Công viên Thống Nhất (Hà Nội) được khởi công xây dựng từ năm 1958. Công viên này được xem như một biểu tượng sinh động của khát vọng hòa bình. Đây cũng là nơi gắn liền với thời thanh xuân hăng hái lên đường xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nhiều thế hệ người Hà Nội.
Trong công viên rộng 50ha này, ngoài hồ Bảy Mẫu, hai cầu mang tên Thống Nhất - Hoà Bình còn có hệ thống tượng bày trí độc đáo. Những pho tượng này nằm rải rác khắp khuôn viên và gắn liền với lịch sử hình thành của Công viên Thống Nhất. Trải qua thời gian, không ít tượng đã xuống cấp, bong tróc và rêu mốc.
Chính vì lẽ đó, mới đây, BGĐ Công viên Thống Nhất đã cho quét sơn lại để bảo quản và cũng là để thay đổi diện mạo của công viên sau thời gian đóng cửa do dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc những bức tượng có tuổi đời hơn 60 năm bất ngờ được phủ lên những lớp sơn loè loẹt khiến không chỉ người dân mà cả giới hội hoạ cũng ngỡ ngàng. Nhiều người tỏ ra tiếc nuối bởi những bức tượng mang dấu ấn thời gian này đã mất đi vẻ đẹp thuần tuý.
Nhà phê bình mỹ thuật Mai Thơ cho rằng, có thể người dân nhìn qua sẽ thấy việc những bức tượng trong công viên phủ màu sơn mới là bình thường bởi họ không quan tâm lắm đến nghệ thuật. Nhưng với những người làm về mỹ thuật thì đó là một “cú sốc thị giác”.
“Với giới mỹ thuật, công viên là môi trường thẩm mỹ. Bên cạnh, sắc mầu của tự nhiên như cây xanh tạo cảm giác bình yên, thư giãn; sắc hoa là sự tươi tắn sinh khí… thì tượng trang trí mà con người thêm vào để tăng thêm tính thẩm mỹ, sự sinh động. Tuy nhiên, sự sắp đặt không được phép phá vỡ môi trường công viên. Đó là đặt tượng tròn màu trắng mà không phải những tượng có mầu sắc lòe loẹt. Việc chỉnh sửa tượng không đúng nguyên bản ban đầu là một sự can thiệp thô bạo đến cảnh quan và môi trường công viên.
Nâng cao thẩm mỹ của người dân khi tới công viên là trách nhiệm của người làm thẩm mỹ môi trường. Bây giờ nếu những bức tượng được sơn trắng lại hoàn toàn, chắc chắn người dân sẽ có cảm nhận khác biệt. Họ sẽ nhận thấy tượng trắng trông nhẹ nhõm hơn nhiều thay vì những bức tượng toàn màu nguyên sắc. Những bức tượng khi được sơn màu sẽ làm mất đi hình khối của tượng, trong khi sơn màu trắng sẽ trả lại những nét đẹp hình khối”.
Tương tự, nhà điêu khắc Phạm Sinh cũng cho rằng, đối với công chúng không biết về mỹ thuật thì họ sẽ không bàn nhiều nhưng với những người có chuyên môn thì rõ ràng việc sơn lại tượng đã không đạt yêu cầu. Thậm chí, nó đi ngược lại với tính thẩm mỹ của tượng.
Theo nhà điêu khắc Phạm Sinh, một trong những nguyên tắc của việc trùng tu tượng là làm mới lại bề mặt, căng lại khối và những phần sứt sẹo trên mình tượng. Sau đó, tiến hành xử lý chất liệu trên bề mặt đúng như tinh thần ban đầu của tượng chứ không phải quét sơn lên như tượng ma-nơ-canh trong cửa hàng quần áo.
Ông Hoàng Kim Hồng - TGĐ Công viên Thống Nhất cho rằng, toàn bộ 17 bức tượng trong công viên có tuổi đời hơn 60 năm, trải qua nắng mưa, bão táp, thời gian... đã có dấu hiệu xuống cấp. Nhiều bức tượng bị bong tróc, loang lổ, nhìn rất thảm hại. Vì lẽ đó mà cán bộ - công nhân viên của công viên thấy nên phải quét sơn lại để bảo quản cũng như làm cho cảnh quan sinh động hơn.
“Đây chỉ là những bức tượng mang tính trang trí đơn thuần chứ không phải tượng doanh nhân hay cổ động. Vì thế, chúng tôi muốn sơn lại cho màu sắc sinh động hơn. Từ khi sơn lại, nhiều người dân đến đây tập thể dục đều nhận xét “bắt mắt hơn” chứ không thấy ai chê bai gì cả.
Khi thực hiện việc sơn này chúng tôi không tham khảo ý kiến tư vấn của ai vì thấy việc này không có gì to tát cả. Tuy nhiên, chúng tôi sẵn sàng tiếp thu mọi ý kiến của dư luận. Nếu mọi người chưa thấy đẹp, chưa phù hợp… chúng tôi sẵn sàng sơn lại theo như màu ban đầu”, ông Hoàng Kim Hồng cho biết thêm.
Trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều ý kiến phản ứng gay gắt đối với cách sơn tượng ở công viên Thống Nhất.
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình cho rằng: “Bích họa khắp nơi, vẽ lên tường, tủ điện, cột đèn và bây giờ là sơn tượng công viên. Bây giờ cần phải đặt câu hỏi do đâu mà chui ra hiện tượng như thế này?”.
Hoạ sĩ Trần Thảo Hiền bình luận: “Ở nước ngoài làm gì cũng có người phụ trách về thẩm mỹ cho các nơi công cộng. Người đó phải là hoạ sĩ và là nhà thiết kế. Ở Việt Nam cái gì cũng tự phát, không được thì làm lại mà phá hỏng hết rồi sao làm lại được?”.
Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn