Lịch thi đấu và kết quả vòng 21 V-League
Ngày 14/10
17h, sân Bình Dương: B.Bình Dương 0–1 Than Quảng Ninh
17h, sân Pleiku: HA Gia Lai 0–2 SL Nghệ An
17h, sân Lạch Tray: Hải Phòng 4–1 CLB TPHCM
Ngày 15/10
17h, sân Thanh Hoá: FLC Thanh Hoá 3–3 CLB Hà Nội
17h, sân Hoà Xuân: SHB Đà Nẵng 2–0 Long An
17h, sân Cần Thơ: Cần Thơ 2–3 Quảng Nam
18h, sân Thống Nhất: CLB Sài Gòn 0–0 Khánh Hoà
Đầu tiên, phải trách bản thân FLC Thanh Hoá khi đội bóng của HLV Petrovic quá non về mặt bản lĩnh. Họ đã dẫn trước CLB Hà Nội cho đến tận phút bù giờ, nhưng lại không biết cách bảo toàn được chiến thắng, thì họ nên tự trách mình.
Trước nữa, Thanh Hoá còn thua cả đội đầu bảng bây giờ là Quảng Nam trên sân nhà, khiến cho họ vừa mất điểm, vừa mất lợi thế khi so kè chỉ số đối đầu trực tiếp giữa đôi bên, nên hiện đã mất quyền tự quyết trong việc tranh chấp ngôi vương.
Tức là Thanh Hoá rất kém bản lĩnh trong những trận đối đầu trực tiếp, trước các đối thủ trực tiếp. Hay nói cách khác, người ta chưa thấy hình bóng của một nhà vô địch nơi đội bóng về lý thuyết là có lực lượng tốt nhất V-League hiện nay, được đầu tư rầm rộ nhất V-League vài năm qua.
Nếu đoàn quân của HLV Petrovic tự mình giải quyết được CLB Hà Nội, tự mình giải quyết được Quảng Nam, đừng mất điểm trước Hải Phòng mới đây, hoặc chơi ổn định hơn từ khi V-League trở lại từ sau SEA Games đến giờ, Thanh Hoá không cần phải lo nghĩ quá nhiều về các đối thủ trong 5 vòng đấu tới.
Nhưng đấy chỉ là một mặt của vấn đề, mặt còn lại, quan trọng hơn, được dư luận nói đến nhiều hơn, không chỉ trong năm nay mà nhiều năm qua, đó là tình trạng “một ông chủ - nhiều đội bóng” khiến cuộc chơi không còn sòng phẳng.
Tình cảnh của Thanh Hoá hiện giờ rất giống với tình cảnh của XM Xuân Thành Sài Gòn hồi năm 2012. Năm đó, CLB Hà Nội cũng quyết tử với đội bóng của bầu Thuỵ, để SHB Đà Nẵng – một đội bóng khác có cùng chủ sở hữu như CLB Hà Nội, lên ngôi vô địch.
Thậm chí, việc Thanh Hoá cạnh tranh ngôi vô địch V-League hiện tại với các đội bóng của bầu Hiển còn khó hơn nhiều so với XM Xuân Thành Sài Gòn 5 năm trước, bởi cách nay 5 năm, bầu Hiển chỉ sở hữu 2 đội là Hà Nội T&T (nay là CLB Hà Nội) và SHB Đà Nẵng. Còn bây giờ, bầu Hiển có ảnh hưởng đến 4 – 5 đội bóng tại V-League, gồm CLB Hà Nội, SHB Đà Nẵng, CLB Sài Gòn, CLB Quảng Nam và Than Quảng Ninh (đội nhận một phần tài trợ từ ngân hàng SHB của bầu Hiển).
Thành ra, thay vì chú ý đến chuyện có bao nhiêu đội bóng vẫn còn khả năng tranh chấp ngôi vô địch V-League 2017, hãy tập trung vào chi tiết có bao nhiêu ông bầu ở giữa cuộc đua ấy?
Trong số 6 đội đang dẫn đầu bảng, được đánh giá cao ở khả năng tranh chấp huy chương và kể cả tranh ngôi vô địch, tính từ vị trí hạng 6 của Sài Gòn FC trở lên, ngoại trừ Thanh Hoá của bầu Quyết là đang tranh chấp trực tiếp với các đội bóng của bầu Hiển, đội hạng 4 Khánh Hoà không rõ mục tiêu, cũng không nhiều tham vọng, thì 4 đội còn lại trong nhóm ấy (CLB Quảng Nam, CLB Hà Nội, Than Quảng Ninh và CLB Sài Gòn) như đã đề cập, chịu ảnh hưởng của bầu Hiển.
Một cuộc đua ở giai đoạn nước rút giờ chỉ còn gói gọn trong khoảng 6 cái tên, nhưng 4/6 đội bóng tham gia cuộc đua đã phụ thuộc vào chỉ 1 ông bầu, thì thử hỏi sòng phẳng ở đâu? Thu hút khán giả ở điểm nào?
Không có sự sòng phẳng, khán giả không buồn đến sân, thể hiện qua việc lượng người đến xem các trận đấu tại vòng 21 tiếp tục thấp kinh khủng (riêng sân Thống Nhất theo quan sát của chúng tôi chỉ có khoảng 500 người xem!).
Khán giả không cần quan tâm đến chuyện bầu Hiển có trực tiếp sở hữu đội nào trong số các đội nêu trên hay không, họ cũng chẳng cần nghe lý thuyết suông từ cơ quan quản lý nền bóng đá và công ty tổ chức giải đấu. Người ta không buồn quan tâm vì người ta không còn tin vào tính sòng phẳng và chất lượng của cuộc chơi! Mà đã không tin thì đơn giản người ta phản ứng bằng cách dần rời xa các sân bóng!
Tác giả: Kim Điền
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn