Ngày 12/9, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức Lễ vận động hiến tặng, tiếp nhận và công bố kết quả vận động hiến tặng tài liệu, hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội năm 2018.
Từ đầu năm đến hết tháng 8/2018, Bảo tàng Hà Nội đã vận động, tiếp nhận đưa về bảo tàng gần 1000 hiện vật trong tổng số 1.065 hiện vật còn thiếu so với thiết kế và đề cương kịch bản trưng bày.
Nhóm hiện vật sưu tầm được chủ yếu là những hiện vật liên quan đến văn hóa tín ngưỡng, cuộc sống của người Hà Nội đầu thế kỷ 20, hiện vật thời kỳ kháng chiến và thời kỳ bao cấp. Các hiện vật về làng nghề, phố nghề cũng được tập trung triển khai sưu tầm, đặc biệt là những nghề truyền thống của Thăng Long - Hà Nội xưa.
Toàn bộ những hiện vật, tư liệu mà Bảo tàng Hà Nội tiếp nhận được trong đợt này có giá trị văn hóa, tinh thần, minh chứng cho sự phát triển của Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử. Đó là những hiện vật thể hiện tình yêu Hà Nội của các tổ chức, cá nhân cống hiến cho ngành văn hóa Thủ đô.
Trước đó, Bảo tàng Hà Nội cũng đã triển khai kế hoạch tuyên truyền vận động hiến tặng tài liệu hiện vật rộng khắp tới các tầng lớp nhân dân, đồng thời tổ chức các nhóm làm việc chủ động khảo sát, thu thập và tiếp nhận sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân tâm huyết, trách nhiệm với bảo tàng và di sản Thủ đô. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác sưu tầm để kịp thời phục vụ cho thiết kế chi tiết trưng bày thường xuyên và thi công trong năm 2019.
Tại buổi lễ, trong những cá nhân được vinh danh phải kể đến gia đình ông Nguyễn Văn Tiệm (xã Văn Tự, Thường Tín, Hà Nội) khi đã hiến tặng cho Bảo tàng 140 hiện vật dùng trong các giá hầu đồng. Đây là những hiện vật có giá trị và phù hợp với nội dung trưng bày phần tín ngưỡng thờ Mẫu của Bảo tàng Hà Nội trong nội dung trưng bày thường xuyên sắp tới.
Cùng với đó, các hiện vật được hiến tặng Bảo tàng Hà Nội còn là những câu chuyện về truyền thống của các gia đình làm nghề thuốc ở phố Lãn Ông. Như gia đình bà Dương Thị Kim Oanh (Hiệu thuốc Cầu Bây, 52 Lãn Ông) với 9 hiện vật hiến tặng cho Bảo tàng. Gia đình bà Oanh có gốc ở Làng Cầu (Thạch Bàn, Gia Lâm, Hà Nội). Tại buổi lễ, bà Oanh đã bàn giao cho Bảo tàng Hà Nội một số dụng cụ gia đình bà đã sử dụng như giá bày thuốc, hộp đựng thuốc, dao cầu, chảo sao thuốc, sổ đông y…
Hay như gia đình Lương y Nguyễn Kim Bảng (Phòng chẩn trị y học cổ truyền Toàn Mỹ, 56 Lãn Ông) với 24 hiện vật hiến tặng chủ yếu được dùng từ thời bố ông là Nguyễn Ngọc Lân như tủ quầy, dao cầu, cân tiểu ly, sách tạp chí đông y…
Tác giả: Nguyễn Hằng
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn