“The Handmaiden” (2016) đứng thứ 41/100
Bộ phim đình đám của điện ảnh Hàn Quốc ra mắt hồi năm 2016 là một tác phẩm tâm lý giật gân có nhiều cảnh nóng. Bộ phim của đạo diễn Park Chan-wook đã được lựa chọn để tranh tài ở hạng mục Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes.
Phim đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi của giới phê bình tại Hàn Quốc và quốc tế, thu về doanh số 38 triệu USD từ mức đầu tư 8,8 triệu USD. Phim được lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết “Fingersmith” của nhà văn xứ Wales - Sarah Waters, bối cảnh phim đã được thay đổi từ xứ sở sương mù sang xứ sở kim chi.
“The Handmaiden” được đánh giá là một bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học rất xuất sắc. Từ nguyên tác văn học thuộc thể loại tiểu thuyết tội phạm, đạo diễn Park Chan-wook đã xây dựng nên một phim tâm lý giật gân với những chuyện tình có nhiều bước ngoặt bất ngờ khó đoán. Đây được xem là một trong những phim điện ảnh gợi cảm nhất trong thế kỷ 21.
“Once Upon a Time in Anatolia” (2011) đứng thứ 38/100
Bộ phim được biên kịch và đạo diễn bởi nhà làm phim người Thổ Nhĩ Kỳ - Nuri Bilge Ceylan. Phim kể câu chuyện về một nhóm những người đàn ông đang đi tìm kiếm thi thể của một người bị sát hại đang nằm đâu đó trên vùng thảo nguyên Anatolia. Bộ phim đã công chiếu tại LHP Cannes và từng giành được giải thưởng lớn Grand Prix.
Trong đêm tối, ba chiếc xe cảnh sát chở một nhóm người đàn ông gồm những cảnh sát, một bác sĩ, một công tố viên, những người đào mộ, và hai anh em trai đang thuộc diện bị tình nghi giết người. Họ chạy quanh những khu vực của một thị trấn nằm trên thảo nguyên để tìm kiếm một thi thể bị chôn giấu.
Kenan, một trong hai kẻ bị tình nghi, đưa nhóm đi từ chỗ này sang chỗ khác để tìm kiếm, bởi trong thời điểm gây tội ác, anh ta đang say và không thể nhớ nổi mình đã thực sự ở đâu, còn người em trai tâm thần bất ổn của anh ta dù cũng có mặt tại hiện trường, nhưng không thể đưa ra thêm thông tin gì có giá trị cho cảnh sát.
Bóng tối và không gian na ná nhau khiến việc tìm kiếm gặp khó khăn, bởi nơi nào trông cũng giống nhau. Trong quá trình di chuyển, những người đàn ông nói về nhiều chủ đề, về ẩm thực, về gia đình, về cái chết, những câu chuyện thời sự, công việc... Họ thậm chí bàn cả về triết học và có đôi lần lật đi lật lại chuyện “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” như một vòng tuần hoàn nhân quả.
Thực sự, khi theo dõi bộ phim, người ta dần không còn quan tâm tới việc ai thực sự là thủ phạm giết người và tại sao lại gây ra chuyện ấy. Những cuộc trò chuyện và những quãng im lặng mới là trung tâm của chuyện phim.
Họ đi tìm kiếm một thi thể, nhưng cả hành trình di chuyển cùng nhau, người ta lại nhìn thấy rõ nhất những nỗi buồn bã, thất vọng của người còn sống giữa cuộc đời này. Đây không phải một bộ phim dễ xem, nhưng được đánh giá là siêu phẩm đối với người xem có đủ kiên nhẫn để xem phim diễn tiến chậm.
“A Separation” (2011) đứng thứ 36/100
Bộ phim của điện ảnh Iran được biên kịch và đạo diễn bởi Asghar Farhadi. Chuyện phim tập trung vào một cặp vợ chồng trung lưu người Iran đang trong giai đoạn ly thân, chuẩn bị ly hôn. Phim khắc họa những căng thẳng, xung đột của hai vợ chồng, những nỗi thất vọng và đau khổ của cô con gái khi chứng kiến những cuộc tranh cãi của cha mẹ.
Bộ phim cho thấy những mâu thuẫn trong đời sống gia đình có thể trở thành một bộ phim điện ảnh như thế nào. Các nhân vật trong phim đều có cái sai của mình. “A Separation” là bộ phim làm về đề tài gia đình với đầy đau đớn, tuyệt vọng. Nhưng sức mạnh của đạo diễn Farhadi nằm ở sự thấu hiểu, ông giúp cho người xem nhìn vấn đề từ nhiều khía cạnh và để có thể thấu hiểu cho nhân vật.
Bộ phim đã giành giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất, trở thành phim Iran đầu tiên giành được giải này. Ngoài ra, phim còn giành được giải Gấu Vàng cho Phim xuất sắc nhất và Gấu Bạc cho Nam chính - Nữ chính xuất sắc nhất tại LHP Berlin. Đây được xem là bộ phim “kỳ tích” của điện ảnh Iran.
“A One and a Two” (2000) đứng thứ 26/100
Bộ phim của điện ảnh Đài Loan được biên kịch và đạo diễn bởi Edward Yang. Chuyện phim xoay quanh những xúc cảm khó khăn của một kỹ sư đang ở tuổi trung niên. Câu chuyện gia đình được khắc họa qua ba góc nhìn trong gia đình trung lưu của người đàn ông (gồm nhân vật chính - người cha ở tuổi trung niên, cậu con trai nhỏ và cô con gái tuổi mới lớn), họ cùng sống ở Đài Bắc.
Bộ phim từng công chiếu tại LHP Cannes và đưa về cho đạo diễn Yang giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Bộ phim cho tới giờ vẫn được xem là một trong những phim đáng xem nhất ở thế kỷ 21.
Phim bắt đầu bằng một hôn lễ và kết thúc bằng một lễ tang, tất cả những gì diễn ra trong cuộc đời con người nằm ở giữa hai sự kiện ấy. Người cha trong phim đang cảm thấy bất bình trong công việc khi sự trung thực của mình lại trở thành điểm yếu, các cộng sự đều chỉ quan tâm tới việc kiếm được nhiều tiền. Trong lúc bức bối ấy, tình cũ của anh tìm cách nối lại quan hệ.
Cậu con trai nhỏ của anh đang gặp vấn đề ở trường khi bị bạn bè bắt nạt và bị thầy cô đối xử không công bằng. Con gái đang tuổi lớn thì vướng vào chuyện tình tay ba với một cậu thiếu niên bất hảo và một cô bạn hàng xóm. Cả ba bố con sẽ phải đương đầu với những vấn đề của mình, đồng thời phải chăm sóc cho bà ngoại bị bệnh nặng.
Lúc này, người vợ, người mẹ trong gia đình lại đang ở xa để tham gia một khóa tu nhằm học cách đối diện với cuộc khủng hoảng tuổi trung niên, cô không thể ở bên gia đình. Đây được đánh giá là một bộ phim làm về đề tài gia đình rất tinh tế, mọi chuyện trong phim đều rất quen thuộc trong đời sống thực nhưng được khắc họa với vẻ đẹp điện ảnh và sức hấp dẫn của nội dung.
“Spirited Away” (2001) đứng thứ 22/100
Bộ phim hoạt hình giả tưởng được biên kịch và đạo diễn bởi Hayao Miyazaki. Chuyện phim kể về Chihiro Ogino, một bé gái 10 tuổi. Khi chuyển tới một nơi ở mới, Chihiro đã vô tình bước vào thế giới của những linh hồn trong các câu chuyện dân gian của Nhật Bản.
Sau khi cha mẹ của cô bé bị biến thành những... chú lợn bởi mụ phù thủy Yubaba, cô bé Chihiro liền vào làm việc cho Yubaba để dần tìm cách cứu cha mẹ. Đây là bộ phim thành công nhất về mặt thương mại trong lịch sử điện ảnh Nhật Bản khi phim thu về hơn 347 triệu USD từ phòng vé toàn cầu.
Bộ phim nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình quốc tế và thường xuất hiện trong danh sách những phim hoạt hình xuất sắc nhất mọi thời đại. Phim đã giành giải Oscar cho Phim hoạt hình xuất sắc nhất, trở thành phim hoạt hình đầu tiên và cho tới giờ vẫn là phim duy nhất thuộc thể loại hoạt hình vẽ tay và không nói tiếng Anh giành về được giải thưởng này.
Phim cũng nhận được giải Gấu Vàng tại LHP Berlin và nằm trong top đầu của danh sách “50 phim hay nhất dành cho trẻ em dưới 14 tuổi”, do Viện phim Anh bình chọn. Trong danh sách những phim hay nhất của thế kỷ 21 do nhiều tờ tin tức quốc tế đưa ra, phim cũng luôn có thứ hạng cao.
“Shoplifters” (2018) đứng thứ 15/100
Bộ phim của điện ảnh Nhật Bản, được biên kịch và đạo diễn bởi Hirokazu Kore-eda. Chuyện phim xoay quanh một gia đình mà các thành viên không có quan hệ huyết thống với nhau, nhưng họ sống gắn bó với nhau như một gia đình đích thực và cùng dựa vào việc ăn cắp trong các siêu thị để có thể duy trì cuộc sống nghèo khó.
Đạo diễn Kore-eda thực hiện bộ phim này để thực sự tìm hiểu xem điều gì làm nên một gia đình, ông cũng lấy cảm hứng từ những thống kê cho thấy tỷ lệ người nghèo và các vụ trộm cắp trong siêu thị tại Nhật Bản đang gia tăng.
Phim đã được công chiếu tại LHP Cannes và giành giải Cành Cọ Vàng. Phim thành công cả về mặt nghệ thuật và doanh thu. “Shoplifters” là một phim kinh phí thấp nhưng thu về từ phòng vé 76,9 triệu USD. Ngoài ra, phim cũng được đề cử tại giải Oscar và giải Quả Cầu Vàng ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất.
Đạo diễn Kore-eda vốn luôn rất sắc sảo trong cách làm phim, những bộ phim trước đây của vị đạo diễn cũng thường khai thác chủ đề gia đình trong những hoàn cảnh bất thường. Như trong “Shoplifters”, băng nhóm trộm cắp siêu thị đã cùng bao bọc một bé gái bị bỏ rơi, cách họ ở bên nhau cho ta hiểu gia đình thực sự là gì khi vượt ra ngoài mối ràng buộc của máu mủ.
“In the Mood for Love” (2000) đứng thứ 5
Liệu có còn cặp đôi nào đẹp đẽ hơn thế trong lịch sử điện ảnh? Lương Triều Vỹ và Trương Mạn Ngọc là một cặp đôi hoàn hảo trong bộ phim nói về tình yêu nhưng không có lời yêu nào được thốt ra, chỉ có một ngọn lửa âm ỉ cháy.
Bộ phim của điện ảnh Hong Kong, dàn dựng bởi đạo diễn Vương Gia Vệ đã cho thấy một cảnh huống rất trớ trêu của tình yêu: “tình nhiều khi không mà có, tình nhiều lúc có như không”. Châu Mộ Văn và Tô Lệ Trân rõ ràng có vợ, có chồng, nhưng sự xuất hiện của hai nhân vật ấy trong phim rõ ràng “có như không”.
Còn hai người họ với nhau, rõ ràng chẳng phải một cặp đôi đích thực, nhưng không ai có thể phủ nhận giữa hai người không có một tình yêu. Chuyện phim kể về biên tập viên Châu Mộ Văn và nữ thư ký Tô Lệ Trân, họ cùng chuyển tới sống ở một khu nhà tập thể chật hẹp, đông đúc, hai nhà nằm ngay cạnh nhau.
Họ phát hiện ra rằng vợ của Châu Mộ Văn và chồng của Tô Lệ Trân đang ngoại tình với nhau, họ - hai con người bị lừa dối bấy lâu - làm bạn với nhau, để rồi yêu nhau, nhưng quyết không đến với nhau. Bộ phim khiến người xem nhức nhối bởi một mối tình đẹp đẽ nhưng vô vọng.
Bộ phim được đầu tư kỹ lưỡng đến từng chi tiết để đảm bảo tính thẩm mỹ cao nhất, đầy vẻ quyến rũ, gợi cảm, mà không hề dùng đến cảnh nóng. Vậy nhưng chỉ cần nhìn cách hai người khéo léo tránh nhau lúc bước ngang qua nhau trên lối cầu thang hẹp đã đủ thấy sự quyến rũ nồng nàn.
Bích Ngọc
Theo The Guardian
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn