ về chiến thắng . Khi chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức bắt đầu, mở màn bằng trận Him Lam vào chiều muộn ngày 13/3/1954. Chỉ sau 5 giờ đồng hồ chiến đấu, ta đã chiếm được cứ điểm này, tiêu diệt và bắt sống hơn 500 địch quân, hoàn toàn làm chủ cứ điểm Him Lam.
Giữa trận địa còn ngổn ngang xác pháo, xác địch, mùi thuốc súng vẫn còn khét lẹt, Đỗ Nhuận đã sáng tác nên ca khúc “Trên đồi Him Lam”.
Bài hát hừng hực khí thế chiến đấu, không chỉ thể hiện ý chí "Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh" của những người lính cụ Hồ mà còn thể hiện khát vọng chiến thắng, khát vọng hòa bình, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần yêu nước của quân và dân ta.
Hò kéo pháo - Hoàng Vân
"Hò kéo pháo" là bài hát của nhạc sĩ Hoàng Vân, ra đời trong hoàn cảnh khá đặc biệt. Khi đó, nhạc sĩ Hoàng Vân là một chàng trai Hà Nội ngoài 20 tuổi, được lên Điện Biên tham gia kháng chiến.
Nhạc sĩ Hoàng Vân từng kể lại, đêm đêm theo tiếng hò “dô ta nào, hai ba nào...”, tiếng mõ tre cốc cốc làm hiệu lệnh dưới ánh trăng, hàng trăm chiến sĩ mặc áo trấn thủ, đội mũ nan cúi rạp người, choãi chân, những bắp tay rắn chắc bám vào dây chão, dây mây, dây song để kéo pháo… Tất cả những hình ảnh, những âm thanh đó đã tạo nên một bức tranh hùng vĩ, một không khí náo nhiệt hừng hực khí thế quyết tâm làm vang động cả núi rừng Điện Biên.
Chứng kiến những gian nan vất vả của bộ đội ngày đêm đưa những cỗ pháo nặng hàng tấn vượt qua dốc núi, nhạc sĩ Hoàng Vân đã viết ca khúc “Hò kéo pháo” với những lời ca cháy bỏng: "Hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua đèo/Hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua núi. Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù…”.
Qua miền Tây Bắc - Nguyễn Thành
Nhạc sĩ Nguyễn Thành viết nhạc phẩm “Qua miền Tây Bắc” trước khi có Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ca khúc đầy chất thơ nhưng cũng rất hiện thực đã nói lên tấm lòng yêu nước nồng nàn của chiến sĩ ta. Nguyễn Thành đã sáng tác “Qua miền Tây Bắc” ở đỉnh đèo Khâu Vác, đó là cửa ngõ vào Điện Biên Phủ.
Để có một tác phẩm như thế, tác giả đã ba lần cùng các đồng đội hành quân qua miền Tây Bắc. Trong ca khúc “Qua miền Tây Bắc”, tác giả đã ghi lại những tình cảm nồng nhiệt cùng tấm lòng rất chân thật, tình nghĩa đối với Tây Bắc cũng như sự quyết tâm, đồng lòng, đồng sức của quân và dân ta trong chiến dịch giải phóng Điện Biên: "Qua miền Tây Bắc, núi vút ngàn trùng xa/Suối sâu đèo cao, bao khó khăn ta vượt qua/Bộ đội ta vâng lệnh Cha già/Về đây giải phóng quê nhà/Đất nước miền Tây Bắc đau thương từ bao lâu dưới ách loài giặc tàn ác/Quân với dân một lòng không phân biệt xuôi ngược/Cùng đồng tâm tiêu diệt hết quân thù".
Nguyễn Hằng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn