Khi rút khỏi bóng đá cách này vài tháng, chủ của CLB FLC Thanh Hoá, ông Trịnh Văn Quyết, có đề cập đến việc ông có đầu tư thêm bao nhiêu nữa cũng không thể tranh nổi ngôi vô địch V-League.
Dĩ nhiên, đấy chỉ là một cách nói, đồng thời cũng chỉ là một trong những nguyên nhân để ông Quyết bỏ bóng đá. Sẽ còn rất nhiều những nguyên nhân khác, ví dụ như định hướng đầu tư của FLC trong từng giai đoạn khác nhau, đến lúc này họ không còn cần đến kênh bóng đá nữa.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận chuyện ở một cuộc chơi vốn không sòng phẳng ngay từ đầu, khi phải đối diện với tình trạng “một ông chủ - nhiều đội bóng”, các ông chủ khác có lý do để… nản.
Nếu là chạy đua song song, có lẽ ông Quyết cùng tập đoàn FLC không ngán, cho dù chạy đua mà không thể đến đích trước đối thủ cũng không cảm thấy ức chế. Đằng này, bất kỳ đội bóng nào muốn vô địch V-League cũng phải tứ bề thọ địch với 4 – 5 đội bóng của bầu Hiển cùng lúc, thì chịu sao thấu màn “xa luân chiến”?!
Ngay đến bầu Đức vốn đầy tâm huyết cũng bắt đầu mùa bóng đá này với phát biểu: “HA Gia Lai trụ hạng không khó”, chứ tuyệt nhiên không nói về ngôi vô địch. Với những ai từng biết đến bầu Đức từ khi ông bước chân vào bóng đá hơn chục năm trước, chuyện đội của ông Đức chỉ đá để trụ hạng là điều lạ, cực lạ!
Trong trường hợp của bầu Trường và bầu Thuỵ trước đây, khi các ông bầu này bỏ bóng đá đỉnh cao, người ta có thể bảo rằng họ “lướt sóng bóng đá”, làm thương hiệu xong rồi nghỉ. Chứ trường hợp của bầu Đức hay bầu Quyết không mặn mà với ngôi vô địch V-League nữa, thậm chí không mặn mà đổ tiền vào bóng đá nữa, điều đấy có khi lại nằm ở môi trường đầu tư.
Không phải ngẫu nhiên mà chỉ sau vòng đấu đầu tiên, thậm chí từ trước đó nữa, người ta đã sớm nói về ngôi vô địch dành cho CLB Hà Nội của bầu Hiển.
Đội bóng thủ đô quá mạnh là điều đương nhiên rồi. Họ vượt trội so với toàn bộ phần còn lại của V-League về mặt chuyên môn.
Nhưng trong bối cảnh phần còn lại của nền bóng đá hầu như không còn đầu tư đáng kể vào các đội bóng nữa, đội bóng của bầu Hiển đã vượt trội sẽ còn vượt trội hơn.
Viettel có thể xem là ngoại lệ hiếm hoi. Đây cũng là một trong những đội bóng giàu nhất nước, thuộc sở hữu của một trong những tập đoàn kinh tế mạnh nhất nước. Nhưng Viettel chỉ mới chân ướt chân ráo lên hạng, kinh nghiệm thiếu, quan hệ chưa mạnh, chưa phải là đối thủ của CLB Hà Nội.
Vả lại, có thể Viettel cũng sẽ lâm vào tình cảnh của FLC Thanh Hoá ít mùa giải gần đây, có thể đổ rất nhiều tiền để chiêu mộ ngôi sao, nhưng sẽ chịu cảnh không phải chạy đua tay đôi, mà một mình buộc phải đua cùng lúc với nhóm 4 – 5 đội bóng khác nhau chịu ảnh hưởng của bầu Hiển, trong cùng một giải đấu.
Một đội bóng khác, có thể coi là độc lập hoàn toàn với bầu Hiển giống trường hợp của Viettel là HA Gia Lai. Đội này sở hữu dàn tuyển thủ quốc gia đông đảo, tương tự như CLB Hà Nội. Cầu thủ của HA Gia Lai cũng đang trong giai đoạn trưởng thành về mặt chuyên môn.
Nhưng chuyện HA Gia Lai có trở thành đối trọng của CLB Hà Nội tại V-League 2019 hay không phải hạ hồi phân giải? Với người hâm mộ trung lập thông thường, họ sẽ mong muốn điều đó. Nhưng từ mong muốn đến thực tế là khoảng cách có khi xa lắc.
Chưa cần so về chuyên môn, nếu chỉ so về ảnh hưởng với làng cầu nội bây giờ, ảnh hưởng đến cơ quan điều hành nền bóng đá, ảnh hưởng đến giới trọng tài, HA Gia Lai còn lâu mới sánh bằng các đội bóng của bầu Hiển!
Kim Điền
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn