MC Mỹ Lan: Nhớ “ngày hội” mổ lợn 29 Tết và cành táo lì xì
Quê tôi ở Giao Thuỷ, một huyện sát biển của tỉnh Nam Định, cách Hà Nội khoảng 150 cây số nhưng ngày xưa đi xe máy hết cả 4-5 tiếng đồng hồ. Ngày nhỏ tôi bị say xe, thậm chí say cả xe máy, nên hành trình về quê đối với tôi mệt kinh khủng, nhưng bù lại những ngày Tết ở quê thì đáng yêu và đáng nhớ vô cùng.
Gia đình tôi thường về quê vào ngày 28 Tết, thì hôm sau- ngày 29 - sẽ là một “ngày hội” thực sự. Ông bà nội thường nuôi một con lợn để dành ăn Tết và sẽ mổ vào đúng ngày đó. Cô dì, chú bác xung quanh nhà mỗi người một tay trợ giúp: người làm giò xào, người giã giò lụa, người đun canh măng, người nấu thịt đông, người gói bánh chưng, người làm nem thính... Bao nhiêu món ngon mà ngày thường tôi rất hiếm khi được ăn, cũng bởi hồi đó gia đình tôi nghèo lắm, mang tiếng ở thành phố mà nhiều khi phải nhờ ông bà gửi gạo lên cho...
Quê tôi có món đặc sản nem nắm Giao Thuỷ ngon nức tiếng gần xa, nhưng cũng chỉ dịp Tết hay cưới xin giỗ chạp gì to lắm mới làm. Sau này dù được ăn nhiều của ngon vật lạ, tôi vẫn bị mê món nem thần thánh ấy: vị sần sật dai dai của bì lợn thái mỏng, vị thơm nồng đậm đà mùi mắm quê, mùi tỏi ta trong miếng thịt, cuốn với lá sung, chấm mắm hay tương ớt, chẹp chẹp “ngon bá cháy”.
Tôi thích nhất là lúc ngồi trông nồi bánh chưng. Tôi là chị cả nên sẽ dẫn đầu lũ trẻ con ở quê, vừa tíu tít bày đủ trò quanh nồi bánh, vừa tranh thủ nướng khoai. Củ khoai cháy vỏ đen xì, chỉ ăn được phần lõi trong, nhưng đượm vị ngọt, thơm. Ăn xong củ khoai là tay đen sì bụi than, lũ trẻ con bày trò vẽ mặt cho nhau. Mặt đứa nào đứa nấy tèm lem như hề, sau sẽ bị ba hay mẹ lôi vào mắng cho một trận, bắt rửa cho bằng sạch.
Rồi cũng đến giây phút cả lũ trẻ con đều mong đợi: vớt bánh chưng. Tại sao lại mong? Là bởi ông nội lúc nào cũng gói cho mỗi đứa cháu một cái bánh chưng tí hon, lại còn đánh dấu bánh của từng đứa. Những chiếc bánh con con ấy được bà nội vớt ra trước nhất, bóc ngay lập tức cho lũ trẻ con đang háu đói trực chờ từ chiều đến tối. Vỏ bánh dẻo quẹo, hơi ươn ướt (vì có kịp nén hay ép gì đâu), khói bốc nghi ngút, nhân đỗ xanh, thịt ba chỉ và hành khô nhừ tươm, quyện vào nhau, ăn vừa bùi vừa béo vừa thơm. Chỉ có ở quê tôi mới được ăn những chiếc bánh chưng có hành khô như vậy, và cũng chỉ có những chiếc bánh chưng ngày xưa mới thơm ngon đến thế!
Tết xưa trong tôi còn là quả trứng gà vàng rộm bùi bùi bà để phần vì biết cô cháu cả rất thích ăn trứng gà (chứ lũ em tôi ở quê thì chả thèm thuồng gì vì ăn thường xuyên), là tiếng pháo nổ đì đùng đêm giao thừa khắp làng trên xóm dưới, là cành táo ông hái ngay ngoài vườn cây thay phong bao lì xì, vậy thôi mà vui lắm... Một trong những bức hình hiếm hoi tôi có từ thuở xa xưa ấy cũng là bức hình được chụp khi vừa nhận “cành táo lì xì” - tụi trẻ con đứa nào đứa nấy nâng niu như một báu vật, yêu quý vô cùng.
Thời gian trôi đi, cây trứng gà bên cạnh gian nhà ngói rêu phong khi xưa đã bị chặt để thay bằng ngôi nhà mái bằng hai tầng tiện nghi đầy đủ. Đồ ăn giờ cũng hay mua sẵn, thay vì tự làm. Ông nội tôi đã mất, bà nội thì lúc nhớ lúc quên. Tôi cũng đã có gia đình riêng của mình, mỗi năm chỉ thu xếp được một ngày trước Tết về thăm bà, thăm quê... rồi lại vội vàng lên thành phố, tất bật Tết.
Nhưng những kí ức xưa về đôi tay gầy của ông thoăn thoắt gói bánh chưng, về nụ cười thật tươi của bà khi chia quà cho cháu, về hương vị Tết quê vẫn đượm trong kí ức, sau này thi thoảng tôi vẫn kể cho các con nghe những câu chuyện cũ... để các con biết Tết xưa như thế nào, cho dù chỉ là trong tưởng tượng đi chăng nữa...
MC Lê Anh: Dại dột chơi pháo và miếng bánh chưng ngon nhất
Ký ức Tết xưa là chuyện… lì xì. Là trẻ con thế hệ 7X như tôi, đứa nào chẳng trông mong vào tiền mừng tuổi, vì tiền là thứ vô cùng “hiếm có khó sờ” những năm tuổi thơ của chúng tôi. Chúng tôi không có khái niệm bố mẹ cho tiền “tiêu vặt” vì tiêu chính còn phải tính, làm gì có mà tiêu vặt?
Thế nên, chúng tôi rất trân trọng cơ hội có thu nhập chính đáng từ tiền mừng tuổi dịp Tết. Còn nhớ, từ mùng 1 Tết là “rồng rắn lên mây” các gia đình đi thăm chúc Tết nhau. Nhà tôi ở ngay phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, còn họ hàng thì phân đều ra 4 quận nội thành khi xưa, thế là trẻ con được dịp đi chơi, và hình thành một “quy trình” rất bài bản:
bước 1- chào hỏi các cụ, các ông bà, các bác, các cô chú thật lễ phép và đứng chờ hơi lâu một tí, sau khi nhận được lì xì thì cảm ơn, cất trong túi áo túi quần thật cẩn thận rồi chuyển ngay sang bước 2 - ăn mứt Tết thoả thích.
Tất nhiên, phải liếc xem bố mẹ có bật đèn đỏ không. Cả gói mứt Tết chủ nhà bóc ra được 1-2 quả táo tầu là ngon nhất nhì, tôi thì thích vô cùng nếu vớ được quả mứt quất duy nhất, còn nếu có ô mai thì khỏi phải nói, xơi lấy xơi để!
Thế rồi đến bước 3 –chơi pháo! Lũ trẻ con lúc nào cũng có cách rủ nhau thật là thông minh. Đang xơi mứt cùng bố mẹ mà liếc thấy đứa con chủ nhà cầm mấy quả pháo tép bé bằng đốt ngón tay giơ lên khoe phía ngoài sân, thế nào thì cũng chỉ 30 giây sau là nguyên một sân trẻ con đứng xem pháo nổ, pháo xịt.
Pháo chủ nhà nổ thì được xem miễn phí, pháo chủ nhà chưa nổ thì được... “hôi” miễn phí. Như thế là một công đôi ba việc, đi chúc Tết với mấy đứa trẻ chúng tôi thập niên 80 ở thành phố: vừa kiếm tiền bỏ cá nhựa ruột rỗng, vừa được ăn mứt, ô mai, vừa được chơi và hôi pháo mang về... Những tép pháo bé xíu không nổ phần lớn vì ẩm, có lần tôi dại dột đem hong trên bếp than tổ ong, báo hại một phen khiếp vía, tay đau rát khét lẹt luôn!
Thứ hai là chuyện về quê. Với những đưa trẻ hay mơ mộng như tôi thì không gian nhà quê giống như một vương quốc lạ trong truyện cổ tích. Cái gì cũng lạ và thèm khám phá. Một năm điều kiện đi lại không dễ dàng, dù quê tôi chỉ cách trung tâm Hà Nội có 30km (Thường Tín, Hà Tây cũ) nhưng đi xe đạp cả nhà thì cũng mất đến hơn 2 giờ.
Bố đèo một đứa em, mẹ đèo một đứa em, tôi được/ phải/ bị đạp xe kèm sự giám sát của bố mẹ. Lúc về cũng chẳng mang gì nhiều vì lúc đó sắm Tết mang về quê cũng rất giản dị. Ai cũng nghèo. Có lần tôi thấy mẹ chần chừ tách đôi gói mứt Tết san sang hai túi ni lông, mua thêm mứt trứng chim đậu phộng cho vào để biếu họ hàng ở quê vì không đủ tiền mua 2 gói mứt tiêu chuẩn.
Ngẫm lại, tôi thấy thương cán bộ công nhân viên chức một thời như bố mẹ tôi. Thú thật, ngày bé tôi thấy ở quê “giàu” hơn, ăn gì cũng có, cỗ nhiều ăn no nê. Lúc từ quê ra thì xe đạp của tôi dù buộc dây cao su ít nhất cũng chằng một yến gạo kèm theo đủ thứ túi thực phẩm nhà quê “chi viện” mang ra ăn mấy ngày Tết. Nhiều nhất vẫn là bánh chưng!
Nhắc đến bánh chưng mới là thèm thuồng. Thời nhỏ của tôi, một bát cơm nguội đảo đều với một nửa thìa mỡ lợn đóng bánh trắng phau đã là một bữa trưa thịnh soạn! Thế nên, cái bánh chưng nó mới thơm ngon làm sao! Và nhất là miếng thịt mỡ hiếm hoi còn tồn tại trong nhân bánh! Nó mềm và tan chảy trong miệng, thật là ngon lành!
Một lần tôi lén lấy miếng bánh chưng bố mới bóc ra (chỉ dám lấy 2 miếng tức 1/4 bánh) cho vội lên chảo và lại công thức 1/2 thìa mỡ lợn đóng bánh trắng phau). Bếp tổ ong dào dạt khói, mùi bánh chưng rán thì phải nói là thứ mùi thơm “đánh thức” cả xóm dậy, thế là tôi bị... phạt vì cái tội bánh chưng mới đã đem rán ăn, tốn mỡ! Mỡ rán chỉ dành cho bánh chưng còn lưu lại sau bữa chính mà thôi.
Những nguyên tắc để thích nghi với cuộc sống vật chất còn khó khăn đã hình thành trong những đứa trẻ như tôi một thứ sau này gọi là “hoài niệm ăn”. Vì đơn giản là ăn gì cũng thấy ngon, bánh chưng dù ít thịt ít nhân vẫn là quá ngon, và bánh chưng rán là ngon nhất!
Nguyễn Hằng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn