Ngày xưa, nhà tôi ở phố Triệu Việt Vương gần với ngã ba Đoàn Trần Nghiệp. Tuổi thơ của tôi là những buổi chiều lang thang cầm chiếc giỏ nhựa nhặt hoa sấu rụng phủ trắng hai bên hè. Quê gốc trên giấy tờ của tôi là ở Hưng Yên, nhưng từ đời ông bà nội tôi đã lập nghiệp và sinh sống ở Hà Nội, nên trong ký ức của tôi hầu như không có khái niệm về chữ QUÊ mà chỉ gắn liền với con phố nhỏ Triệu Việt Vương ấy mà thôi.
Nhà tôi khi ấy cũng chẳng phải khá giả gì, nên cái thèm lớn nhất, khao khát nhất của lũ trẻ con như tôi hồi ấy là được ăn, ăn gì cũng được mà là thịt thì càng tốt.
Tôi nhớ mãi cái Tết năm ấy, bố hớn hở vào hỏi mẹ con chúng tôi rằng: “Cả nhà mình có thích ăn thịt gà không?” Tiếng đồng thanh: “Có!” vang lên. Và bố nói: “Nào lên đường!”
Tôi sung sướng lắm, leo tót lên pooc - ba - ga xe đạp của bố, ngồi chễm chệ trên đó, mẹ và anh trai tôi ngồi phía sau còn bố là người lái, đưa cả gia đình tới với giấc mơ: được ăn thịt gà.
Rồi bố đưa cả nhà tới chúc Tết một gia đình họ hàng và ở đó chúng tôi được ăn thịt gà thật. Lúc đó tôi sung sướng lắm, nhưng giờ cứ mỗi lần nghĩ lại vẫn thấy cay cay nơi sống mũi.
Chẳng là, cái gia đình họ hàng ấy nói chung là giàu có, bố mẹ tôi đến thăm phần vì phong tục ngày Tết, phần vì cố chần chừ vì thể nào đến bữa họ cũng mời ăn. Chao ôi, sao mà thương bố mẹ quá, nghệ sỹ mà, nghèo là đương nhiên. Đối với bố mẹ tôi lúc ấy, thịt gà là một thứ vô cùng xa xỉ, cố nén sỹ diện để ngày Tết cho các con của mình được cải thiện chút ít. Còn anh em chúng tôi thì cứ hồn nhiên như vậy thôi, biết đâu được niềm hạnh phúc mang sắc màu xót xa của bố mẹ.
Ký ức ngày Tết của tôi còn là những lần được nghịch pháo. Dành dụm chút tiền lẻ mẹ cho, tôi rủ lũ bạn hàng xóm mua về những băng pháo tép, gỡ ra từng quả rồi đốt dần. Tiếng pháo nổ và mùi khói thuốc pháo có một nét quyến rũ rất đặc trưng, ngửi mùi pháo là thấy Tết, không lẫn đi đâu được.
Chưa hết, có lần tôi nghịch dại, đi nhặt những quả pháo xịt còn vương lại ngoài đường, đem về bóc ra để lấy thuốc pháo rồi gom lại trong một tờ giấy. Sau đó, tôi nhặt một cái đót thuốc lá còn cháy dở dứ dứ vào đống thuốc pháo ấy. Thế là xèo một cái, tôi còn chưa kịp định thần thì cả bàn tay đã bị bỏng mất rồi. Tôi không nhớ sau đó thế nào, mình có bị mẹ mắng hay không nữa, nhưng may là giờ bàn tay còn lành lặn.
Còn nữa, trẻ con thời nào cũng thích được lì xì, ấy thế mà có một cô bạn của bố mẹ, năm nào đến chơi cô cũng lì xì cả vốc bong bóng đủ màu. Lúc đầu tôi còn thích lắm, phồng mồm trợn má lên mà thổi, rồi chọc hoặc bóp cho nó vỡ. Nhưng chỉ thích lúc đầu thôi, vì thực ra thích lì xì bằng tiền cơ. Rồi đến một năm nào đó, khi cô ấy lại mừng tuổi tôi theo cách ấy, tôi đã thốt lên ngay trước mặt cả cô và bố mẹ rằng: “Lại bóng!” làm tất cả cười ồ lên. Tôi ngày bé hồn nhiên thế, giờ nghĩ lại chắc lúc đó bố mẹ ngượng lắm…
Đó là những ký ức về ngày Tết tuổi thơ mà tôi nhớ mãi. Cho đến tuổi này, Tết đối với tôi vẫn luôn có ý nghĩa đặc biệt. Ngày bé thì thích được ăn ngon, thích được lì xì… còn giờ thì thấy ý nghĩa nhất là sự sum họp, đoàn viên.
Dù chúng ta có làm gì, ở đâu thì điều mong mỏi nhất ngày Tết là được trở về bên gia đình, người thân. Đó là một cảm giác rất ấm áp và an lành.
Hơn nữa, vào dịp Tết, tâm hồn của con người dường như được thanh lọc hơn, chúng ta trở nên dễ tính hơn, ôn hòa hơn, lịch sự hơn và mỉm cười nhiều hơn, thậm chí là cả với những người không hề quen biết. Tôi cứ ước ao giá như tất cả mọi ngày trong năm chúng ta đều mang một tâm trạng như thế, đều đối xử với nhau như thế thì chắc cuộc sống này thật là tuyệt vời!
Nguyễn Hằng ghi
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn