Nghệ sĩ Vượng “râu”: “Trường Giang, Trấn Thành từ giờ đến hết nghề vẫn mãi như thế”

Thứ hai - 27/11/2017 08:01
“Tôi khẳng định, Trường Giang, Trấn Thành từ bây giờ đến hết nghề sẽ vẫn mãi như thế. Vì nghệ sĩ nếu tinh hoa phát tiết hết ra rồi, giống như trổ hết đòn rồi sẽ không còn gì để trổ nữa. Người nghệ sĩ tinh tế là người biết cân bằng và tiết chế bản thân”, nghệ sĩ Vượng “râu” chia sẻ.

Lòng tham của nhà sản xuất, nhà tài trợ khiến khán giả khó chịu

Tại sao năm nay anh không làm phim hài Tết như mọi năm?

Thật ra lúc đầu tôi cũng có ý định làm nhưng sau đó có nhiều việc quá nên không kịp làm hài Tết. Tuy nhiên, từ giờ đến Tết Nguyên đán, tôi sẽ làm một chùm tiểu phẩm để phát hành trên Youtube của tôi.

Xu hướng bây giờ là không phát hành đĩa nữa mà chủ yếu phát trên mạng xã hội. Xu hướng đã thay đổi vì một số năm trở lại đây, số lượng người mua đĩa đã ít đi, chủ yếu là các hãng xe và một số hộ gia đình họ không có internet. Bây giờ nhà nào cũng có một vài cái smartphone, thành thử ra việc sản xuất đĩa hài như ngày xưa khó khăn hẳn.

Nghệ sĩ Vượng “râu”: “Trường Giang, Trấn Thành từ giờ đến hết nghề vẫn mãi như thế”
Nghệ sĩ Vượng "râu" trong một sản phẩm ca nhạc - hài kịch mới lên sóng gần đây.

Anh nghĩ sao khi có nhiều ý kiến cho rằng, bây giờ sản xuất đĩa hài dễ dãi quá nên doanh nghiệp nào cũng có thể bỏ tiền ra sản xuất hài Tết để quảng bá sản phẩm?

Trước đây, khi làm đĩa hài “Cưới đi kẻo ế”, có một năm tôi làm rất hay vì ít đưa quảng cáo vào phim. Đĩa này người ta khen rất nhiều vì nội dung tốt và chất lượng hình ảnh cũng rất được đầu tư. Nhưng đĩa thứ hai, khi tôi đưa quảng cáo vào người ta ít khen hẳn. Vì phim bị ngắt thành nhiều đoạn, chỗ này quảng cáo, chỗ kia giới thiệu sản phẩm làm người ta mất hứng thú. Tính nghệ thuật cũng giảm đi rất nhiều.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại bởi nếu không có nguồn thu từ nhà tài trợ thì sẽ bị lỗ rất nặng. Cái khó nhất là đưa quảng cáo vào đĩa phim hài sao cho mềm mại để cân bằng được cả hai thứ. Với nhà tài trợ, bao giờ họ cũng thích sản phẩm của mình được đặc tả một cách nét nhất, quay qua loa họ không thích. Nhà sản xuất lại muốn tiết chế bớt để đĩa hài của mình không phải là một TVC quảng cáo. Lòng tham của nhà sản xuất lẫn nhà tài trợ đã vô tình làm cho khán giả không được hài lòng, khó chịu…

Theo anh, hiện tượng này có khiến cho thị trường hài Tết trở nên biến chất?

Đương nhiên là có chứ. Vì thực tế những đĩa hài do doanh nghiệp bỏ tiền ra để quảng cáo sản phẩm hoặc thương hiệu không phải là sản phẩm hài Tết độc lập. Sản phẩm này được sản xuất không phải để dành cho công chúng mà là sản xuất cho mục đích riêng của doanh nghiệp.

Theo tôi những chương trình này không nên họp báo vì họp báo là lừa gạt khán giả. Việc họp báo rồi ra vào dịp Tết làm cho khán giả tưởng đó là một sản phẩm hài Tết.

Ngày xưa xe khách Hoàng Long cũng từng làm những sản phẩm như thế để phát trên xe khách. Nhưng những sản phẩm đó chúng ta phải rạch ròi, đây không phải là hài Tết chính thống mà chỉ là một đĩa hài thị trường mang tính quảng bá thương hiệu. Tức không phải sản phẩm được nhà sản xuất đầu tư về mặt chất xám lẫn tính nghệ thuật mà chỉ mang tính thương mại.

Nếu là khán giả anh có xem những đĩa hài như thế không?

Tôi thấy rằng, với một số khán giả dễ tính họ không đặt nặng chuyện hay dở mà chỉ cần nội dung vui vui rồi có nghệ sĩ họ yêu thích tham gia thì họ vẫn xem… Nhưng khán giả khó tính họ sẽ không thích vì vừa mở ra đã thấy cốc trà, xem một đoạn nữa lại thấy gói thạch, xem đến giữa lại thấy thùng sơn, cuối cùng là chiếc xe đạp điện… Tức là khán giả sẽ thấy mình trở thành “nạn nhân” của những trò quảng cáo.

Nhiều lúc, chúng tôi đề xuất chỉ nên để sản phẩm xuất hiện trong hình thôi, không cần phải nói tên sản phẩm là gì, ai sản xuất, công năng thế nào… nhưng nhà tài trợ lại nhất nhất phải có một câu giới thiệu về sản phẩm của họ. Chính câu nói đó làm cho cả tiểu phẩm trở nên thô thiển đi rất nhiều. Một khi đã thương mại hoá nghệ thuật thì sản phẩm hài đó không còn là sản phẩm nghệ thuật đơn thuần nữa. Cho nên khán giả khó tính không hề vui khi xem những phim hài Tết như thế.

Nghệ sĩ Vượng “râu”: “Trường Giang, Trấn Thành từ giờ đến hết nghề vẫn mãi như thế” - Ảnh minh hoạ 2
Nghệ sĩ Vượng "râu" và NSƯT Hoài Linh trong hậu trường lievshow ca sĩ Hồ Quang 8.

Trấn Thành, Trường Giang đang "bán lúa non"?

Năm nay, anh lại tiếp tục làm “Tết Vạn Lộc” với hai phần ca nhạc và tiểu phẩm hài. Hai tiểu phẩm năm nay sẽ hướng đến nội dung gì?

Năm nay tôi sẽ đề cao ơn nghĩa sinh thành. Tức là một tiểu phẩm nói về cha, một tiểu phẩm nói về mẹ. Bên cạnh tiếng cười trong mỗi tình huống là những nỗi nghẹn ngào về đạo làm con. Đạo làm con không phải là những điều to tát nhưng không phải ai cũng làm được. Cái khó nhất trong cuộc sống là những điều chúng ta biết nhưng chúng ta không nhìn nhận ra được. Hoặc chúng ta nhìn ra được mà không làm được.

Nhiều năm nay, các tiểu phẩm hài có sự tham gia của anh đều do anh chịu trách nhiệm về kịch bản, đã bao giờ anh bí kịch bản chưa?

Trong nghệ thuật, tôi là người rất tiết kiệm, chắt lọc, dè xẻn… vì tôi nghĩ con đường nghệ thuật rất dài. Nhiều khi tôi nói vui rằng, có khi cả đời làm nghệ thuật tôi mới bộc lộ 50% là cao. Việc sắp xếp một chuỗi chương trình dài trong cuộc đời nghệ sĩ là vấn đề cực kỳ khó. Một là anh phải vụt lên để toả sáng. Hai là anh phải tranh thủ tìm mọi cách để anh kiếm tiền. Ba là bộ mặt anh phải phơi bày lên để đạt được danh và tiền. Tất cả những điều đó nếu không biết tiết chế sẽ rất nguy hiểm.

Tôi khẳng định, Trường Giang và Trấn Thành từ bây giờ đến hết nghề sẽ vẫn mãi như thế. Vì nghệ sĩ nếu tinh hoa phát tiết hết ra rồi, giống như trổ hết đòn rồi sẽ không còn gì để trổ nữa. Người nghệ sĩ tinh tế là người biết cân bằng và tiết chế bản thân.

Nhiều nghệ sĩ lớn không dám diễn chương trình lớn vì họ không biết diễn gì. Những tiểu phẩm họ diễn cho hàng chục triệu người xem rồi và phát hành hàng bao nhiêu lần băng đĩa nhưng vẫn phải diễn lại vì không còn khả năng sáng tạo cái mới. Nghĩa là họ “phát” ra hết rồi không còn gì để giữ được nữa.

Theo cách nói của anh thì có nghĩa là những diễn viên như Trấn Thành, Trường Giang… lên truyền hình nhiều là “bán lúa non”?

Nghệ sĩ Vượng “râu”: “Trường Giang, Trấn Thành từ giờ đến hết nghề vẫn mãi như thế” - Ảnh minh hoạ 3

Đúng thế. Trấn Thành với Trường Giang bây giờ lên truyền hình quá nhiều nên chưa chắc đã “tinh” như trước đây. Người nghệ sĩ thường phân định ra hai dạng, khi đã có một vị thế nhất định rồi phải biết “phanh” mình lại đã. Có những người bảo không phanh được vì nghĩ bây giờ nước rút rồi nên phải nhấn ga. Vợt từ quảng cáo, gameshow, đến sự kiện… để kiếm một số tiền vì họ không biết cuộc đời nghệ sĩ mai mốt sẽ ra sao. Chính vì cái đó đã làm biến chất cái “chất” của người nghệ sĩ. Để một người nghệ sĩ đi được đường dài rất khó. Diễn 5 - 7 năm rất dễ nhưng để vài chục năm là rất khó.

Phải chăng vì thế mà anh không dám mời Trường Giang - Trấn Thành tham gia chương trình nghệ thuật “Tết Vạn Lộc” của anh?

Thực ra, các em ấy vẫn rất duyên dáng nhưng với một chương trình như gala “Tết Vạn Lộc” thì việc mời các em ấy tham gia vẫn chưa thích hợp. Tôi rất sợ mời lúc cao trào, các nghệ sĩ hét ở mức ngất ngưởng lắm. Tôi không chơi với những nghệ sĩ ngôi sao. Thậm chí, có nghệ sĩ xuống vực thẳm tôi mới mời nhưng sau khi tôi mời họ lại lên cao hơn trước.

Nghệ sĩ khi mà đang ở cao trào thường rất đồng bóng. Tôi cũng thế mà các nghệ sĩ khác cũng thế. Vì đồng bóng nên lập trường không vững vàng. Tính phiêu diêu của họ rất cao. Nhiều người mời quá nên họ rất ảo tưởng.

Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.

Tác giả: Hà Tùng Long

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây