Ham muốn và khát khao mang lại điều gì cho bạn (kỳ 3)

Chủ nhật - 24/02/2019 23:22
(Dân trí) - Những say mê của con người có ba nguồn gốc: Tâm hồn, trí tuệ và thể xác. Sự say mê tâm hồn làm nảy sinh tình bạn. Sự say mê trí tuệ sinh ra lòng kính trọng. Sự say mê thể xác làm phát sinh lòng ham muốn. Tổng hợp các sự say mê đó chính là tình yêu. >> >>

Ta khổ vì ham muốn là do ta sợ thất vọng

Đối với hầu hết mọi người, ham muốn thực sự là một vấn đề; dù cho đó là ham muốn đối với của cải vật chất, địa vị, quyền lực, sự an nhàn, quyền năng bất tử, sự tiến triển; hay là ham muốn được yêu thương, được sở hữu thứ gì đó vĩnh cửu, sự thỏa mãn tồn tại vượt trên cả thời gian. Vậy thì ham muốn là gì? Cái thứ đang thúc ép và điều khiển tâm trí chúng ta, là gì? Chúng ta không cần phải cố gắng thỏa mãn với những gì mình có hay với những gì chúng ta là; nếu chúng trái ngược hẳn với điều ta mong muốn. Chúng ta đang cố gắng nhận ra ham muốn là gì, và nếu chúng ta có thể bắt tay vào việc tiếp cận nó một cách dè chừng và đầy cẩn trọng thì tôi tin chúng ta sẽ mang lại một biến chuyển không đơn thuần chỉ là sự thay thế từ đối tượng ham muốn này sang đối tượng ham muốn khác. Đây là điều chúng ta thường xem là sự thay đổi, đúng không nào?

Khi không thỏa mãn với một đối tượng ham muốn cụ thể nào đó, chúng ta đi tìm một điều khác thay thế. Chúng ta không ngừng thay đổi từ đối tượng ham muốn này sang đối tượng ham muốn khác mà ta nhận thấy là to lớn hơn, cao quý hơn, tinh tế hơn, nhưng tinh tế đến đâu đi chăng nữa thì ham muốn vẫn cứ là ham muốn; và trong sự chuyển đổi giữa các ham muốn vẫn tồn tại cuộc tranh đấu bất tận – cuộc xung đột của những thái cực đối lập.

Ham muốn và khát khao mang lại điều gì cho bạn (kỳ 3)

 

Thế nên, việc tìm ra ham muốn là gì và liệu nó có thể được thay đổi hay không chẳng phải là điều quan trọng sao? Và liệu tôi có thể hóa giải ham muốn từ trong ra ngoài, không chỉ là một ham muốn, một sự thèm muốn hay khát khao đặc thù nào đó, mà là toàn bộ cấu trúc của ham muốn, của sự khao khát, của niềm hy vọng; vì ẩn sâu bên trong chúng luôn là nỗi sợ thất vọng? Tôi càng thấy thất vọng chừng nào thì càng khiến cho cái tôi của mình mạnh lên chừng ấy. Chừng nào ta chưa thôi hy vọng và khao khát thì vẫn còn đó nền tảng cho nỗi sợ hãi, và một lần nữa nó khiến tầm ảnh hưởng của sự ham muốn trở nên nặng nề hơn.

Vượt ra khỏi những nhu cầu về thể chất thì bất kỳ hình thức nào của ham muốn – dù nhân danh những giá trị lớn lao như chân lý hay đức hạnh – cũng sẽ chỉ là một tiến trình tâm lý mà qua đó tâm trí xây dựng ý niệm về cái tôi và vun bồi cho tầm quan trọng của nó.

Dõi theo sự dịch chuyển của ham muốn

Ham muốn là sự thôi thúc đáp ứng những cơn thèm thuồng dưới nhiều hình thức khác nhau và đòi hỏi ta hành động để thỏa mãn nhu cầu; đó có thể là ham muốn tình dục, khát khao trở nên vĩ đại, hay mong muốn sở hữu một chiếc xe hơi, v.v…

Bạn nhìn thấy một căn nhà đẹp, một chiếc xe hơi sang trọng, hay một người đàn ông quyền lực; và bạn ước gì mình sở hữu căn nhà đó, lái xe giữa những tràng vỗ tay tán thưởng, hay được ở vào địa vị đó. Những ham muốn này xuất hiện như thế nào? Trước tiên, có một sự nhận biết qua hình ảnh, như là việc nhìn thấy một căn nhà. Sau đó, cái tôi của bạn bắt đầu hiển hiện. Việc nhìn thấy căn nhà là một sự hấp dẫn thị giác, cũng như vẻ hào nhoáng của chiếc xe hơi và màu sắc của nó, sau đó mới đến sự cảm nhận.

Hãy theo dõi điều này. Chính bạn đang thực hiện một việc mà tôi thì không; tôi đang trình bày bằng lời nói, còn bạn thì đang hành động. Chúng ta đang chia sẻ sự việc này cùng nhau, nhưng bạn không chỉ lắng nghe những gì tôi đang nói, bạn thử quan sát những động thái dịch chuyển của ý nghĩ dưới dạng ham muốn mà xem. Ý nghĩ và ham muốn có chung một chuyển động, chúng không hề tách rời nhau; chúng ta sẽ bàn về điều này ngay sau đây.

Hãy thấu hiểu, đừng tìm cách triệt tiêu ham muốn

Nỗi ham muốn thường vận đến mọi phương cách để đáp ứng nhu cầu của chính nó đối với những đối tượng hấp dẫn, thế nhưng chỉ xét riêng các đối tượng ham muốn đó thôi đã tồn tại một chuỗi những mâu thuẫn lẫn nhau rồi. Chính vì vậy mà chúng ta cứ sống với sự tuân phục, chúng ta tranh đấu vì thói thỏa mãn, rồi chúng ta quen dần với cảm giác vỡ mộng. Đó chính là cuộc sống của chúng ta đấy.

Và rồi trong hành trình tìm đến với Thượng đế, những vị thánh, các vị giáo hoàng, tăng sĩ, và những người trông có vẻ như là ngoan đạo bảo với bạn rằng: “Hãy trấn áp ham muốn, hãy đánh lạc hướng nó và xóa tan dấu vết của nó trên con đường tu dưỡng của bạn; nếu bạn nhìn thấy một cô gái, hãy quay lưng đi ngay; đừng có trở nên nhạy cảm với bất kỳ điều gì trong cuộc sống; đừng có nghe nhạc, đừng quan sát cây cối; và nhất là đừng bao giờ ngắm nhìn phụ nữ!”. Điều đó khiến bạn sống chẳng khác gì một người tầm thường chịu mang thân phận nô lệ cho xã hội!

Ham muốn và khát khao mang lại điều gì cho bạn (kỳ 3) - Ảnh minh hoạ 2

 

Chính sự thấu hiểu, chứ không phải việc đàn áp hay đè nén nỗi ham muốn, sẽ dẫn lối cho một người thoát khỏi việc tuân phục nỗi sợ hãi. Bạn có biết điều gì sẽ xảy ra khi bạn cố đè nén thứ gì đó trong lòng mình không? Trái tim bạn sẽ trở nên vô cùng nhàm chán và tẻ nhạt! Đã bao giờ bạn trông thấy những ai nỗ lực xa lánh cõi hồng trần chưa? Họ trông mới lạnh nhạt, cứng nhắc, đức hạnh làm sao; họ giam mình sau những giới luật nghiêm ngặt. Dù vẫn không ngừng thuyết giảng về tình yêu thương, nhưng thẳm sâu bên trong họ có bao điều sục sôi; những niềm mong cầu của họ mãi chẳng thành và cũng không bao giờ được thấu hiểu; họ lìa đời khoác trên mình tấm áo choàng của đức hạnh!

Điều mà chúng ta bàn đến ở đây là một chuyện hoàn toàn khác… người ta phải để tâm cảm nhận và thấu hiểu về ham muốn – hãy hiểu nó thật trọn vẹn đã, khoan hãy tính đến việc làm gì với nó hay làm sao để chấm dứt nó.

Ham muốn tự nó không phải là vấn đề

Hãy cùng suy xét về ham muốn; như ta đã biết, sự ham muốn vốn dĩ tự mâu thuẫn với chính nó và luôn bị giày xéo, co kéo theo nhiều hướng khác nhau; kéo theo đó là nỗi đau đớn, sự rối loạn, lo âu, sự ép uổng và kiểm soát. Trong cuộc đấu tranh dai dẳng, chúng ta vặn xoắn nó thành đủ loại hình tượng, dạng thức nhưng nó vẫn luôn ở đó và không ngừng quan sát, chờ đợi, thúc ép ta. Dù cho bạn thay đổi hay trốn chạy khỏi nó, từ chối hay chấp nhận nó, thậm chí buông xuôi theo nó; ham muốn vẫn luôn ở đó bất chấp mọi việc bạn làm. Chúng ta cũng đều đã nghe các bậc thầy tôn giáo ra rả dạy rằng ta nên bớt đi ham muốn, ta nên tập buông bỏ để thoát khỏi những ham muốn – điều này kỳ thực rất xuẩn ngốc, bởi lẽ sự ham muốn phải được thấu hiểu thay vì bị tiêu diệt.

Nếu bạn tiêu diệt ham muốn, rất có thể bạn sẽ hủy hoại luôn cuộc sống của mình. Còn nếu bạn xuyên tạc ham muốn, hay tìm cách uốn nắn, kiểm soát, thống trị hoặc đè nén nó, bạn có thể đánh mất đi điều gì đó đẹp đẽ, phi thường.

Trích sách "Bạn đang nghịch gì với đời mình"

Theo First News

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây