Không tính các thành viên của CLB Hà Nội, với người hâm mộ bóng đá trung lập, cái tên Đỗ Hùng Dũng gần như chỉ được biết đến từ Asian Games 2018. Tức là tính cho đến thời điểm được các chuyên gia bóng đá và các ngòi bút chuyên viết về thể thao điền tên vào danh sách tranh Quả bóng vàng (QBV) Việt Nam (đầu năm 2020), Đỗ Hùng Dũng chỉ mới thật sự nổi danh có… 1 năm rưỡi.
Tức là, đến năm 25 tuổi, Hùng Dũng mới được biết đến, trong khi những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn… đã nổi danh từ tuổi 19. Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Hà Đức Chinh… cũng sớm được biết đến ở độ tuổi tương tự.
Nhưng thành công của Đỗ Hùng Dũng ở giải thưởng QBV Việt Nam năm 2019 cho thấy với đời cầu thủ nói riêng và ở rất nhiều lĩnh vực nói chung, chẳng bao giờ là quá muộn cho bất cứ khởi đầu nào. Và không nhất thiết phải có tố chất quá đặc biệt mới có thể vươn đến thành công, không nhất thiết muốn trở thành cầu thủ lớn phải nổi danh từ sớm.
Bởi, nói về tố chất, Đỗ Hùng Dũng chẳng có nét gì đặc biệt, chí ít là so với nhóm các cầu thủ thuộc vào hàng quái kiệt của bóng đá Việt Nam hiện nay như Công Phượng, Tuấn Anh, Quang Hải.
So về kỹ thuật và độ tinh quái, Hùng Dũng khó sánh với Công Phượng, Quang Hải. So về chất tài hoa, Hùng Dũng chắc chắn không bằng Tuấn Anh. Cầu thủ của CLB Hà Nội cũng không thật cao lớn như Đoàn Văn Hậu. Nhưng anh vẫn thành công bằng sự cần mẫn, và bằng sự nỗ lực không ngừng trên sân tập lẫn trên sân cỏ.
Giới cầu thủ truyền tai nhau rằng Hùng Dũng hiếm khi chịu rời các buổi tập sớm. Ngược lại, cầu thủ này thường tự tập thêm giờ, thậm chí tự mua thêm sữa và thực phẩm dinh dưỡng, để bổ sung năng lượng để bù vào thể hình không thật lý tưởng của mình.
Sự siêng năng dẫn đến sự dẻo dai, và từ sự dẻo dai Hùng Dũng trở thành cầu thủ có ích cho trong mọi sơ đồ và mọi đấu trường mà các HLV Chu Đình Nghiêm ở CLB Hà Nội, cũng như Park Hang Seo ở đội tuyển quốc gia áp dụng.
Ngày Hùng Dũng chiếm 1 trong 3 suất ngoài 23 tuổi của đội Olympic Việt Nam tham dự Asian Games, anh là cái tên gây tranh cãi, bởi một số quan điểm khác cho rằng nên dành suất đấy cho người tốt hơn.
Thế rồi Hùng Dũng chứng minh rằng quyết định của HLV Park Hang Seo năm đó là chính xác, góp công lớn đưa đội tuyển Olympic Việt Nam vào bán kết giải đấu này. Đến khi đội U22 Việt Nam dự SEA Games 30 vào cuối năm 2019, việc Hùng Dũng chiếm 1 trong 2 suất ngoài 22 tuổi (cùng với Trọng Hoàng) tham dự Đông Nam Á vận hội trên đất Philippines, dư luận bóng đá trong nước xem suất dành cho Hùng Dũng là điều đương nhiên.
Có nghĩa là từ chỗ vô danh và bị nghi ngờ về mặt năng lực, Đỗ Hùng Dũng dần được thừa nhận, rồi bước vào hàng ngũ những cầu thủ có chất lượng tốt nhất nước.
Sự thừa nhận đấy, khác với một vài cầu thủ khác vốn có sẵn tố chất, đến từ nỗ lực tự thân của Đỗ Hùng Dũng, đến từ tinh thần cầu tiến của chính cầu thủ này.
Với Đỗ Hùng Dũng, không có gì là quá muộn, có thể xuất phát điểm của anh chỉ là một tiền vệ bình thường như rất, rất nhiều tiền vệ bình thường khác, trước khi anh tự biến mình thành tiền vệ hàng đầu Việt Nam hiện nay!
Những thông số ấn tượng của Đỗ Hùng Dũng trong năm 2019
Ngoài các danh hiệu vô địch V-League (cùng CLB Hà Nội), vô địch SEA Games (cùng U22 Việt Nam), vào tứ kết Asian Cup và dẫn đầu bảng G vòng loại thứ 2 World Cup 2022 – khu vực châu Á (cùng đội tuyển Việt Nam), còn có những thông số khác, phản ánh sự dẻo dai của Đỗ Hùng Dũng trong năm qua.
Hùng Dũng thi đấu đủ 26/26 trận của CLB Hà Nội tại V-League 2019, trong đó có 23 trận đá chính và 3 trận vào sân từ băng ghế dự bị. Đá đủ 4 trận của CLB Hà Nội tại cúp quốc gia (từ vòng 1/8 đến chung kết), thi đấu 13 trận ở AFC Cup, nhiều hơn bất kỳ cầu thủ nào ở đội bóng thủ đô, chưa kể các trận đấu trong màu áo các đội tuyển, như đã nêu ở trên.
Kim Điền
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn