Bắt tay với đạo diễn phía Nam để dựng vở phía Bắc
Đoàn kịch 1 Nhà hát Tuổi Trẻ vừa bắt tay với đạo diễn Vũ Minh- gương mặt quen thuộc của sân khấu kịch Idecaf - TP.HCM dàn dựng vở “Tôi đẹp… tôi có quyền”. Đây là một sự kết hợp thú vị giữa một đạo diễn phía Nam với các diễn viên phía Bắc.
Vở kịch lấy ý tưởng từ những vấn đề thời sự gần đây liên quan đến chuyện phẫu thuật thẩm mỹ. Chuyện kịch bắt đầu với sự xuất hiện một cỗ máy làm đẹp, con người chỉ cần bước vào cỗ máy phẫu thuật thẩm mỹ trong 30 phút, khi bước ra sẽ trở nên đẹp toàn mỹ. Cư dân cả thành phố đã vô cùng hạnh phúc khi có được vóc dáng đẹp như mơ ước. Tuy nhiên, thành phố đã sót lại ba nhân vật, vì ham công việc họ đã chậm trễ, trở thành ba người đăng kí cuối cùng cho công cuộc làm đẹp. Trớ trêu thay khi họ đến, cỗ máy đó đã bị hỏng và câu chuyện giữa những người đẹp cùng “ba người xấu” bắt đầu.
Tác giả Bùi Quốc Bảo đã xây dựng nên câu chuyện mang tính so sánh ẩn dụ một cách đầy hài hước, mô tả chân thực về một trong những ước vọng “cháy bỏng” của con người hiện đại. Họ đổ xô đi làm đẹp để được đẹp hơn về vẻ bề ngoài nhưng trong tâm hồn của mỗi người lại thiếu đi trái tim nhân hậu. Xung đột giữa cái đẹp và cái xấu đã mang đến cho người xem những nhận thức về giá trị của đạo đức.
Tương tự, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng mới bắt tay với đạo diễn người Singapore - Chua Soo Pong dựng vở “Hồng lâu mộng”, dựa theo tác phẩm văn học nổi tiếng của tác giả Tào Tuyết Cần. Theo nam đạo diễn người Singapore thì “Hồng lâu mộng” là một trong bốn tác phẩm văn học cổ điển được cho là danh tiếng nhất của Trung Quốc.
Tác phẩm xoay quanh câu chuyện tình duyên trắc trở giữa hai anh em con cô con cậu: Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc, từ đó mô tả cuộc sống nhiều mặt của một đại gia đình quý tộc đời mạt Thanh từ lúc cực thịnh cho đến lúc suy vong trong vòng 8 năm.
Tuy nhiên, trong vở này, ông sẽ chỉ chọn những chương có liên quan đến tình yêu của Lâm Đại Ngọc và Giả Bảo Ngọc. Theo nam đạo diễn này lý giải thì Nhà hát Kịch Việt Nam đã từng có rất nhiều vở kịch về tình yêu của phương Tây nên việc dàn dựng một vở về tình yêu của phương Đông sẽ khiến cho khán giả được “đổi món”. Và đó là “cứu cánh” để kéo khán giả đến với sân khấu kịch khi truyền hình thực tế đang “bày” quá nhiều “món” trên truyền hình.
Bên cạnh đó, thế mạnh của vở diễn là dành cho các diễn viên trẻ trung – xinh đẹp mà Nhà hát Kịch Việt Nam lại sẵn có điều này nên ông tràn trề hy vọng khi bắt tay dàn dựng vở kịch kinh điển này.
“Thay máu” từ chất lượng tác phẩm đến dịch vụ
Ông Nguyễn Thế Vinh - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho rằng, các sân khấu kịch muốn “sống” được trong thời điểm truyền hình thực tế tung hoành ngang dọc không có cách nào khác là buộc phải “thay máu”. “Thay máu” ở đây có thể hiểu là sự đổi mới tư duy, cách làm, nâng cao chất lượng nghệ thuật và chất lượng dịch vụ hơn nữa.
“Muốn kéo được khán giả đến với sân khấu không thể cứ mãi quen với lối tư duy cũ mà phải đổi mới. Đối mới từ chất lượng tác phẩm nghệ thuật cho đến dịch vụ… để tạo ra một giá trị thương hiệu. Tương tự như những ngành kinh doanh khác, nếu để giá trị thương hiệu bằng không nghĩa là đang giết chết chính mình”, ông Vinh nhấn mạnh.
NSƯT Chí Trung - Quyền Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ cho rằng, sự đổ bộ một cách ồ ạt của truyền hình thực tế lên các kênh sóng truyền hình đã khiến cho đời sống văn hóa - nghệ thuật ít nhiều bị bão hoà. Vì thế, nếu không có sự thay đổi trong cách làm nghệ thuật thì khó mà kéo được khán giả đến với mình. Kể từ khi lên làm lãnh đạo cao nhất tại Nhà hát Tuổi Trẻ, NSƯT Chí Trung đã đưa ra nhiều “chính sách hà khắc”. Chẳng hạn, nếu trước đây, các vở diễn thường sơ duyệt và tổng duyệt trong hai ngày liên tiếp thì nay bị giãn ra theo tuần. Ngoài ra, trong buổi sơ duyệt, ngoài lãnh đạo nhà hát và hội đồng nghệ thuật còn có cả thành viên của phòng “marketing”.
“Xem xong, tôi sẽ mời các bạn trong phòng “bán hàng” lên phát biểu xem vở này liệu vé có bán được không. Nếu không bán được là do đâu vì đó là những người trực tiếp bán thì vở kịch phải thuyết phục được họ, họ mới có thể thuyết phục được khán giả chứ. Slogan của tôi thời gian tới đây là: “Từng sợi tóc cũng phải ra tiền”.
Ngày xưa, các bạn ấy lên mở đèn, mở máy lạnh tập thoải mái, tiền đó nhà hát lo. Nay lên tập buổi nào tôi tính tiền máy lạnh, đèn sáng… buổi đó. Tiền đó coi như là phần kinh phí của nhà hát góp với các bạn theo kiểu “xã hội hoá”.
Mới đây, tôi cũng đã cho đặt một loạt bàn uống nước dưới sảnh để khi khách đến xem có chỗ ngồi uống nước, khách ra về diễn viên phải xuống chụp ảnh với khách. Phải tạo ra sự tương tác đó thì mới kéo được khán giả thường xuyên đến với mình. Ngoài ra, tôi còn cho thay đổi lại không gian trưng bày và mặt tiền của nhà hát để làm mới lại. Nói chung là phải “thay máu”, nếu không “thay máu” từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới là rất khó sống”.
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn