Theo thống kê, tính đến trước vòng 26, trung bình chỉ có khoảng hơn 5.600 người đến sân xem mỗi trận đấu tại V-League. Con số đấy dĩ nhiên quá thấp đối với một quốc gia có lượng người mê bóng đá lớn nhất thuộc hàng top thế giới như Việt Nam.
Và con số vừa nêu cũng chỉ là theo báo cáo qua văn bản của các giám sát, trong khi thực tế có thể còn thấp hơn nữa.
Khá giả thấp vì nói đến V-League bây giờ, người ta khôg nghĩ đến sự hấp dẫn về mặt chuyên môn, mà người ta nghĩ ngay đến giải đấu nhiều bạo lực, trong khi khâu điều hành giải, nhất là từ các ban chức năng của VFF phối hợp với BTC giải, như Ban trọng tài và Ban kỷ luật có vấn đề.
Nói đến V-League là người ta nghĩ đến những phát biểu thiếu chuẩn mực của chính một số người đang tham gia điều hành bóng đá nội, có chân trong BCH VFF, khiến cho niềm tin của người hâm mộ càng lung lay, kỷ cương của giải đấu càng đứng trước thách thức.
Và nói đến V-League, người ta không thể không nói đến tính cạnh tranh thấp của giải đấu này.
Giải đấu có đến 14 đội tham dự, nhưng chỉ có 1 suất rớt hạng, khiến cho giải chỉ đi khoảng nửa chặng đường là người ta có thể đọc ra tên của đội bóng xấu số, bị điểm mặt là ứng cử viên rớt hạng đấy.
Thành ra, phần còn lại của nửa mùa giài sau, đối với rất nhiều đội bóng không còn quyết liệt, bởi phần đông các đội tại V-League không màng đến các vị trí cao. Nếu đã không rớt hạng, thì phần còn lại của mùa giải đối với họ không còn là cuộc chiến một mất một còn. Chất lượng các trận đấu vì thế giảm đi.
V-League có 14 đội, nhưng hết 4 đội trong số đó chịu ảnh hưởng của chỉ 1 ông bầu, hình thành nên khái niệm “một ông chủ - nhiều đội bóng” vốn không có trong thông lệ quốc tế, vốn bị FIFA cấm tiệt.
Thành ra, cuộc đua đến ngôi vô địch vì thế cũng mất vui. Người trong cuộc thề sống thề chết sẽ đá và đã đá sòng phẳng với nhau, nhưng có tin vào thái độ của họ, có tin vào sự sòng phẳng mà họ tuyên bố hay không lại là quyền của khán giả!
Có thể chuyện CLB bóng đá Quảng Nam lên ngôi đúng như dự đoán của phần đông người theo dõi bóng đá nội trước đó nhiều tháng, chỉ là trùng hợp.
Có thể kịch bản Hà Nội T&T năm 2012 “ôm chân” XM Xuân Thành Sài Gòn ở sân Thống Nhất để SHB Đà Nẵng đăng quang cùng thời điểm trên sân Ninh Bình, và việc năm 2017 Hà Nội FC bây giờ đá theo kiểu “tự bắn vào chân mình” rồi bị Than Quảng Ninh cầm hoà, trước khi CLB Quảng Nam đủ điều kiện vô địch, dù giống nhau về đường đi nước bước, nhưng chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên.
Đó là những suy nghĩ tích cực nhất về V-League, về tính sòng phẳng của V-League, đối với những khán giả lạc quan nhất.
Nhưng ngay cả khi đó, người ta vẫn có quyền thắc mắc rằng do đâu mà tất cả những điều trùng hợp đấy chỉ có lợi cho các đội bóng của chỉ một ông bầu?
Ngay cả khi đó, vẫn không ai sáng tỏ chuyện rằng với việc chi phối đến những 4 đội bóng đá cùng 1 giải đấu, ảnh hưởng của bầu Hiển đến 4 đội bóng vừa nêu, đến toàn bộ V-League là lớn đến mức nào? Rằng tại sao đấy là thực tế không thể tồn tại ở khắp thế giới, nhưng lại xuất hiện tại V-League?
Và một khi người hâm mộ không được giải đáp đến tận cùng những thắc mắc vừa nêu, khó trách họ không còn tin vào tính sòng phẳng của giải! Càng không thể trách họ không còn muốn đến các sân bóng với tâm trạng bán tín bán nghi!
Tác giả: Kim Điền
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn