Trở về với đời thường sau chiến tranh, phải đối mặt với không ít khó khăn, thế nhưng những người lính năm nào vẫn phát huy tốt phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội.
Thương binh Lộc Văn Nghinh là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi ở xã Quang Thuận từ trồng cây cam, quýt |
Nhập ngũ năm 1971, trong trận đánh ác liệt với giặc ngoại xâm ở chiến trường miền Nam, ông Lộc Văn Nghinh, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông bị trúng lựu đạn địch, nhiều mảnh đạn găm vào đầu và chân tay. Sau khi bình phục, ông chuyển ra miền Bắc và xuất quân năm 1979, thành thương binh hạng 2/4. Trở về quê hương sau chiến tranh, ông cùng gia đình phát nương làm rẫy và trồng cây cam, quýt. Cây phát triển đến đâu, ông chiết cành để mở rộng thêm diện tích đến đó. Từ chỗ chỉ có khoảng 0,5ha vào năm 1983, đến nay gia đình ông Nghinh có 3,5ha trồng cây cam, quýt, cho thu nhập ổn định từ 300 - 350 triệu đồng/năm. Tại địa phương, ông Nghinh còn là người vận động các hội viên cựu chiến binh khác vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng khu dân cư tiên tiến, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, nhiều năm qua, ông đã vinh dự nhận được Bằng khen của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và nhiều Giấy khen của UBND huyện Bạch Thông, xã Quang Thuận.
Thương binh hạng 3/4 Nguyễn Xuân Đình, xã Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn chính là một trong những tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi. Người dân trong xã biết đến ông bởi ông còn luôn quan tâm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở trong thôn, xã. Vốn là người có đầu óc kinh doanh, ông Nguyễn Xuân Đình đã mạnh dạn đầu tư mở đại lý cung ứng vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hàng bách hóa tổng hợp các mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của bà con nông dân. Ông đã xây dựng chuỗi lợi ích cùng với bà con nông dân, mỗi năm ông ứng trước giống cây trồng như ngô, lúa, đậu, lạc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho hàng trăm hộ dân của xã Lãng Ngâm và một số xã lân cận và trả sau khi có sản phẩm thu hoạch. Với mức dư nợ cho bà con nông dân trả chậm hàng năm khoảng hơn 2 tỷ đồng, ông đã giúp nhiều bà con, nhất là đồng bào dân tộc Mông ở các thôn Củm Nhá, Khuổi Luông, Lủng Pu, Phia Khao... có điều kiện để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, riêng doanh thu của ông Đình hàng năm đạt khoảng 3 - 5 tỷ đồng.
Với bản chất của người thanh niên xung phong không ngại khó, ngại khổ, nữ thương binh Cà Thị Phương, xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm luôn trăn trở làm sao để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho gia đình và các hộ dân trong thôn. Với suy nghĩ tích cực đó, bà đã cùng Chi bộ, Hội cựu chiến binh xã, Ban mặt trận thôn tuyên truyền, vận động bà con cùng tham gia mô hình chăn nuôi trâu, bò, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Nhờ đó đến nay, đời sống của gia đình bà và một số hộ dân đã khấm khá lên, mỗi năm, gia đình chăn nuôi từ 20 con trâu, cho thu nhập trên 50 triệu đồng.
Luôn khắc ghi lời dặn của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, bệnh binh Nông Quang Hảo, xã Đổng Xá, huyện Na Rỳ là người luôn tích cực trong lao động và tăng gia sản xuất. Hiện tại, gia đình ông đang nuôi đàn trâu, ngựa và 01 ao thả cá, hơn 100 con gà thịt, đàn lợn thịt, lợn nái hàng năm sinh đẻ 2 lứa. Ngoài ra, ông còn trồng 1.000 cây cam, 2.500 cây quế đang phát triển tốt, hứa hẹn cho thu nhập cao trong những năm tới.
Với bản chất người lính cụ Hồ xông pha nơi trận mạc nay trở về gắn bó với nhân dân nơi cư trú, tinh thần đoàn kết, thương yêu đồng bào vẫn được các thương, bệnh binh thể hiện rõ nét trong cuộc sống hàng ngày. Tiêu biểu như ông Nông Đình Nhạ là người bị địch bắt tù đày và hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Sau khi xuất ngũ, trở về công tác 38 năm trong ngành Tòa án, với bề dày kinh nghiệm của mình, khi nghỉ hưu ông vẫn tiếp tục tham gia vào Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, Hội Luật gia tỉnh và Đoàn luật sư tỉnh Bắc Kạn. Từ đó đến nay, ông đã tư vấn và trợ giúp pháp lý miễn phí cho hàng trăm trường hợp, trong đó có 02 trường hợp phức tạp kéo dài gần 20 năm, tạo được niềm tin của người dân vào đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước. Năm 2016, ông còn đóng góp ý kiến xây dựng 26 dự thảo Luật theo yêu cầu của Đoàn đại biểu quốc hội đơn vị tỉnh; tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, nhân dân của 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bạch Thông và thành phố Bắc Kạn.
Cùng với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình, nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ trên địa bàn tỉnh còn tích cực đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương bằng những việc làm cụ thể như hiến đất làm đường, đóng góp ngày công, tiền, nguyên vật liệu xây dựng các công trình văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, điển hình như các thương binh: Nguyễn Hồng Dỏng, thôn Đông Piầu, xã Vân Tùng (Ngân Sơn); Vũ Xuân Thu, xã Tân Tiến (Bạch Thông); Lương Văn Sằn, thôn Bản Giang, xã Lương Thượng (Na Rỳ). Các bệnh binh: Nguyễn Chu Hảo, thôn Nà Sang, xã Vi Hương (Bạch Thông); Lô Minh Khoa, thôn Cốc Càng, xã Xuân Dương (Na Rỳ); ông Tô Văn Hảo, bố liệt sỹ Tô Văn Dũng, thôn Nà Tùm, xã Ngọc Phái (Chợ Đồn). Ngoài ra, các thương bệnh binh cũng là những nhân tố tích cực trong các phong trào nhân đạo, từ thiện, nhiều người được nhân dân nơi cư trú tín nhiệm bầu làm người có uy tín của địa phương như: Ông Triệu Đình Cả, xã Đồng Lạc (Chợ Đồn); ông Nguyễn Xuân Đình, xã Lãng Ngâm (Ngân Sơn); ông Nguyễn Đình Hoành, xã Bình Văn (Chợ Mới)...
Dẫu vết thương chiến tranh vẫn đeo đẳng nhưng các thương bệnh binh vẫn từng ngày nỗ lực vượt lên khó khăn để phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân và đóng góp vào công tác xã hội của địa phương. Họ xứng đáng trở thành tấm gương sáng để cán bộ, nhân dân học tập, noi theo./.
Tác giả: Thu Trang
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn