Trận cường tập Phủ Thông năm 1948

Thứ ba - 25/07/2017 13:10
Cách đây 69 năm, ngày 25/7/1948, với chiến thắng trận Phủ Thông, quân đội ta đã phá vỡ âm mưu củng cố “mũi dùi” cắm vào lòng Việt Bắc của thực dân Pháp.

Cách đây 69 năm, ngày 25/7/1948, với chiến thắng trận Phủ Thông, quân đội ta đã phá vỡ âm mưu củng cố “mũi dùi” cắm vào lòng Việt Bắc của thực dân Pháp.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bắc Kạn là căn cứ địa kháng chiến, vùng trọng điểm trong các kế hoạch tấn công lên Việt Bắc của thực dân Pháp Thu - Đông năm 1947.

Mở đầu cuộc hành quân lên Việt Bắc, ngày 7/10/1947, binh đoàn đổ bộ đường không của quân viễn chinh Pháp với gần 1.200 quân do tên Trung tá Sôva Nhắc chỉ huy đã nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn. Ngày 15/7/1947, địch tiến quân từ thị xã Bắc Kạn lên chiếm đóng Phủ Thông. Chúng xây dựng đồn bốt tại thị trấn Phủ Thông hết sức kiên cố.

Khu vực đồn Phủ Thông cách thị xã Bắc Kạn 19km về phía Bắc - Đông Bắc, nằm cạnh Quốc lộ 3 từ Bắc Kạn đi Cao Bằng và trục đường 258 từ Phủ Thông đi Chợ Rã. Lực lượng địch đóng ở Đồn Phủ Thông có một đại đội bộ binh và 1 trung đội trợ chiến thuộc 3e/REI với quân số khoảng 150 tên với nhiều vũ khí hiện đại. Đồn được xây trên một mỏm đồi nhô ra của núi Nà Cọt với độ cao 198m, cách ngã ba Phủ Thông 300m hướng về phía Bắc - Tây Bắc. Đồn có hình chữ nhật, dài 100m, rộng 50m, cổng đồn quay về hướng Nam làm bằng gỗ chắc chắn, tường làm bằng đất dày 1m, cao 2m, trong và ngoài tường ghép gỗ, bên ngoài có cọc chống, 4 phía có nhiều lỗ châu mai. Ngoài bờ tường đồn có 3 lớp hàng rào tre nứa, mỗi lớp cách nhau 3m, lớp trong cùng cách tường 10m, riêng phía Nam có hàng rào dây thép gai. Thông tin vô tuyến điện của đồn có thể liên lạc với chỉ huy tiểu đoàn địch ở Bắc Kạn, liên lạc trong đồn bằng máy điện thoại.

Ngày 8/10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi bộ đội, dân quân, du kích và toàn thể đồng bào ra sức tiêu diệt địch. Người phân tích ý định hội quân của địch ở Bắc Kạn là để tạo thành cái ô bọc lấy Việt Bắc, rồi chúng cụp cái ô lại từ dưới đánh lên, trên đánh xuống, phá cho được cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Sau đó chúng bình định các vùng khác. Người chỉ ra rằng: Địch mạnh ở 2 gọng kìm, gọng kìm mà gãy thì cái ô cụp xuống sẽ thành cái ô rách.

Trận cường tập Phủ Thông năm 1948
 Di tích lịch sử đồn Phủ Thông

Để đánh bại kế hoạch chiếm đóng của thực dân Pháp, quân đội ta đã liên tiếp mở các trận công đồn. Trận công đồn lần thứ nhất vào đêm 30/11/1947, quân ta đã tiêu diệt được 15 tên địch, lầm 35 tên khác bị thương, thu 2 súng máy và 1 súng trường; về phía ta hy sinh 05 đồng chí. Trận công đồn lần thứ 2 vào đêm 12/3/1948, quân ta phá sập phần lớn công sự và doanh trại trong cứ điểm, làm thương vong gần 70 tên. Bọn địch ở Bắc Kạn kéo lên ứng cứu bị bộ phận chặn cứu viện đánh quyết liệt, diệt nhiều tên, buộc địch phải quay đầu lại thị xã. Sau trận đánh này, liên tiếp ta nắm được thế chủ động trên mặt trận đường số 3.

Sau hai trận bị ta tập kích, đồn Phủ Thông được xây dựng thành một cứ điểm vững chắc, có nhiều lớp rào tre, nứa, dây thép gai và tường “trình” đất cao hơn đầu người, bao quanh đồn. Trong đồn có nhiều dãy nhà gạch với nững ụ súng, lô cốt, hầm ngầm kiên cố.

Ngày 25/7/1948, Bộ tổng chỉ huy quyết định mở trận công đồn lần thứ 3 vào đồn Phủ Thông. Lực lượng tham gia đánh đồn Phủ Thông lần này gồm tiểu đoàn bộ binh 11 thuộc Trung đoàn 308 do đồng chí Vũ Yên làm chỉ huy, được giao nhiệm vụ phối hợp với Tiểu đoàn 55 Trung đoàn 72 và Đại đội Ba Bể, có hỏa lực pháo 75 lý của Tiểu đoàn 410 tăng cường đánh đồn Phủ Thông để thực hiện mục đích chiến dịch và thực nghiệm chiến thuật diệt cứ điểm bằng phương pháp cường tập có hỏa lực.

Tiểu đoàn 55 và Đại đội Ba bể được giao nhiệm vụ phục kích trên Quốc lộ 3 chặn quân tiếp viện từ thị xã Bắc Kạn lên, từ cứ điểm Ngân Sơn, Nà Phặc xuống hỗ trợ cho tiểu đoàn 11 trực tiếp tấn công tiêu diệt cứ điểm.

Khoảng 18 giờ tối ngày 25/7/1948, pháo binh của Tiểu đoàn 410 nổ súng, phá sập một phần khu thông tin, phá hủy đường rào giao thông hào bao quanh cứ điểm. Tiểu đoàn 11 chia làm hai mũi tiến công vào đồn. Trận đánh kéo dài đến 23 giờ đêm. Ta rút khỏi đồn, tuy không chiếm được cứ điểm nhưng đã tiêu diệt và làm bị thương ¾ quân số trong đồn, trong đó có 01 tên đồn trưởng Đại úy Các - đi - nan và tên đồn phó Trung úy Sắc - lôt - tông, phá hủy nặng hệ thống công sự, vật cản, nhà ở trong đồn. Về phía ta, hy sinh và bị thương 109 đồng chí. Trong trận này, ta thu được nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh.

Trận cường tập Phủ Thông là một trận đánh công kiên bằng hỏa lực, quy mô cấp tiểu đoàn đầu tiên. Tuy không giành được thắng lợi hoàn toàn song trận Phủ Thông 25/7/1948 có ý nghĩa to lớn. Nó là trận tập dượt của quân đội ta nhằm chống lại chiến thuật phòng ngự kiểm “cứ điểm nhỏ” của thực dân Pháp, đồng thời đánh dấu bước trưởng thành và phát triển của quân đội ta về khả năng tác chiến và phương pháp tác chiến.

Trận Phủ Thông đã được Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy biểu dương, tiểu đoàn 11 được mang danh hiệu “Tiểu đoàn Phủ Thông”.

Trận tập kích giáng một đòn mạnh vào mắt xích quan trọng của địch trên tuyến đường số 3. Cùng với những trận đánh khác, trận cường tập đồn Phủ Thông phá vỡ âm mưu củng cố “mũi dùi” cắm vào lòng Việt Bắc của thực dân Pháp.

Sau trận Phủ Thông ngày 25/7/1948, quân địch ở các cứ điểm không dám càn quét, sạo sục các vùng xung quanh, ta giành được chủ động trên địa bàn Bắc Bạch Thông.

Ngày 27/3/1998, đồn Phủ Thông được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử. Ngày 1/6/1999 nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân thị trấn Phủ Thông vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân./.

Tác giả: Hương Dịu (Tổng hợp theo cuốn Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Bắc Kạn)

Nguồn tin: http://backan.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây