Vừa đăng quang đã mờ nhạt, bị khán giả lãng quên
Từ đầu năm 2018, mặc dù nhiều game show đã nỗ lực làm mới format hòng kéo khán giả ở lại với chương trình nhưng lượng rating (chỉ số đo lường khán giả) vẫn sụt giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, một số game show âm nhạc đã kéo dài hơn một mùa như: Giọng hát Việt, Gương mặt thân quen, Sing My Song, Tuyệt đỉnh song ca… từ chỗ luôn dẫn đầu về lượng người xem nay ngày càng tuột dốc không phanh. Kèm theo đó, các Quán quân đăng quang từ các cuộc thi này cũng trở nên nhạt nhoà, không mấy ai nhớ đến.
Điển hình, Sing My Song 2016 ngay khi vừa lên sóng đã lập tức “gây bão” trong từng tập phát sóng và từng ca khúc. Tuy nhiên, bước qua mùa thứ hai, chương trình đã kém nhiệt khi chất lượng thí sinh không được đánh giá cao lại liên tục vướng phải những lùm xùm về đạo nhạc trong một số tiết mục.
Bản thân việc Lộn Xộn band đăng quang Quán quân cũng không tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ như Cao Bá Hưng ở mùa đầu tiên. Và cho đến nay, nhóm nhạc này cũng không có gì nổi bật ngoài những sản phẩm âm nhạc lẻ tẻ, chưa có dấu ấn của một Quán quân.
Tương tự, mới đây, dù Ngọc Ánh không phải là nhân tố nổi bật nhất trong đội Noo Phước Thịnh và cũng không phải là nhân tố nổi bật nhất của Giọng hát Việt 2018 nhưng vẫn đăng quang ngôi vị Quán quân cũng chỉ tạo nên những tranh cãi nhẹ rồi nhanh chóng “chìm nghỉm”. Có vẻ như không mấy người thực sự hào hứng để tranh cãi đến cùng khi bản thân người chiến thắng không có gì ấn tượng và đặc biệt.
Bản thân HLV Thu Phương cũng thẳng thắn nhìn nhận, Giọng hát Việt mùa thứ 5 này không có nhân tố nào thực sự xuất sắc hoặc hội đủ các yếu tố giọng hát hay, khả năng trình diễn tốt, ngoại hình đẹp, sáng sân khấu… Bản thân người chiến thắng cũng phần lớn là nhờ may mắn chứ không hẳn vì nổi bật nhất.
“Nếu hỏi tôi nhìn nhận ai là người xuất sắc nhất thì thành thật rằng, trong số các thí sinh lọt vào chung kết Giọng hát Việt 2018, kể cả bạn không đăng quang lẫn người chiến thắng, kể cả đội của tôi lẫn đội của các bạn khác, chưa ai có đầy đủ các yếu tố để được đáng gọi là ca sĩ cả. Mỗi em đều có những thế mạnh và khiếm khuyết. Thôi thì người may mắn là người chiến thắng, trở thành quán quân”, Thu Phương nói.
Ngoài ra, nếu trước đây, Hoài Lâm, Khởi My, Thanh Duy… từng gây bão trên mạng xã hội lẫn truyền thông khi có những màn hóa thân “trác tuyệt” trong Gương mặt thân quen để trở thành Quán quân thì việc Duy Khánh đăng quang mới đây cũng rất mờ nhạt và ít được nhắc đến trên mạng xã hội.
Ngay cả The Debut - chương trình mới ra lò số đầu tiên cũng bị đánh giá là không tạo nên sự bùng nổ. Và việc Tùng Dương - học trò đội Hương Tràm giành chiến thắng cũng tạo nên những tranh cãi trái chiều khiến bản thân ca sĩ xứ Nghệ phải lên tiếng bảo vệ học trò của mình. Tuy nhiên, sau khi đăng quang, cái tên Tùng Dương cũng rất ít được nhắc đến trên mạng xã hội hay trên truyền thông như những cuộc thi trước đây.
Chất lượng giảm sút vì mải chạy theo nhu cầu của người xem?
Ca sĩ Thu Phương nhìn nhận rằng, một trong những lí do khiến game show âm nhạc bị khán giả quay lưng chính là vì giá trị nhiều chương trình bị giảm xuống, không tìm được những tài năng xuất sắc đúng nghĩa…
“Đơn giản như gần đây tôi có xem chung kết một game show về âm nhạc, các giám khảo là những người rất trẻ, thiếu rất nhiều kinh nghiệm. Các bạn trẻ tham gia hát cũng có nhiều điều không đạt được kỳ vọng của người xem. Các bạn đăng quang Quán quân không biết sẽ làm được gì hay không? Các huấn luyện viên, các nhà cố vấn sau mỗi mùa làm giám khảo các bạn ấy sẽ rút ra được điều gì?”, ca sĩ Thu Phương nói.
Theo nữ ca sĩ, do có quá nhiều game show bùng nổ nên thí sinh không đủ để đáp ứng được nhu cầu. Nhiều thí sinh chỉ xem game show là cơ hội xuất hiện trên truyền hình chứ không biết bản thân mình đang đứng ở đâu, không có sự đầu tư và không hết mình để đi đến cùng. Thậm chí nhiều người còn thụ động, dựa dẫm vào huấn luyện viên hoặc cố vấn chương trình.
Ngay cả giám khảo, huấn luyện viên, cố vấn… cũng không đủ để khiến mỗi sân chơi tạo nên sự hứng khởi hoặc màu sắc mới. Khán giả đã quá quen mắt với những gương mặt cũ ở quá nhiều các game show nên dễ cảm thấy nhàm chán.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long lại cho rằng, đã đến lúc phải nhìn nhận lại chất lượng của các game show âm nhạc, đặc biệt là yếu tố nhân sự. Nhân sự ở đây bao gồm cả người tổ chức sản xuất, đạo diễn âm nhạc, huấn luyện viên, nhà cố vấn và cả thí sinh nữa.
"Thí sinh là nhân tố sống còn của các game show vì thế mà ở nước ngoài họ rất chú trọng đến khâu tuyển sinh. Các Quán quân đăng quang và hiệu ứng của người chiến thắng sau mỗi game show được xem là thước đo thành công của một mùa giải.
Trước đây, ngay giây phút đăng quang, tên tuổi của người chiến thắng đã được nhắc đến rất nhiều trên mạng xã hội. Các tiết mục của họ trong đêm chung kết được cư dân mạng truyền tay nhau với những lời tán dương.
Tuy nhiên, thực tế đó đang dần bị biến mất trong các game show âm nhạc của Việt Nam gần đây. Người chiến thắng không thật sự thuyết phục dẫn đến việc khán giả "nói lắm cũng thế, thôi bỏ qua". Và đó là một trong những lí do người xem dần quay lưng với chương trình mà người chiến thắng cũng rất mờ nhạt.
Điển hình, mỗi năm có tới vài chục người đăng quang Quán quân từ các game show âm nhạc nhưng vừa ra khỏi cuộc thi họ đã bị khán giả quên ngay. Thậm chí, nếu trước đây game show từng được xem như là “bệ phóng” của người trẻ thì nay chỉ như một cơ hội xuất hiện trên truyền hình.
Danh sách các Quán quân cứ nhiều lên theo cấp số cộng nhưng lại tỉ lệ nghịch với thành tích mà họ tạo ra. Nhiều người sau khi đăng quang đã "lặn mất tăm" không ai biết đã đi về đâu, có những người vẫn hoạt động âm nhạc nhưng theo kiểu cầm chừng, không có sự đầu tư, không có định hướng âm nhạc... Cứ thế, game show bùng phát, người chiến thắng vẫn nhiều... nhưng rồi chẳng ai có thể "nhớ mặt đặt tên" hết".
Tác giả: Hà Tùng Long
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn