Ba ngày Tết và mâm cỗ Tết

Thứ bảy - 25/01/2020 09:38
(Dân trí) - Mâm cỗ Tết trước tiên được dâng cúng tổ tiên. Sau đó cả nhà quây quần bên mâm cỗ, đầm ấm, sum vầy trong không khí rạo rực của mùa xuân, nâng ly rượu chúc nhau một năm mới ấm no hạnh phúc với bao điều tốt đẹp.

Tục ngữ Việt Nam có câu“Đói giỗ cha, no ba ngày Tết”. Nhiều người cho rằng, vì phải thực hiện nghi lễ cúng bái, tiếp đón khách, lại thêm khách đến ăn giỗ nhiều hơn dự kiến… nên mới bị đói vào ngày giỗ cha; trong khi Tết, nhà nào cũng có cỗ, đi đâu cũng được mời ăn… nên no đủ. Tuy nhiên, giải thích như vậy là chưa thấy hết được ý nghĩa và tầm quan trọng của cái Tết trong tâm thức người Việt.

Ngày giỗ cha rất quan trọng. Nhưng giỗ cha không dứt khoát phải cỗ bàn thịnh soạn. Gặp năm mùa màng thất bát, đói kém, chiến tranh, loạn lạc... thì ngày giỗ cha, có khi chỉ có nén hương, chén nước, bát cơm, quả trứng để tưởng nhớ. Bởi tín ngưỡng thờ cúng của người Việt không câu nệ mâm cao cỗ đầy, “Bắt thiếu giỗ, không ai bắt cỗ lưng”. Thế nhưng ba ngày Tết lại là chuyện khác. Người ta có thể túng thiếu, quanh năm nhịn đói, nhịn thèm, nhưng ba ngày Tết cũng phải chạy vạy bằng được để ít nhất không được ăn ngon, cũng phải ăn no, hoặc có gì đó khác ngày thường. Bởi ngày Tết, ăn còn để lấy may cho cả năm.

Ba ngày Tết và mâm cỗ Tết

Minh họa: Toma Nguyễn

Tết không chỉ ý nghĩa với người sống mà còn với cả ông bà, tổ tiên, quê hương, xóm làng. Người tha hương nơi góc biển chân mây, ngày giỗ cha có khi đành ngậm ngùi vọng bái; nhưng năm hết Tết đến thì nỗi sầu xa xứ bỗng trỗi dậy, thôi thúc người ta tìm mọi cách để trở về với quê hương bản quán, nơi có gia đình họ hàng, có ông bà tổ tiên.

Ăn Tết được hiểu bao gồm tất cả những nghi lễ, hoạt động vui chơi, thăm viếng, chúc tụng trong ba ngày Tết… Tuy nhiên, quan trọng nhất và được chờ đợi nhất vẫn là ăn Tết với nghĩa quây quần bên mâm cỗ Tết mà tận hưởng thành quả lao động của cả một năm vất vả cực nhọc, một nắng hai sương.

Tục ngữ có câu “Đi cày ba vụ không đủ ăn Tết ba ngày”. Quả vậy! Trong Đất lề quê thói ông Nhất Thanh đã phải thốt lên: “Ta ăn Tết ba ngày mà có thể nói là sắm sửa Tết gần cả năm cũng không phải là ngoa”. Léopold Cadière (1869-1955), một Học giả Pháp rất am hiểu phong tục tập quán, tâm lý của người Việt cũng nhận xét: “Đối với tất cả mọi người, ngay cả nhà nghèo, trong ngày Tết phải dâng cho ông bà tổ tiên những gì thịnh soạn nhất. Có người vì những ngày ấy mà mang nợ suốt năm, thế mà họ vẫn bằng lòng: trước hết để dâng cúng tổ tiên và bắt đầu năm mới với bụng phủ phê no đầy”.

Xưa kia, đời sống kinh tế vô cùng khó khăn. Quanh năm lao động quần quật, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Thế nên, người ta phải làm lụng chịu thương chịu khó, dành dụm, thiếu thốn quanh năm để dồn cho mâm cỗ ba ngày Tết.

Lúa nếp cho năng suất thấp, hao cơm, nên ruộng đất được ưu tiên cấy lúa tẻ làm lương thực hàng ngày. Thường mỗi nhà chỉ dám dành dăm ba thước đất nhỏ hẹp để gieo cấy lúa nếp, rồi chia ra để sử dụng một cách dè xẻn trong các dịp giỗ chạp, lễ tiết, khách khứa trong năm. Còn lại, nếp phải để dành cho nồi bánh chưng - một trong những món chủ đạo (nếu không nói là quan trọng nhất) - chỉ xuất hiện mỗi năm một lần vào ba ngày Tết.

Con lợn xưa kia được xem là hũ tiết kiệm. Giống lợn ta vóc dáng vốn đã bé nhỏ, lại nuôi theo kiểu ăn theo người. Tí nước vo gạo, cám gạo, cơm thừa canh cặn lấy phép, còn lại chủ yếu lợn ăn rau bèo, nên càng chậm lớn. Sớm tối chăm bẵm, nhưng mỗi tháng lợn chỉ tăng được một vài cân là chuyện thường. Có khi lợn đã hết sức lớn, nhưng chưa đến Tết, thì người ta vẫn tiếp tục nuôi để dành. Đàn gà trống thiến chuẩn bị từ đầu năm, đã lớn đẹp như tranh, cũng phải để cuối năm, con thì bán bớt lấy tiền sắm Tết, con thì làm cỗ. Để có cá tát ao ăn Tết, thì ngày thường cũng phải ăn dè. Đến như mấy ống đậu xanh, khóm gừng, củ dong, hay mấy cái gộc tre, khúc củi nấu bánh chưng, rồi đồng tiền mua lá dong, bó lạt gói bánh…, cũng phải dành dụm, dồn góp dần mới làm nên cái Tết, mâm cỗ Tết.

Mâm cỗ Tết trước tiên được dâng cúng tổ tiên. Sau đó cả nhà quây quần bên mâm cỗ, đầm ấm, sum vầy trong không khí rạo rực của mùa xuân, nâng ly rượu chúc nhau một năm mới ấm no hạnh phúc với bao điều tốt đẹp.

 “Mùng ba ăn rốn, mùng bốn ngồi không”. Có người cho rằng, câu tục ngữ này phê phán thói ăn tiêu hoang phí, không biết lo xa. Nhưng thực ra, ý dân gian không phải vậy.

Mồng ba là ngày cuối cùng của Tết nên còn bao nhiêu đồ ăn thì tổng kết cho hết, gọi là “ăn rốn”. Sang mồng bốn hết Tết! Người ta lại trở về với những công việc và lo toan thường ngày. Thế nên dân gian còn có câu “Sau ba ngày Tết là hết trơ trơ, Ông Vải ngồi chờ đến Tết năm sau...”

Hàng ngàn năm qua, dù thanh bình yên vui hay chiến tranh khốn khổ, mỗi năm một lần, ba ngày Tết và mâm cỗ Tết sum họp gia đình vẫn đến rạo rực, tươi mới như mùa Xuân đất trời, thắp sáng niềm hy vọng vào ngày mai trong lòng muôn người, muôn nhà... bất kể sang giàu hay nghèo khó...

Hoàng Tuấn Công

Trích “Nhâm Nhi Tết”- NXB Kim Đồng

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây