Trong những năm qua công tác quản lý, bảo vệ môi trường luôn được các cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Bắc Kạn quan tâm chỉ đạo thực hiện.
UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức thực hiện những quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND các huyện, thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường được UBND tỉnh, các cơ quan chức năng và UBND các huyện, thành phố quan tâm, phối hợp thực hiện. Từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh đã tổ chức 23 Hội nghị tuyên truyền, tập huấn cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; đăng tải 44 bài trên báo Bắc Kạn, thực hiện các tin, phóng sự về công tác bảo vệ môi trường trong các chương trình thời sự, chuyên đề chuyên mục; Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức 06 hội nghị tập huấn và các hội nghị tuyên truyền về bảo vệ môi trường; UBND các huyện, thành phố đã tổ chức 35 hội nghị tập huấn, 42 buổi tuyên truyền về bảo vệ môi trường cho công chức, viên chức, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn. Ngoài ra, công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường cũng được thực hiện lồng ghép trong quá trình thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại cơ sở và thông qua các hoạt động “Ngày môi trường thế giới”, “Tháng hành động vì môi trường”, “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”...
Các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản và trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cơ bản có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, chủ động thực hiện các thủ tục, hồ sơ về môi trường trước khi triển khai dự án và thực hiện các nội dung theo hồ sơ môi trường đã được phê duyệt; công tác quản lý chất thải nguy hại được thực hiện theo quy định; các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu các tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường được chú trọng triển khai; thực hiện khá đầy đủ việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; việc quan trắc môi trường được thực hiện theo quy định.
Công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân được Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện hằng năm theo quy định. Ngoài các cuộc kiểm tra theo kế hoạch, các đơn vị đã tổ chức các cuộc kiểm tra đột xuất theo ý kiến kiến nghị của cử tri và phản ánh của các cơ quan truyền thông.
Nhờ các biện pháp bảo vệ môi trường nước mặt lưu vực sông Cầu, chất lượng môi trường nước
sông Cầu chảy qua địa bàn tỉnh đảm bảo sử dụng cho mục đích thủy lợi, tưới tiêu.
Từ năm 2016 đến tháng 3/2019, toàn tỉnh đã tổ chức thực hiện 91 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; phát hiện 75 vụ vi phạm; nộp ngân sách nhà nước 838.042.000 đồng.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được thực hiện thường xuyên, theo ngành, lĩnh vực. UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp tốt với các cơ quan trung ương trong việc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường trên địa bàn. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh phối hợp thường xuyên trong các công tác như: Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường; xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án; kiểm tra, kiểm soát các vấn đề về ô nhiễm môi trường; phối hợp trong công tác thông tin tuyên truyền... UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã và phối hợp với các đơn vị có liên quan trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Có đơn vị đã xây dựng quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp được giám sát thực hiện tương đối đầy đủ chế độ thông tin báo cáo liên quan đến lĩnh vực môi trường với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Tuy nhiên, hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn tồn tại một số hạn chế nhất định, như: Công tác thanh tra, kiểm tra công tác thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường chưa thực sự hiệu quả, chưa kịp thời phát hiện sớm các sai phạm để xử lý kịp thời. Việc phát hiện các vi phạm trong lĩnh vực môi trường chủ yếu do nhân dân địa phương và các cơ quan báo chí thông tin. Hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường chưa đạt hiệu quả như mong muốn; việc xử phạt các vi phạm hành chính chưa mang tính răn đe; sự vào cuộc của chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt…
Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như cơ chế chính sách về bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, chưa có sự thống nhất giữa các ngành luật; Thiếu kinh phí, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường (các trang thiết bị, trạm quan trắc môi trường tự động, hệ thống, cơ sở dữ liệu tiếp nhận, quản lý số liệu quan trắc tự động); Thiếu kinh phí triển khai các chương trình, dự án trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt là đối với việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…
Dự án thu gom và xử lý nước thải của thành phố Bắc Kạn
Nhằm khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế nêu trên, tăng cường công tác bảo bệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh, UBND tỉnh đã có Văn bản số 3304/UBND - TH ngày 20/6/2019 chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc các ý kiến kiến nghị của Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bắc Kạn tại Báo cáo số 40/BC-HĐND ngày 14/6/2019, cụ thể:
Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng hoạt động theo dõi, kiểm tra việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được duyệt của các cơ sở sản xuất kinh doanh; kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, tránh gây bức xúc trong nhân dân.Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các sở, ngành và địa phương có liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường; theo dõi, giám sát chặt chẽ việc khắc phục hậu quả do các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm gây ra.Chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp trong quy hoạch khai thác khoáng sản, trang trại chăn nuôi theo các quy định của pháp luật.Thường xuyên tập huấn chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nâng cao hơn nữa trách nhiệm tham mưu đối với UBND cùng cấp trong công tác thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn. Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cấp tỉnh để thực hiện tốt hơn nữa công tác thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện, thành phố; gắn trách nhiệm của chính quyền các xã, phường, thị trấn trên địa bàn, tránh tình trạng bao che, né tránh, buông lỏng quản lý. Chủ động trong công tác thẩm định, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường; giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền. Đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn về công tác bảo vệ môi trường.
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các nội dung có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường như nghiên cứu, xem xét bố trí kinh phí hỗ trợ đầu tư công nghệ, thiết bị kỹ thuật cho các hoạt động quan trắc môi trường, xử lý chất thải, khắc phục ô nhiễm... được chính xác, nhanh chóng, thuận tiện; đặc biệt là đối với việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh. Quản lý chặt chẽ việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản của các chủ đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn. Chỉ đạo cơ quan tài chính đảm bảo ngân sách cần thiết để các cơ quan có liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường. Chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các ngành có liên quan nâng cao hơn nữa công tác phối hợp với UBND cấp huyện trong việc phát hiện và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường./.
Tác giả: Thanh Thuyên
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn