Gặp Khánh Ly trong một buổi chiều mưa phùn tại quán cafe kiểu Pháp nổi tiếng ở Hà Nội, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và tự hào khi được nghe cô gái trẻ gốc Việt trải lòng, chia sẻ những cảm xúc và dự định về con đường ẩm thực rộng mở phía trước. Tóc nâu, môi trầm với đôi mắt sáng thông minh, tác phong nhanh nhẹn cùng năng lượng tỏa ra từ Khánh Ly khiến chúng tôi cảm nhận được sức trẻ và sự nhiệt huyết căng tràn trong cô.
PV: Chào Khánh Ly, được biết đây là lần thứ hai Ly về Việt Nam, vậy cảm xúc của bạn khi trở lại quê hương lần này như thế nào?
Khánh Ly: Xin chào chị! Lần nào về Việt Nam Ly cũng rất vui. Ly về Việt Nam lần đầu tiên cách đây ba năm là để đi du lịch và thăm hỏi họ hàng. Lần này, Ly vinh dự được nhận lời mời từ Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, trở về quê hương để tham gia Ngày hội Pháp ngữ và giao lưu với các bạn trẻ Việt yêu ẩm thực. Việt Nam đã đổi mới rất nhiều so với trước đây. Ly quan sát thấy những đường tàu điện trên cao và metro đang được xây dựng. Là một người con gốc Việt, Ly rất tự hào vì nhận thấy sự phát triển hạ tầng và tương lai tươi đẹp của đất nước.
PV: Trong chương trình "Vua đầu bếp" ở Pháp năm 2015, Ly sở hữu một mái tóc dài vô cùng duyên dáng và đặc trưng của người con gái Việt. Nhưng hiện tại, mái tóc của Ly đã được cắt ngắn, rất phong cách và cá tính. Vậy lý do nào đã dẫn đến việc Ly thay đổi diện mạo táo bạo như thế?
Khánh Ly: Qua tìm hiểu và được mẹ kể, Ly biết rằng văn hóa Việt Nam rất coi trọng mái tóc dài của người phụ nữ. Trở thành quán quân "Vua đầu bếp" là một dấu mốc lớn trong cuộc đời và Ly muốn làm một điều gì đó thật đặc biệt, thể hiện sự cứng cỏi của bản thân, nên mái tóc đã được thay đổi. Hiện tại, Ly đang nuôi lại tóc dài vì tóc dài rất đẹp và mang nét truyền thống của người Việt Nam.
PV: Ly có niềm đam mê với ẩm thực từ bao giờ? Có phải mẹ là người đã truyền cảm hứng cho Ly vào bếp không?
Khánh Ly: Khi còn nhỏ, mẹ đã dạy Ly làm những món ăn Việt Nam như nem cuốn, nấu bún bò Huế và đặc biệt là phở Hà Nội vì mẹ Ly là người gốc Hà Nội. Ly còn rất thích ăn bánh cuốn nữa. Tại Pháp, gia đình cũng mở một quán ăn Việt nên Ly cùng tham gia phụ giúp và rất thích công việc này. Nhưng làm quán ăn rất cực, dậy rất sớm và về rất muộn, ngoài ra cần phải đảm bảo được nhiều tiêu chí khắt khe khác bởi người Pháp rất sành, nên ba mẹ khuyên Ly đi học Luật.
Thuở đó còn trẻ lắm, thấy ba mẹ khuyên mình rất có lý, học Luật nhẹ nhàng hơn mà Ly có sẵn nền tảng là tú tài văn học từ năm 16 tuổi, nên Ly đã dừng hẳn việc nấu ăn. Mãi đến năm 20 tuổi, khi chuyển lên Paris sống một mình thì niềm đam mê ẩm thực trong Ly lại trỗi dậy. Thực sự thì "lý trí muốn chối bỏ nhưng cảm xúc lại dâng trào" và Ly đã đi theo tiếng gọi của đam mê, tự tìm hiểu, học hỏi để đi thi chương trình Masterchef - Vua đầu bếp.
Khánh Ly (trái) trong buổi trò chuyện cùng PV. |
PV: Khi quyết định rẽ ngang, ba mẹ có ngăn cản hay khuyên Ly điều gì không?
Khánh Ly: Ly quyết định rẽ ngang từ trước khi trở thành "Vua đầu bếp" bởi khi đó mình thích và yêu công việc này quá đỗi. Nhưng ba mẹ lại một lần nữa giải thích cho Ly điều gì là tốt nhất và không muốn Ly đi theo con đường vất vả này. Ở thời điểm đó, với sức trẻ pha chút ngông cuồng, Ly quyết tâm thi Masterchef để chứng tỏ với gia đình. Khi đi thi chẳng nghĩ ngợi gì, chỉ biết là Ly đã làm thì phải cố hết sức, bằng cả tấm lòng và cuối cùng được nếm hương vị của chiến thắng, thuyết phục được ba mẹ.
PV: Liệu tư duy của một người học Luật giúp ích gì cho Ly trong lĩnh vực này và ai là thần tượng của Ly trong ngành ẩm thực?
Khánh Ly: Một câu hỏi rất hay ạ! Người học luật phải có tư duy logic và phản biện rất tốt. Những điều đó giúp Ly tiếp thu các tinh hoa và kiến thức về ẩm thực nhanh, sắp xếp các khâu chuẩn bị và nấu nướng hợp lý. Trong khi thi Masterchef, mỗi người cần phải hùng biện về món ăn của mình và đôi khi còn bị các giám khảo vặn vẹo.
Chính vì đã từng học Luật nên mình có thể vận dụng, khéo léo đối đáp các tình huống trong cuộc sống nói chung và trong công việc nói riêng. Ly không thần tượng ai một cách đặc biệt vì Ly quan niệm, ẩm thực "lên ngôi" là khi tất cả mọi người đều có thể tiếp cận với những món ăn ngon, tốt cho sức khoẻ và hiểu được công sức của người đầu bếp. Vì vậy, Ly đi khắp nơi để học hỏi, từ ẩm thực đường phố, từ những bãi biển, từ bạn bè và cả từ những cảm xúc của riêng Ly.
PV: Chưa đầy một năm sau khi giành chiến thắng, Ly đã xuất bản cho riêng mình cuốn sách dạy nấu ăn đầu tiên với 45 công thức. Vậy bạn có thể chia sẻ với độc giả về công việc hiện tại?
Khánh Ly: Khi trở thành quán quân, Ly còn tương đối thiếu kinh nghiệm vì mình còn trẻ và chưa được tiếp xúc nhiều với môi trường ẩm thực chuyên nghiệp. Sau đó, Ly có cơ hội được theo học một khóa đào tạo chuyên về thành lập và quản lý các nhà hàng tại Viện Paul Bocuse danh tiếng ở thành phố Lyon, Pháp. Tại đây, Ly được thỏa sức sáng tạo các công thức món ăn dựa trên những kỹ thuật làm bếp chuyên nghiệp học được.
Hiện tại, Ly thường xuyên nhận lời mời tham gia các chương trình truyền hình, tổ chức tiệc trong và ngoài nước. Nhân cơ hội làm việc này, Ly cũng dành thời gian để tìm hiểu thêm về nền ẩm thực các nước bạn, nếm những món ăn mới lạ, thử những đồ uống đặc trưng, giao lưu và tự trau dồi kiến thức.
PV: Mục tiêu trong vòng 6 năm kể từ khi trở thành "Vua đầu bếp" của bạn là tự mở một nhà hàng. Vậy bạn có thể bật mí với độc giả về dự án này được không?
Khánh Ly: Ngoài những lúc tự biên tự diễn, trong chương trình "Vua đầu bếp", Ly đã nấu món súp cá kết hợp giữa hai phong cách Việt - Pháp và giành chiến thắng. Vì thế, khi làm khóa luận tại Viện Paul Bocuse, Ly đã lập kế hoạch mở một nhà hàng ăn kết hợp hai phong cách Á - Âu. Dự án này được 20 giám khảo là những chuyên gia kỳ cựu trong ngành đánh giá cao và nhiều nhà đầu tư mong muốn được hỗ trợ tài chính cho Ly thực hiện. Tuy vậy, Ly đã từ chối bởi Ly là một người cầu toàn, muốn mình thực sự trưởng thành để lo cho toàn bộ dự án và tỉ mỉ từ khâu lên kế hoạch.
Những việc Ly làm bây giờ là để chuẩn bị cho một tương lai vững vàng, để tự do tài chính và chăm sóc gia đình. Ly sẽ rất vui được giới thiệu với mọi người về nhà hàng của riêng mình khi đã sẵn sàng.
PV: Gần đây, Việt Nam được bầu chọn là một trong những quốc gia lý tưởng nhất thế giới để khởi nghiệp, Ly có ý định mở nhà hàng tại Việt Nam hay không?
Khánh Ly: Ở thời điểm hiện tại, hướng đi của Ly rất rõ ràng. Trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước phát triển, nếu có cơ hội thì chắc chắn Ly sẽ nắm bắt và xây dựng một thương hiệu tại quê hương, vì Việt Nam là một phần không thể thiếu trong tâm hồn của Ly.
PV: Cảm ơn Vua đầu bếp Huỳnh Khánh Ly đã dành thời gian chia sẻ dù lịch làm việc tại Việt Nam rất dày đặc. Chúc Khánh Ly luôn thành công với mọi dự định và cháy hết mình với đam mê ẩm thực!
Tác giả: Linh Bùi - Duy Tiến (thực hiện)
Nguồn tin: http://cand.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn